"Lão phù thủy” tre bông

29/03/2007 16:11 GMT+7

Nhiều người ở phường Bình Khánh, TP Long Xuyên An Giang phong cho ông biệt danh "lão phù thủy" cũng không quá. Từ bàn tay tài hoa của ông, tre bông hóa thành bình hoa, quạt, Chùa Một Cột, Ngọ Môn Huế...

Ông Võ Thành Viễn hiện là chủ cơ sở mỹ nghệ tre bông Viễn Thành ở An Giang. Lúc 24 tuổi ông bắt đầu mê vót tre chẻ lạt làm câu, làm lờ, làm đũa... và tình cờ ông nghĩ đến việc làm ra những mặt hàng mỹ nghệ từ tre. Trong một lần đến Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang, ông phát hiện có một loại tre ngoài da trổ vân bông đậm lợt rất lạ mắt. Từ đó ông quyết định sử dụng loại "tre bông" chỉ có ở vùng đất cù lao Giêng (Chợ Mới) để sản xuất ra nhiều mặt hàng mỹ nghệ.

Cũng phải mất khá nhiều năm tìm tòi sáng tạo sản phẩm của ông mới được nhiều người biết đến. Năm 2000 sản phẩm mỹ nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống của ông lần lượt được đưa đi tham gia Hội chợ triển lãm 25 năm thành tựu của tỉnh, rồi đến hội chợ ASEAN tại TP.HCM, Hội chợ triển lãm Quốc tế tại Cần Thơ và các kỳ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao do Báo Sài Gòn tiếp Thị tổ chức. Được tiếp cận với các sản phẩm mỹ nghệ khác trên toàn quốc ông rút tỉa thêm những kinh nghiệm mới.

Ông Viễn cho biết: "lúc đầu sản phẩm làm mang đi Hội chợ một thời gian thì bị xuống màu, mối mọt, không giữ được lâu. Qua quá trình tìm hiểu nghiên cứu, tôi đã tìm ra một số chất liệu đơn giản như phèn xanh, phèn chua, phèn the, oxy để tẩm, ướp thân tre làm tăng độ bền về màu sắc, chống mối mọt và còn tạo ra 10 màu khác nhau từ 3 màu gốc của tre là xanh, vàng, trắng, đặc biệt giữ được màu xanh góc của lá tre và màu đỏ hồng trên thân tre".


Đèn ngủ làm từ tre bông Ảnh: TĐT-HT
Tuy nhiên vấn đề chính không nằm ở loại tre bông hay là chất liệu xử lý màu mà là ý tưởng và sự sáng tạo ra những tác phẩm mang hồn người dân Nam Bộ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Thường tre mua về được ông phân loại theo màu bông để có ý tưởng cho phù hợp với từng loại sản phẩm khác nhau. Sau đó là cưa lấy lóng tre (bỏ mắt) chẻ theo ý muốn rồi chuốt phẳng, lồng ghép hoa văn như rồng phụng, chữ thư pháp rồi dùng keo nối kết chúng lại, sản phẩm làm xong phải được phơi nắng thật kỹ trước khi sơn bóng.

Phần lớn các sản phẩm loại lớn như mô hình kiến trúc thường được các đơn vị đặt hàng, có khi khách hàng đưa ra ý tưởng, giá cũng khoảng 1 triệu đồng một sản phẩm. Còn các sản phẩm loại nhỏ thì sản xuất hàng loạt theo đơn đặt hàng của các nhà hàng khách sạn trong ngoài tỉnh, các điểm du lịch thì khoảng vài chục ngàn đồng. Lúc đầu chỉ có vài sản phẩm đơn giản như: bình hoa, ngôi nhà, quạt tay... chủ yếu để trang trí trong nhà và tặng bạn bè nhưng cho đến nay thì sản phẩm của ông đã có cả loại hoành tráng phải kể đến như: Văn Miếu, Ngọ Môn Huế, Chùa Một Cột, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng cho đến những loại vừa như bộ tách trà, đồng hồ treo tường, đèn ngủ, nhà rông... và nhỏ xíu như bình hoa, bình đựng viết, tăm... được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết tới.

Trương Đông Thức - Hồng Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.