Chuyện tình cổ tích Việt thời nay - Kỳ 2: Say nắng cô gái hơn mình 8 tuổi

25/09/2017 13:48 GMT+7

Vừa vào học ở trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật, anh Quều đã say nắng chị Trúc dù chị hơn anh 8 tuổi. Mỗi lần chị Trúc 'lơ' là anh lại lụi hụi ra sau lớp học để… khóc.

Không giống như chuyện tình yêu “sét đánh” của anh Nào và chị Nhân, câu chuyện của anh Quều và chị Trúc khiến tôi bị khựng lại, suy nghĩ nhiều về sự hy sinh trong tình yêu. Tình yêu của anh chị vĩ đại đến mức sẵn sàng xa nhau, xa con để sống qua ngày rồi những giây phút được gặp nhau thì mừng mừng tủi tủi.
‘Ghét của nào trời trao của đó’
Anh Cao Minh Quều (28 tuổi, quê Long An) là con út trong gia đình có 7 anh chị em, trong nhà cũng chỉ có mình anh bị nhiễm chất độc da cam. Hai chân tong teo, đi đâu cũng phải ngồi xe lăn. Sau này anh lại bị tai nạn nên phải cưa một chân, việc di chuyển khó khăn hơn gấp bội.
Ngày vào học nghề tranh ghép gỗ tại trung tâm dạy nghề dành cho người khuyết tật, anh đã bị “say nắng” chị Võ Kim Trúc hơn mình 8 tuổi, quê Vĩnh Long ở lớp kế toán.
Anh tâm sự: “Hồi đó nhìn thấy vợ bị tật 1 chân nhưng mà cười nói líu lo suốt nên tôi thích lắm. Mà càng bộc lộ bao nhiêu thì vợ càng làm bộ có giá bấy nhiêu. Biết vậy mà tôi cứ bị đau lòng rồi ra sau lớp học khóc vì bị lơ miết”.
Còn chị Trúc thì kể, thời gian đầu mình ghét anh lắm vì anh mặc áo trắng mà hai bên tay đen thui, ghét lắm luôn mà thấy anh cứ theo hoài nên mấy chị cùng trung tâm nói tấp vô rồi bày mình dùng thử thách để bắt anh chứng minh tình yêu.
Chị Trúc cũng bị teo 1 chân do sốt bại liệt năm 1 tuổi Ảnh: Vũ Phượng
“Thế là chị nhờ anh đi mua băng vệ sinh, ai ngờ anh đi thiệt, nhờ mua 1 bịch mà mua hẳn mấy bịch xách về. Rồi chị giả bộ thèm bắp, anh lại đi mua quá trời về để chị chia cho mọi người ăn. Dần dần thấy ảnh tồi tội, thôi yêu cũng được. Vậy là tết chị về quê, ảnh xin về theo. Thiệt ghét của nào trời trao của đó mà”, nói rồi chị nhìn qua phía anh cười một cái tình ơi là tình.
Ngày công khai tình yêu, gia đình nhà anh phản đối, nhiều người chê chị “già” khiến chị cũng tủi tủi định bỏ cuộc nhưng được anh an ủi nên cả hai lại bên nhau cùng vượt qua. Cũng vì cả hai bên gia đình khó khăn nên anh chị không được tổ chức đám cưới mà chỉ đứng thắp nén nhang trước bàn thờ gia tiên gọi là “ra mắt”.
Xa nhau, xa con
Ở với nhau được 10 tháng thì chị Trúc sinh con, con vừa cứng cáp thì chị gửi con về để bà ngoại chăm. Còn anh chị tiếp tục ở Sài Gòn để kiếm tiền gửi về cho bà chăm con. Thế nhưng, anh Quều bị dị dạng bàng quang, không ngồi lâu được nên chẳng xin được việc gì, tất cả chi phí trong nhà phải phụ thuộc hết vào 5 triệu đồng tiền lương của chị Trúc.
Về quê sống cùng cha mẹ để vợ bớt gánh nặng nhưng anh Quều vẫn đều đặn lên thăm vợ vào dịp cuối tuần để được ăn cơm vợ nấu Ảnh: Vũ Phượng
Tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền gửi về cho con, chật vật mãi không đủ, vậy là anh Quều về quê sống với cha mẹ, để vợ ở lại Sài Gòn làm một mình. Anh trải lòng: “Có ai mà muốn xa vợ, xa con đâu nhưng giờ sức khỏe tôi vầy, ở đây là gánh nặng thêm về ăn uống cho vợ. Thôi tôi chấp nhận về quê ở, cuối tuần chạy lên thăm vợ. Tôi đàn ông mà không làm được gì, phụ thuộc hết vào vợ, nói ra cũng buồn lắm”.
Tôi hỏi chị Trúc: “Chị ở đây một mình có thấy cô đơn quá không?”. Chị Trúc cười mà như khóc, ngước lên cao để ngăn những giọt nước mắt chực ứa ra. Chị nói: “Có chồng mà không được gần chồng, có con mà không được gần con. Nhưng biết phải làm thế nào, mình không còn sự lựa chọn. Giờ về quê thì không thể có tiền cho con đi học được, làm ở đây thì cứ vậy hoài. Không biết ra sao ngày mai”.
Anh chị vẫn mơ về một tương lai cả gia đình được ở cùng nhau dưới một mái nhà Ảnh: Vũ Phượng
Tủi thân là vậy, cô đơn là vậy nhưng chị Trúc hàng ngày vẫn đi hỏi khắp nơi về đám cưới tập thể vì nghe đâu được tổ chức miễn phí. Cộng thêm mấy lần đi ngang qua đám cưới, chồng hay thỏ thẻ: “Nhìn đẹp quá ha, cả đời mình chắc không bao giờ được mặc đồ cưới thế này” nên chị càng quyết tâm đăng ký cho được. Năm này qua năm khác, dịp đám cưới tập thể vừa rồi, anh chị cũng là 1 trong số 100 cặp đôi được chọn.
Vượt qua sự phản đối của gia đình, người quen, chị đã đến với anh và yêu anh bằng tất cả những gì mà chị có. Người phụ nữ cáng đáng mọi việc, chấp nhận xa chồng, xa con để một mình ở nơi ồn ào phố thị mà chẳng than thở một lời.
Còn anh, đau xé lòng khi lấy vợ rồi nhưng phải sống nhờ vào vợ và cha mẹ. Anh Quều vẫn mơ đến một ngày vợ chồng con cái được sống cùng với nhau, tối đến cả nhà quây quần bên mâm cơm gia đình. Thế nhưng, anh còn bệnh trong người, lại là chất độc da cam, chẳng thể biết được ngày mai sẽ như thế nào…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.