Ký sự: FV - Hành trình con dấu vàng JCI Kỳ 6: Sứ mệnh của người thầy thuốc

23/09/2016 08:00 GMT+7

Xây dựng một bệnh viện hiện đại theo chuẩn JCI trong khi duy trì một mức giá khám chữa bệnh không quá cao là một thách thức không nhỏ. Đây cũng là thách thức đối với sứ mệnh người thầy thuốc.

Tổng giám đốc Bệnh viện FV - BS Jean-Marcel Guillon, không chỉ nhìn xa trông rộng mà còn là người rất thực tế. Ông nói: “Chúng tôi bắt đầu bằng cách nhìn nhận thực tế rằng Việt Nam chưa phải là một nước giàu như các nước phát triển hay một số nước trong khu vực nên điều khó khăn nhất là việc mang lại tiêu chuẩn y tế chất lượng cao, phương pháp hiện đại nhưng đồng thời phải duy trì được mức giá không quá cao. Đây chính là điều khó khăn mà chúng tôi phải vượt qua”.
FV không hoạt động phi lợi nhuận, không có nguồn tài trợ từ Chính phủ cũng như của bất cứ tổ chức quốc tế nào, toàn bộ nguồn vốn hoạt động của FV là do các cổ đông đóng góp. Tôi hỏi ông, giữa sứ mệnh của người thầy thuốc và lợi nhuận của nhà kinh doanh có sự tương quan như thế nào, ông trả lời: “Là một nhà đầu tư, bạn phải có những kế hoạch kinh doanh và nhất định phải tạo ra lợi nhuận. Vì sao tôi nói nhất định phải tạo ra lợi nhuận? Là vì bạn phải trả cổ tức cho các cổ đông, phải trang trải các chi phí và tái đầu tư, nếu không có lợi nhuận thì bệnh viện không thể tồn tại và phát triển. Sứ mệnh người thầy thuốc ở đây là xây dựng một bệnh viện có khả năng cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng tốt nhất theo chuẩn JCI trong khi không có nguồn vốn tài trợ nào khác ngoài nguồn vốn của chính mình. Nếu không có lợi nhuận thì không thể hoàn thành sứ mệnh đó được. Bởi vậy không có tương quan tỷ lệ nào, không có mâu thuẫn gì giữa lợi nhuận của bệnh viện và sứ mệnh của người thầy thuốc, chúng phải được thực hiện song hành và quan trọng như nhau”.
Không khó hiểu khi đối tượng bệnh nhân đầu tiên mà BS Guillon hướng tới khi xây dựng bệnh viện này là tầng lớp trung lưu trở lên, tức là những người khá giả và giàu có. Dù chi phí khám chữa bệnh ở FV thấp xa so với mức chi phí phải trả khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện có chất lượng dịch vụ tương đương ở Singapore hay các nước khác nhưng vẫn rất cao so với hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam. Đó là mức giá chỉ có những người thuộc thành phần khá giả mới có thể tiếp cận. BS Guillon bảo giá cả dịch vụ y tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là nguồn nhân lực - yếu tố chiếm tới 40 - 45% tổng chi phí. Chi phí trả cho BS, điều dưỡng và nhân viên y tế ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với Singapore. Những yếu tố khác như chi phí xây dựng, chi phí thuê đất, chi phí sinh hoạt cũng góp phần giảm giá dịch vụ vì những chi phí này tại Việt Nam đều rẻ hơn ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, giá nhiều loại thuốc nhập khẩu vào khu vực các nước đang phát triển như Việt Nam cũng thấp hơn so với giá thuốc cùng loại ở các nước phát triển. Ngoài ra, FV còn tìm mọi cách “phục vụ càng nhiều bệnh nhân càng tốt”, muốn vậy mức giá càng phải hợp lý để số đông có thể chi trả được. Một nỗ lực kết nối đáng ghi nhận giữa Bảo hiểm xã hội TP.HCM với FV, bắt đầu từ tháng 7.2015, là bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa trị và xạ trị tại FV được bảo hiểm y tế đồng chi trả (bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí khám bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và chi phí hóa trị, xạ trị, trong đó thuốc điều trị được chi trả nhiều nhất - từ 30% đến 90% tùy trường hợp). Đây vừa là cơ hội mở rộng cho nhiều bệnh nhân ung thư được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt nhất, vừa là điều kiện để FV tiếp tục đầu tư vào hiện đại hóa khoa ung bướu nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả điều trị.
Trở lại nhiệm vụ của Giám đốc tiếp thị và phát triển kinh doanh Nguyễn Thị Lệ Thu mà chúng tôi đề cập ở phần đầu của loạt bài này. Ngoài việc làm cho công chúng “nhận biết” dịch vụ của bệnh viện, chị Lệ Thu còn tiến hành kết nối với các chương trình bảo hiểm để mở rộng đối tượng phục vụ, mới nhất là bảo hiểm y tế nói trên, đồng thời chị còn tiếp cận với các doanh nghiệp lớn để ký kết các hợp đồng khám sức khỏe tổng quát cho cán bộ công nhân viên. Tất cả đều nhằm mục đích “phục vụ càng nhiều bệnh nhân càng tốt”. “Phát triển kinh doanh” của bệnh viện là để “nhất định phải tạo ra lợi nhuận” như lời BS Guillon, nhưng không phải tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá như các doanh nghiệp thông thường, mà nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất để thực hiện sứ mệnh người thầy thuốc.
Và sứ mệnh của người thầy thuốc ở FV không đơn giản là một khái niệm đạo đức. BS Phan Văn Trung làm việc ở khoa nội của FV trao đổi với tôi, các BS ở đây phải tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và phải cập nhật những hướng dẫn mới nhất và tốt nhất của thế giới. Bệnh viện có danh mục tất cả các loại thuốc được phê duyệt và BS chỉ được phép kê toa cho bệnh nhân từ danh mục ấy. Nếu trường hợp cần thiết phải sử dụng thuốc ngoài danh mục trên, thì phải được hội đồng thuốc phê duyệt.
Bệnh viện có phòng quản lý chất lượng có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ các quy trình ở khắp các bộ phận. Khi phát hiện khoa, phòng nào chưa tuân thủ đúng quy trình, tất cả nhân viên FV đều có quyền và được khuyến khích báo cáo sự cố; phòng quản lý chất lượng sẽ trực tiếp xử lý với các khoa, phòng liên quan đến sự cố nhằm ngăn ngừa sai sót tương tự xảy ra ở khoa phòng khác. Mới đầu cảm thấy bị giám sát theo dõi, bị gò bó không thoải mái, nhưng sau đó cảm thấy tay nghề vững vàng hơn, tự tin hơn”, BS Trung nói. Đây cũng chính là yêu cầu theo chuẩn JCI.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.