Trưởng phòng CSGT TP.HCM và những câu trả lời dư luận về xi nhan đường cong

Người dân, báo chí kỳ vọng trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng Phòng CSGT TP.HCM sẽ giải đáp tới nơi tới chốn những thắc mắc nóng về giao thông thời gian gần đây như: mãi lộ, 'người lạ' và việc không bật xi nhan trên đường cong có bị xử phạt. Họ chờ đợi và kỳ vọng rất nhiều...

Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải bài viết CSGT có quyền phạt người chạy xe vào đường cong không bật xi nhan?, nhiều độc giả đã gọi điện thoại đến Đường dây nóng 0906 645 777 để phản ánh từng bị CSGT dừng xe và thông báo lỗi không bật xi nhan ở nhiều đoạn đường cong.
VIDEO: Trưởng phòng CSGT TP.HCM hứa sẽ chấn chỉnh vụ đường cong xi nhan
Hàng trăm ý kiến bình luận, cung cấp thông tin, đề nghị làm rõ có khuất tất hay không đã được Thanh Niên phản ánh trên báo và chuyển thắc mắc đến PC67.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng nếu không bắt lỗi phải bật xi nhan đường cong thì tại sao CSGT lại hay đứng ở đoạn đường này để dừng xe xử lý vi phạm, ở đấy có gì mà đứng bởi có thể tăng độ nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện khi CSGT xuất hiện bất ngờ.
Từ những phản ánh của bạn đọc, chúng tôi dùng camera hành trình di chuyển theo đoạn đường cong từ Xa lộ Hà Nội hướng đi dành cho xe hai bánh lên cầu vượt nút giao thông Thủ Đức (Q.9, TP.HCM) để đi về An Sương hoặc cầu Đồng Nai. Chúng tôi cũng phản ánh về đường cong trạm 2, dạ cầu QL 1A (đoạn Võ Trần Chí - Hương lộ 2); đoạn giao Võ Văn Kiệt - QL 1A; đoạn Tôn Đức Thắng… trong suốt gần cả tháng nay trên báo Thanh Niên điện tử, kèm theo đó là sự sục sôi của bạn đọc khi liên tục phản hồi cung cấp, hỗ trợ cung cấp thêm nhiều thông tin.
Những thông tin đó lẽ ra phải chính là cơ sở để PC 67 sớm ghi nhận để lập quy trình kiểm tra, giám sát lại đội ngũ CBCS để trả lời rõ ràng trước sự bức xúc của người dân.
VIDEO: Trưởng Phòng CSGT nói về những tiếc nuối về lực lượng trong thời gian gần đây

Người dân phản ánh mà không có bằng chứng nên rất khó xử lý. Người dân phát hiện CSGT nhận tiền cứ liên hệ qua đường dây nóng của Phòng, tôi sẽ cử người đến để lấy thông tin. Đủ bằng chứng, ngày giờ chúng tôi mời CBCS lên làm việc liền.

Trung tá Huỳnh Trung Phong

Chị N.D phản ánh: Tôi từng bị CSGT thổi phạt tại đường cong trạm 2 dạ cầu QL1 một lần vì không xi nhan nhưng các anh không lập biên bản. Mới đây 1 người nhà tôi vừa qua khỏi đoạn cầu này đã bị CSGT yêu cầu dừng xe. Vì bị bất ngờ nên anh thắng gấp và ngã nhào ra đường. May là lúc đó các xe phía sau chạy chậm nên anh chỉ bị trầy xước nhẹ.
Ông Ngô Văn Phước (ngụ Q.Bình Tân) cũng ngao ngán chia sẻ không ít lần ông chứng kiến người dân quay đầu xe vì bất ngờ khi thấy CSGT đứng ngay đoạn đường cong. “Chưa kể việc mỗi lần CSGT đứng làm việc là có mấy người mặc đồ thường đứng gần đó ở cả 2 đầu, CSGT đi thì những người này cũng đi. Lạ thật!”, ông Phước nói.
Kế hoạch đứng do Ban chỉ huy Phòng duyệt
Để tìm câu trả lời, PV đã phỏng vấn trung tá Vương Văn Nhựt, Phó Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc và thiếu tá Đào Văn Út, Đội trưởng Đội CSGT Phú Lâm. Cả hai khẳng định chưa lập biên bản nào với lỗi không xi nhan tại các đoạn đường cong như Thanh Niên phản ánh.
Nhiều ý kiến lại gửi về sau khi phần nào đã được giải đáp nhưng người dân vẫn mong đợi người đứng đầu lực lượng CSGT sẽ tiếp nhận và có câu trả lời rõ ràng, rành mạch về vấn đề trên.
Hôm qua, trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC 67), Công an TP.HCM) đã trả lời những thắc mắc, bức xúc của người dân bạn đọc Báo Thanh Niên liên quan đến xi nhan đường cong.
Trung tá Huỳnh Trung Phong trả lời báo chí vào chiều 22.9 Ảnh: Vũ Phượng
PV Báo Thanh Niên hỏi: “Những đoạn đường cong mà Báo Thanh Niên liên tục phản ánh trong thời gian qua, gồm: cầu vượt Trạm 2, dạ cầu Quốc lộ 1A đoạn gần Võ Trần Chí, đường Tôn Đức Thắng,… CSGT có được quyền dừng xe ở đây để phạt lỗi không bật xi nhan?”.
Ông Phong không trả lời thẳng mà hỏi ngược: “Trong Luật giao thông đường bộ không có khái niệm đường cong, còn trong quy chuẩn thì chỉ có khái niệm độ cong của đường, đường nào cũng có tên chứ chị nói đường cong là đường nào?”.
PV hỏi tiếp: “Vậy những đoạn đường cong như thế này người dân phải gọi tên thế nào mới đúng?”.
Ông Phong trả lời: “Nếu tôi giải thích được thì tôi đã giải thích với anh chị rồi. Theo Luật giao thông đường bộ không có khái niệm, định nghĩa như thế nào là đường cong, vậy nên sao tôi tự đặt ra và giải thích được”.
Tiếp tục làm rõ mong muốn của người dân, PV hỏi tiếp: “Vậy tại những đoạn đường mà người dân đang đổ dốc cầu như ở cầu vượt Trạm 2 khi người dân đang đổ dốc cầu mà CSGT đứng đó, theo ông có nguy hiểm cho người tham gia giao thông hay không?”
Ông Phong giải thích: “Thông tư quy định CSGT được dừng ở bất cứ vị trí nào nhưng việc dừng đó phải đảm bảo kiểm soát công khai, minh bạch, an toàn. Vậy nên khi CSGT dừng xe ở khu vực đó là do CSGT đảm bảo được sự công khai, minh bạch, an toàn nên CSGT dừng thôi”. Ông cũng khẳng định thêm kế hoạch tuần tra, vị trí điểm đứng của các đội đều được gửi về và do Ban chỉ huy Phòng duyệt thì các đội mới được đứng.
“Vậy cụ thể là đoạn cầu vượt Trạm 2 thì sao?”, PV chất vấn tiếp. “Do Báo Thanh Niên quy định đường cong chứ luật có quy định đường cong gì đâu”, ông Phong trả lời.
Chưa lập 1 biên bản nào nếu không xi nhan đường cong
Quyết làm rõ vấn đề, PV Thanh Niên lại hỏi tiếp: nếu CSGT không hề xử phạt xi nhan đường cong, không lập biên bản nào thì tại sao Đường dây nóng Báo Thanh Niên liên tục nhận được cuộc gọi của bạn đọc về chuyện bị xử phạt này và bày tỏ thái độ gay gắt, anh có thấy lạ không khi ĐDN của Phòng các anh lại không nhận được cuộc gọi như thế?
Ông Phong không trả lời thẳng cho câu hỏi mà tiếp tục: Tôi đã trả lời đường cong là do mấy anh chị tự nói chứ trong luật làm gì có đường cong, cơ sở nào để nói nó là đường cong!
Đường cong ở đoạn Xa lộ Hà Nội rẽ vào cầu vượt Trạm 2 Ảnh: Vũ Phượng
Nói sang chuyện bạn đọc Báo Thanh Niên cũng phàn nàn về việc CSGT dừng xe ở những "đoạn đường có độ cong" này nhưng không lập biên bản mà “gợi ý” đưa tiền từ 100.000 - 300.000 đồng rồi cho đi, ông Phong trả lời: một ngày đường dây nóng của chúng tôi nhận được 30 - 50 cuộc điện thoại, có ngày cả trăm cuộc, 365 ngày thì bao nhiêu cuộc. Để nghe lại phản ánh của người dân về vấn đề mà các anh chị vừa hỏi thì chúng tôi còn phải rà soát lại. Nếu có thì sẽ xử lý nghiêm.
“Thực tế tôi đã kiểm tra chưa có biên bản nào được lập tại đây. Luật cho phép CSGT được đứng ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên với những đoạn người dân phản ánh thì chúng tôi hứa sẽ chấn chỉnh. Nếu mà người dân và dư luận vẫn tiếp tục bức xúc nữa thì tôi sẽ chịu trách nhiệm”, ông Phong nói.
Người dân phản ánh mà không có bằng chứng
Ông Phong cũng khẳng định từ khi ông làm Trưởng phòng tới nay chưa xử lý trường hợp nào liên quan tới CSGT nhận mãi lộ. Đề cập đến chuyện người dân phản ánh nhiều nhưng để xử lý thì phải làm sao, ông Phong đề nghị: “Người dân phản ánh mà không có bằng chứng nên rất khó xử lý. Người dân phát hiện CSGT nhận tiền cứ liên hệ qua đường dây nóng của Phòng, tôi sẽ cử người đến để lấy thông tin. Đủ bằng chứng, ngày giờ chúng tôi mời CBCS lên làm việc liền”.
PV hỏi chốt lại: Vậy những đoạn đường mà Thanh Niên phản ánh thì người dân đi qua đó có cần bật xi nhan hay không?
Ông Phong khẳng định: dĩ nhiên là không và cụ thể CSGT chưa hề phạt xi nhan trên đoạn đường cong nào hết.
Không xử phạt, CSGT Bến Thành đứng ở đường cong Tôn Đức Thắng làm gì?
Đại úy Phan Xuân Trường, Phó Đội trưởng Đội CSGT Bến Thành, thuộc PC 67 cho biết tại đường cong Tôn Đức Thắng (khúc cua cùi chỏ gần nhà ga Metro đang thi công) CSGT Bến Thành không xử lý lỗi chuyển hướng không bật xi nhan mà chủ yếu tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân gây TNGT.
VIDEO: CSGT Bến Thành đứng ở đường cong để làm gì?
Theo đại úy Trường, những năm gần đây thi công công trình nhà ga Metro nên Ban chỉ huy Đội hạn chế không cho cán bộ chiến sĩ xử lý vi phạm tại khu vực này mà ưu tiên điều tiết giao thông không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.
Còn toàn tuyến Tôn Đức Thắng thì từ đầu năm đến nay đơn vị xử lý 182 trường hợp chủ yếu là các lỗi dẫn đến TNGT như: nồng độ cồn vượt quá quy định, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, đi ngược chiều,… Thời gian gần đây không có CSGT đứng tại vị trí này là vì cán bộ chiến sĩ của Đội tập trung làm bảo vệ APEC.
Nếu có thì chỉ điều tiết ở đoạn đường cong nhà ga Metro đang thi công chứ không xử phạt. Còn trước đó trên toàn tuyến Tôn Đức Thắng, đơn vị có lập biên bản một số lỗi nhưng qua đó để nâng cao ý thức của người dân.
Nếu bạn đọc hoặc người dân phát hiện CSGT xử lý chuyển hướng không xi nhan tại đường cong này thì liên hệ đơn vị hoặc Phòng CSGT hoặc đường dây nóng đơn vị sẽ xử lý theo đúng quy định.
CSGT không được quyền xử phạt không xi nhan đường cong
Thượng tá Trần Văn Thương, Phó Trưởng Phòng PC67 cho biết những trường hợp người điều khiển xe đi theo hướng đường cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức thì vẫn xem là đang đi trên một đoạn đường thẳng, theo một hướng, nếu trong trường hợp này người điều khiển phương tiện không có tín hiệu báo hướng rẽ thì không bị CSGT xử phạt.
“Chúng tôi rất tiếc nuối và trăn trở”
Liên quan đến việc 3 CSGT Đội Tân Sơn Nhất bị ghi hình có dấu hiệu mãi lộ, ông Phong cho biết rất tiếc nuối và trăn trở về hình ảnh của CSGT. Theo ông Phong, ngay khi nhận phản ánh từ báo chí, PC67 đã phối hợp với Công an TP.HCM lập tổ công tác xác minh và tạm đình chỉ công tác đối với 3 chiến sĩ liên quan để điều tra. Thời gian tới PC67 sẽ đề xuất gắn camera tại các chốt CSGT làm việc nhằm giám sát hoạt động của các tổ CSGT cũng như theo dõi tình hình giao thông tại khu vực này.
Về việc người lạ mặt đứng gần chốt CSGT sau đó đuổi theo người quay phim CSGT làm việc, bắt xóa clip ở đoạn cầu vượt Trạm 2 vừa qua, ông Phong trả lời rằng tại công an phường Bình Thắng, TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương ông Hào (người lạ mặt trong clip) đã tường trình sự việc rằng không quen CSGT và chưa trả lời PV Báo Thanh Niên.
Tuy nhiên, PV hỏi ông Phong là sẽ cung cấp đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện với ông Hào thì sao? Ông Phong nói sẽ tiếp tục xác minh vì rất cầu thị. Còn những người lạ thường đứng gần chốt CSGT, ông Phong cho hay đó có thể là những người chạy xe ôm hoặc những người dân hiếu kỳ khi thấy CSGT làm việc.
“Không cấm người dân quay phim, ghi âm chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ ngoài đường nhưng việc giám sát của người dân không được cản trở công tác của CSGT. Người dân nếu phát hiện sai phạm của CSGT hãy gọi điện, nhắn tin vào số 0994676767 hoặc 0693187521 bất kể thời gian nào, sẽ có người tiếp nhận và xử lý”, ông Phong thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.