Lắng nghe dân!

18/04/2015 06:50 GMT+7

(TNTS) Trong thời đại chúng ta, việc chính quyền lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện mọi quyết sách đúng theo ý nguyện của nhân dân được xác lập trong luật pháp.

(TNTS) Trong thời đại chúng ta, việc chính quyền lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện mọi quyết sách đúng theo ý nguyện của nhân dân được xác lập trong luật pháp.

Lắng nghe dân!Minh họa: DAD
Ngay trong những triều đại quân chủ tiến bộ, tư tưởng trọng dân, lấy dân làm gốc đã có rồi. Nhà nho từng nói “Dân quý nhất, đất nước hạng nhì, triều đình nhà vua là nhẹ nhất” (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh). 
Hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần của nước Đại Việt ta thể hiện tư tưởng lắng nghe ý dân triệt để. Năm 1284, giặc Nguyên sang xâm lược đất nước ta lần nữa. Trước thế giặc mạnh, thượng hoàng Trần Thánh Tông cho họp các vị bô lão để nghe ý kiến nên đánh hay nên hòa. Các bô lão nêu quyết tâm nên đánh tới cùng. Tướng sĩ nhà Trần đã thực hiện ý nguyện đó với sự góp công, góp sức của toàn dân và đã toàn thắng giặc Nguyên.
Tháng ba vừa qua, có hai chuyện trớt quớt diễn ra mà “dư âm” kéo dài qua đến tháng tư, làm nhân dân cười muốn méo quai hàm. Chuyện đầu tiên là TP.Hà Nội muốn đốn bỏ 6.700 cây xanh bự, trồng mới thứ cây ốm nhách gì gì đó với kinh phí trên 6.000 tỉ đồng. Chuyện lớn như vậy mà những người thực hiện lại không hỏi ý kiến nhân dân; cứ cho cưa cây, đào gốc túi bụi. Trời Hà Nội đang mùa nắng; nhân dân thấy những cây xanh trên dưới 50 tuổi bị đốn hạ không thương tiếc thì rất xót xa. Nhân dân không đồng thuận, các cơ quan truyền thông đưa thông tin không đồng thuận với việc làm ấy. Trong khi đó, một quan chức nói một câu xanh dờn như... lá chuối: “Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì?”. Tôi thật đáng tiếc vì câu nói ấy. Bầu ra chính quyền là để lắng nghe và làm theo ý nguyện của nhân dân chứ làm gì. Lạy trời, TP.Hà Nội sau đó đã lắng nghe ý dân, tạm ngưng chương trình đốn cây sống trồng “cây chết” và đã buộc mấy vị đốn cây kiểm điểm.
Chuyện thứ hai là ở Đồng Nai. Con sông Đồng Nai ngàn đời nay đổ từ cao nguyên về, đi ngang qua TP.Biên Hòa thơ mộng, vẽ lên nét đẹp tinh tế. Nguồn nước trong lành của dòng sông được xử lý, trở thành nước sinh hoạt của hàng chục triệu người dân ở Đồng Nai và các địa phương lân cận. Trên 300 năm hình thành vùng đất Trấn Biên lịch sử này, dòng chảy của con sông vẫn thanh thoát; chưa một ai tác động vào. Đùng một cái, chính quyền Đồng Nai phê duyệt dự án cho Công ty Toàn Thịnh Phát gì gì đó được lấp 8,4 ha bờ sông để mần nên khu đô thị Pegasus Residence. Nói nào ngay, họ cũng chịu khó... đi hỏi được 26 người, mặc dù chuyện liên hệ đến cả chục triệu người! Con số 26 người là do họ nói ra, chưa chắc đã là thực tế và cũng chưa chắc những người đó là nhân dân thứ thiệt. Thế nhưng, họ quên hỏi thăm ý kiến các nhà chuyên môn quản lý lưu vực sông, lại cũng không hỏi ý kiến ngành tài nguyên môi trường quốc gia. Dư luận phản ứng, họ bèn nhờ truyền hình cãi hộ sơ sơ hai bản tin. Đến nay, các bộ ngành phản đối, nhân dân không đồng thuận, họ tạm ngưng.
Xin hãy thật sự tôn trọng dân, hãy lắng nghe ý kiến của nhân dân trước khi quyết định làm một cái gì đó có lợi cho dân, cho nước. Những quyết định vội vàng, không công khai và thiếu dân chủ có thể dẫn đến những sai lầm không khắc phục ngay được hậu quả tai hại. Làm sao mà những người ra lệnh chặt phá cây xanh ở Hà Nội có thể trả lại ngay cho nhân dân thủ đô những bóng mát thân thiết đã có từ 50 năm qua? Làm sao mà những người cho phép lấp bờ sông Đồng Nai có thể... hốt lên cả trăm ngàn tấn đất đá xuống dòng sông mà nguồn nước vẫn trong lành như chưa hề có tác động nào?
Trong những năm gần đây, trong phát biểu của nhiều người lãnh đạo địa phương đã có từ “xin lỗi”. Xin lỗi thể hiện một thái độ văn hóa rõ rệt. Nhân dân được nghe một lời xin lỗi chân thành cảm thấy mát lòng mát dạ, sẵn sàng thông cảm, thậm chí còn chia sẻ tâm tư với người xin lỗi. Thế nhưng, cũng có rất nhiều lời xin lỗi là biểu hiện của sự giả vờ, là không trung thực bởi nó chỉ đến sau khi nhiều đương sự đã cãi chày cãi cối, cuối cùng bị cấp trên ra lệnh phải xin lỗi mới chịu làm theo. Nhân dân luôn luôn sáng suốt; liệu những lời xin lỗi như vậy có làm họ tin tưởng không? Cho nên đợi đến khi sự việc đã tanh bành ra, nhân dân dù không khó tính nhưng cũng không muốn nghe những câu nói giả bộ khiêm tốn cỡ như “Chúng tôi xin được tiếp thu”, “Tôi xin thay mặt nhận thiếu sót...”. Trong những trường hợp xin lỗi như vậy, mức độ trung thực hoàn toàn tỷ lệ nghịch với thái độ chấp nê, im lặng diễn ra trước đó. Cũng thật đáng buồn khi chuyện đã dĩ lỡ mà địa phương vẫn không dám đứng ra chịu trách nhiệm. Người ta lấy làm lạ là trong sự việc ở Đồng Nai, không hiểu sao ông Huỳnh Phú Kiệt, Giám đốc công ty lại đứng ra tuyên bố tạm dừng lấp sông mà không phải là một người khác.
Tôi làm báo và tôi tin vào phẩm chất “lòng trong, mắt sáng” của người làm báo. Khi báo chí đưa thông tin về các vụ chặt bỏ cây xanh ở Hà Nội hay vụ đổ cát đá lấp một phần bờ sông Đồng Nai, họ không có một quyền lợi riêng tư hay phe nhóm gì trong đó cả. Hơn bất kỳ cơ quan nào khác, “cái mũi” của báo chí rất bén nhạy. Báo chí phản ánh ý kiến của nhân dân rất rộng và rất sâu; những người phát biểu ý kiến là những người dân bình thường, nhà khoa học, nhà chuyên môn trung thực. Các ý kiến nhân dân được nêu trên báo chí rất sòng phẳng, rất công bằng; khác hẳn ý kiến của các vị chủ tịch phường, tổ trưởng dân phố, cán bộ được... mớm ý. Thật đáng tiếc khi cơ quan chức năng đã không nghiêm túc lắng nghe những ý kiến thành tâm thiện chí như vậy. Đó là cái não trạng coi thường dư luận báo chí, coi thường nhân dân; tự cho mình là có quyền làm, mình làm đúng, mình làm hay.
Mà có việc gì đâu để người lãnh đạo phải tự ái, không chịu lắng nghe ý dân nhỉ? Việc lắng nghe cũng đâu có phải là quá khó, quá tốn kém mà không làm được? Cứ tổ chức một cuộc họp, mời nhân dân các tổ dân phố hay một phường gần “công trình” đến, hỏi xem chặt hàng cây này được không, lấp đoạn bờ sông kia được không là nhân dân sẽ nói ngay ý kiến của mình. Tại sao lại phải giấu dân những việc gần gũi với đời sống của họ? Cho nên đại phàm, việc gì không minh bạch, dân chủ thì nhân dân có thể nghi ngờ chuyện lợi ích nhóm. Hai vụ việc chặt cây và lấp sông được thực hiện nhanh quá khiến nhân dân có quyền nghi ngờ ở đây có lợi ích nhóm. Trong trường hợp này, ta không thể nói nhân dân đa nghi như Tào Tháo được. Họ đã phải chứng kiến những công trình dân sinh bức thiết tiến hành ì à ì ạch vì thiếu vốn thực hiện nên nay chợt thấy những công trình trời ơi mà được làm hăng hái một cách bất bình thường nên nghi ngờ động cơ, mục đích của nó dù người trong cuộc có trong sáng hay không.
Ngay tới... tôi - con người ngây thơ, hiền lành cũng có thể bị mấy bà con ở Đồng Nai nghi ngờ, hỏi “Có phải ông xúi giục mấy ổng lấp sông để xuống đó ngồi... câu cá bống dừa không?”. Vâng, quả thật là nhục như con cá nục nếu tôi xuống ngồi chỗ bờ sông xây cao ốc ấy mà câu cá bống dừa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.