Lấy chồng châu Á - Kỳ 2: Tập làm nội trợ chuyên nghiệp

05/05/2014 01:30 GMT+7

Nhiều cô dâu Việt cho biết các ông chồng Nhật, Hàn thường không yêu cầu người phụ nữ của mình “giỏi việc nước”, nhưng luôn muốn vợ phải “đảm việc nhà”.

Nội trợ
 Minh họa: DAD

>> Lấy chồng châu Á

Chồng kiếm tiền, vợ nội trợ

Trong thời gian làm phiên dịch cho một công ty Hàn tại TP.HCM, Trang đã gặp và yêu anh giám đốc người Hàn. Sau khi kết hôn, cô nghỉ việc và sống cùng chồng ở khu Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM, nơi có nhiều người Hàn sinh sống.

Ở nhà một mình cũng chán nên khi chồng đi làm Trang vẫn tung tăng đi cà phê, mua sắm với bạn bè. Sau vài lần chồng đã về nhà mà vợ vẫn chưa cơm nước gì (lại còn hồn nhiên rủ chồng đi ăn tiệm cho tiện), hoặc khuya lơ khuya lắc mới thò đầu vào cửa, anh chồng nghiêm mặt: “Anh đã là người gánh vác trách nhiệm kiếm tiền cho gia đình, nên anh mong em sẽ làm việc nội trợ cho thật tốt. Em hãy xem cách các cô vợ Hàn hàng xóm chăm sóc gia đình mà học hỏi”.

Vốn quen được chồng chiều chuộng, lúc đầu Trang vùng vằng giận dỗi cho rằng chồng “gia trưởng”, nhưng chồng cô tỏ ra không khoan nhượng. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, sau một thời gian học hỏi, Trang đã biết nấu các món Hàn, biết cách sắp xếp, trang trí nhà cửa theo kiểu Hàn, và quan trọng là biết khi chồng sắp về thì phải nhanh chân có mặt ở nhà để tươi tắn đón chồng.

Nhiều chị em vẫn ngỡ mình đã thuộc dạng đảm đang, song sống ở xứ người mới hiểu để làm một người nội trợ giỏi cũng phải học hỏi rất nhiều. Yến Nhi theo chồng là một giáo sư người Nhật sang quê chồng sống. Vốn tính chịu khó, nhưng thời gian đầu cô gần như phải vắt kiệt sức mình để chu toàn việc nhà theo đúng như cách mẹ chồng cô từng làm. Bà là người cực kỳ kỹ tính, ngăn nắp, sạch sẽ và không chấp nhận bất cứ sự “phiên phiến” nào. Nhà luôn phải sạch như lau như li, vật dụng luôn phải đặt vào đúng chỗ của nó, quần áo phải luôn được gấp và để theo đúng thứ tự, thực phẩm luôn phải được chế biến theo đúng những nguyên tắc có lợi cho sức khỏe theo quan niệm của người Nhật... Quá mệt mỏi, Nhi phàn nàn với chồng rằng cô thấy stress vì việc nhà và mẹ chồng khó tính. Chồng cô không vỗ về vợ mà nhẹ nhàng: “Ở Nhật, nội trợ được coi là một nghề hẳn hoi và được xã hội tôn trọng. Bản tính của người Nhật là luôn tận tâm làm tốt nhất phần việc của mình, kể cả việc nội trợ. Những yêu cầu của mẹ không phải là khắt khe, ở đây ai cũng vậy cả”.

Khoa học trong nội trợ

Một năm sau, khi có con nhỏ, Yến Nhi và chồng tách ra ở riêng, cô mới thấm thía và thầm cám ơn mẹ chồng về những gì bà đã chỉ bảo cô trong thời gian sống chung.

Giờ đây, vừa chăm con vừa làm việc nhà nhưng Nhi vẫn thấy không vất vả lắm và vẫn có thời gian cho riêng mình. Mỗi tối trước khi đi ngủ cô đã biết lên danh sách những việc cần làm, những gì cần mua sắm trong ngày hôm sau, và xem xét xem việc nào có thể kết hợp làm với nhau để giảm bớt thời gian và công sức; biết phân chia các khu vực cần dọn dẹp trong nhà và lên lịch cho chúng, biết cân bằng giữa thời gian lao động và nghỉ ngơi…

“Ở VN chồng có thể không đỡ đần việc nhà nhiều cho vợ, nhưng mình còn có thể thuê giúp việc. Ở bên đây chồng đi làm vất vả và chịu nhiều áp lực, nếu cứ trông mong chồng sẽ chia sẻ việc nhà và không tự xác định được là phải một mình xoay xở tất cả việc chăm sóc gia đình, thì sẽ cảm thấy rất đơn độc và mệt mỏi. Cách tốt nhất là phải tự học hỏi để thành thạo hơn trong việc nội trợ thôi, và khi có con phải dạy con ý thức tự lập, tự giác làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ thì mới đỡ mệt” - Hằng, cô gái sống ở Seoul (Hàn Quốc), đang ở nhà nội trợ bày tỏ.

Xuyên vân

>> Học sinh tập làm người nội trợ
>> Trợ thủ của bà nội trợ
>> Nội trợ hi-tech và hơn thế nữa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.