Phát hiện đột phá về nguồn gốc loài chim

25/01/2013 16:04 GMT+7

(TNO) Sự phát hiện về loài khủng long lông vũ mới được đánh giá sẽ thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết về loài chim, theo tuyên bố của các chuyên gia quốc tế.

Hóa thạch của một sinh vật kích thước 30 cm từ Kỷ Jura đã thách thức cách nhìn nhận lâu nay về nguồn gốc của loài chim.

Phát hiện đột phá về nguồn gốc loài chim
Khủng long Eosinopteryx - Ảnh: ĐH Southampton

Trong một nghiên cứu đột phá, giới chuyên gia đã tiết lộ về sự tồn tại của loài khủng long Eosinopteryx trước khi khủng long được cho là tổ tiên của chim chóc xuất hiện trên bề mặt Trái đất.

Trước đây, giới khoa học cho rằng loài chim tiến hóa từ dòng khủng long gọi là theropod vào thời đầu Kỷ Phấn trắng, cách đây khoảng 120 - 130 triệu năm.

Tuy nhiên, giả thuyết trên hiện bị lung lay sau khi hóa thạch của các khủng long có lông vũ được tìm thấy tại miền đông bắc Trung Quốc, từ thời Kỷ Jura.

Eosinopteryx được cho là đã tồn tại từ hơn 145 triệu năm trước, theo báo cáo trên chuyên san Nature Communications.

Đồng tác giả cuộc nghiên cứu là tiến sĩ Gareth Dyke của Đại học Southampton (Anh) đánh giá phát hiện mới càng khiến giới chuyên gia thêm nghi ngờ về giả thuyết liên quan đến hóa thạch nổi tiếng Archaeopteryx, được cho là thủy tổ của loài chim hiện đại.

Hóa thạch của Eosinopteryx cho thấy dù khủng long có lông vũ, chúng hoàn toàn không biết bay, do sải cánh ngắn và cấu trúc xương không phù hợp.

Chúng còn có ngón chân chuyên cho hoạt động đi trên mặt đất, và có ít lông hơn ở phần đuôi và chân sau.

Phi Yến

>> Hóa thạch cổ nhất địa cầu
>> Rừng hóa thạch 100 triệu năm tuổi
>> Hóa thạch loài sói đã tuyệt chủng
>> Hóa thạch" sống
>> Hóa thạch tôm 425 triệu năm
>> Hóa thạch 1.800 con rùa
>> Hóa thạch nhện vồ mồi 100 triệu năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.