"Lửa" ở cổng trời

27/02/2008 18:06 GMT+7

Vì thiết tha đem chữ về làng mà học sinh chấp nhận cuộc sống khắc nghiệt; các thầy, cô giáo trẻ không ngại thiếu thốn và cả nỗi cô đơn để ở lại nơi cổng trời gieo chữ... Dãy chòi "made by học sinh" Những đám mây xám xịt, những cơn mưa nặng hạt của đới khí áp thấp như đuổi sau chúng tôi.

Dù dưới đồng bằng, mưa đã bắt đầu rả rích nhưng đường lên cổng trời Tây Giang, mây trời mới chỉ vần vũ xô kéo nhau. Xuất phát từ 8 giờ sáng vậy mà 1 giờ chiều, chúng tôi mới có mặt ở trường THPT Tây Giang (huyện Tây Giang, Quảng Nam), nằm cách trung tâm huyện gần 2 cây số.

Qua suốt đợt mưa rét, những căn nhà phủ bạt nilông tạm bợ của học sinh nội trú trường THPT Tây Giang càng xiêu vẹo, tả tơi. 5 dãy nhà tập thể được các xã dựng tạm cho học sinh xã mình trọ học xem ra là kiên cố, vững chắc hơn cả với tiêu chí nằm ngủ mà không bị mưa dột ướt. Còn cái lạnh rét căm căm vốn đã là đặc trưng ở vùng cao lại càng được thể "xông lên" khi những đợt rét kéo dài từ phương Bắc tràn về. Mỗi lần gió ùa vào dãy nhà là học sinh và những tấm bạt nilông thi nhau run bần bật. Dãy chòi "made by học sinh" mới dựng lên được vài tháng giờ vách phên, nứa cũng đã xỉn màu mốc meo, ọp ẹp trong gió.

Bơling Hiếu Hoài (học sinh lớp 10C1) ngậm ngùi: "Trời lạnh quá, tụi em lên rừng lấy củi để tối đốt lửa sưởi ấm. Đêm ngủ, củi ướt, khói nhiều đến cay mắt nhưng được cái là đỡ rét chị ạ!". Đầu mùa lạnh, Hoài và 6 đứa bạn ngủ cùng một giường góp tiền mua một cái chăn 150.000 đồng. Nhưng chiếc chăn trở nên quá chật chội với 6 người đắp. Vậy là mọi người luân phiên nhau ngủ hai đầu do "nằm ngoài hay bị ở trong kéo hết chăn!". Có đêm mắt cay xè, không còn cách nào khác là lấy mùng làm chăn.

Tặng chăn ấm cho học sinh trường THPT Tây Giang (ảnh: V.P.T)

Cách vài chiếc giường, mẹ Ating Thị Đơi đang bồng cháu cười hạnh phúc khi được khách lạ đến tặng chăn ấm. Không biết mình bao nhiêu tuổi, mẹ chỉ biết 8 đứa con nhờ có mẹ mà có mặt trên đời. Ở cái ký túc xá "ngàn sao", hè nóng bức đông lạnh cóng này, mẹ là "học sinh bất đắc dĩ". Bởi từ A Vương, mẹ khăn gói lên đây ở là để trông cháu nội cho con dâu đi học. Con dâu mẹ - Alăng Thị Min (18 tuổi) đang là học sinh lớp 12. Mẹ bảo nhà mẹ đã bắt nó về làm dâu từ hồi nó còn bé tí. Bây giờ, nó vừa học, vừa sinh cho mẹ một đứa cháu kháu khỉnh. Sinh được 15 ngày, Min lên trường nhập học; chồng ở nhà làm rẫy lo cái ăn, con còn quá nhỏ, vậy là mẹ chồng khăn gói theo con dâu đến trường. "Đi học khổ quá, xin nhà trường cho nghỉ học để nuôi con nhé?", chúng tôi đùa hỏi. Alăng Thị Min ngồi thần người ra, rồi chậm rãi: "Phải học xong cái chữ mới làm việc được. Biết khổ nhưng mình phải cố gắng!". Nói rồi Min xoay mặt vào vách cho con bú. Nhìn đứa nhỏ đang giãy khóc gặp sữa mẹ liền im bặt, rồi khẽ lim dim mắt, mới thấy hết niềm đam mê con chữ của Min, của những học sinh KơTu.

Cô giáo Lê Kim Vân, Phó hiệu trưởng nhà trường báo tin vui: "Tỉnh đã quyết định cho 2 tỉ đồng để xây nhà lắp ghép cho các học sinh. Hiện nay, công trình đã hoàn thiện hơn một nửa, sắp đến, các em có nhà mới rồi!". 40 phòng, vì điều kiện nên mỗi phòng sẽ có 16 em ở, tính ra có khoảng 650 em sắp có chỗ che mưa che nắng đàng hoàng. So với con số gần 900 học sinh của trường, vẫn còn chưa đủ. Nhưng với huyện nghèo, như vậy đã tốt lắm rồi. "Nghe đâu Sở Giáo dục tỉnh sắp đến cũng xây dựng một khu ký túc xá cho học sinh...", một cán bộ huyện góp chuyện.

Những tấm lòng đến từ vạn dặm

Biết chúng tôi từ Đà Nẵng đến Tây Giang, Alăng Nhắp - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ và Coor Lúp - cán bộ nội vụ đã băng rừng, vượt suối xuống các xã trước 3 ngày chỉ với nhiệm vụ thông báo nhận quà. Bởi, những phương tiện liên lạc hiện đại của miền xuôi đã trở nên vô hiệu hóa ở chốn thâm sơn cùng cốc của 4 xã thuộc khu 7 gồm: Axan, Tr'Hy, GaRy, Ch'ơm - nơi mỗi lần mưa gió bão bùng, thông tin đầu tiên chúng tôi nhận được ở Tây Giang là tuyến đường độc đạo lên khu 7 bị sạt lở, ách tắc, gần 1.000 hộ gia đình bị cô lập.

Chiếc U-oát được Chủ tịch huyện Bh'riu Liếc ưu tiên điều động để chở đoàn lên khu 7 oằn mình gánh gần chục người leo đèo, lội dốc qua những đoạn đường trần ai. Đôi tay Hiển - tài xế trẻ nhất của huyện - xoay như chong chóng để giữ chiếc U-oát không bị bùn trơn mất lái. Đằng sau ca-bin xe, bao giờ cũng phải thủ sẵn nào là xẻng, dây cáp, dây xích. Hiển kể, gặp đoạn đường xấu, cả sức người đẩy, bánh xe cột xích, xẻng xúc đất được phát huy hết công sức có khi còn không ăn thua; chỉ còn cách nằm lại giữa rừng để chờ vài bữa có xe tải qua kéo giúp.

Trong đợt lên 4 xã khu 7 của huyện miền núi Tây Giang lần này, Báo Thanh Niên kết hợp với Công ty cổ phần Thiên Sinh đã tổ chức chương trình cứu trợ mang tên "Chăn ấm cho đồng bào KơTu". Với 2.700 chiếc chăn, 1.000 lít dầu ăn, 50 kg bột ngọt trị giá 300 triệu đồng, đoàn đã đến thăm và trao tận tay cho các hộ dân thuộc 4 xã miền núi khó khăn của huyện Tây Giang.

Dù đã được xác định tinh thần sẵn sàng sau chuyến đi tiền trạm 5 ngày của anh Phạm Lý (Công ty cổ phần Thiên Sinh) hồi trước Tết, tôi chắc rằng những thành viên của đoàn hảo tâm dám chạy xe vượt cả 1.000 cây số từ TP.HCM ra đây cũng khó mà hình dung được đoạn đường gian nan 40 cây số để lên Axan. Ngồi trên xe, ai cũng căng thẳng, trán ướt mồ hôi cho dù thời tiết lúc này tương đương 15-16 độ C. Già làng Cơ Lâu Blao rưng rưng xúc động trước sự có mặt của những vị khách phương xa. Trong vũ điệu “tùng tùng da da” truyền thống của trai gái KơTu bên ánh lửa bập bùng, cụ nắm tay những người khách lạ thật lâu. Có lẽ đó cũng là cách duy nhất, chân tình nhất để cụ và những người dân KơTu bày tỏ sự mến thương với đoàn cứu trợ đầu tiên trong năm vượt đèo lội suối đến khu 7.

Tìm "sóng" ở độ cao 1.400m

Nếu ai đã từng một lần đặt chân lên khu 7 - Tây Giang, chắc hẳn sẽ thú vị với cách nghe điện thoại di động có một không hai ở đây. Ở nơi thâm sơn cùng cốc, chuyện có sóng điện thoại để liên lạc là điều không hề bình thường. Song ở độ cao tương đương 1.400m thì Tr'Hy là nơi duy nhất của khu 7 có được sóng di động của Viettel - sợi dây duy nhất để liên hệ với miền xuôi, nhất là với những giáo viên trẻ sống xa nhà. Tuy nhiên sóng cũng có chỗ, bởi đây là "sóng lạc" từ Nam Giang. Trong xã chỉ có vài nơi bắt được sóng, như nhà anh Cổ là khu vực chừng 1m2 trước phòng ngủ hai vợ chồng. Còn với các giáo viên trường Tiểu học Tr'Hy, chỗ bắt sóng điện thoại còn độc hơn khi chỉ có mỗi khu vực trên cửa... nhà vệ sinh. Vậy là những cô giáo trẻ bèn nảy ra sáng kiến lấy giấy bìa cứng đóng hộp để đựng điện thoại rồi treo trên đầu cửa. Mỗi lần chuông reo, các cô chỉ việc bắc ghế lấy điện thoại và đứng tại chỗ để alô. Mỗi lần nghe điện thoại là mỗi lần căng thẳng bởi chỉ cần đứng lệch một tí, coi như mạng ò í e, lại phải cầm máy quơ một vòng tìm sóng.

Còn chuyện dinh dưỡng, một tháng, các giáo viên ở đây chỉ có mấy ngày là được ăn đồ tươi dưới xuôi chở lên, còn lại quanh năm chỉ là rau rừng, cơm cá khô, mì tôm... Đợt mưa bão vừa rồi, 4 xã của khu 7 bị cô lập, các thầy cô chỉ biết ăn sắn cho qua ngày.

Thời tiết xấu nên lịch trình chuyến đi không thể kết thúc theo dự định. Chúng tôi phải ở lại "ăn nhờ, ở đậu" khu tập thể của các giáo viên suốt hai ngày vì mưa lớn, đường quá xấu khiến xe không đi được. Mấy ngày "lưu lạc" lại khu tập thể mới thấu hiểu nỗi cô đơn của những cô gái trẻ miền xuôi giữa bao la của đại ngàn. Mùa này, trời lạnh ngắt, nhìn đâu cũng là sương mù, mây giăng kín lối. "Đã xác định làm giáo viên vùng cao là chấp nhận cực khổ rồi. May mà học sinh ở đây rất ngoan, thương cô giáo lắm! Chiều chiều, học sinh còn dắt cô đi hái rau rừng. Ngày nghỉ hè, có đứa bịn rịn khóc, xin về quê cô chơi", cô giáo Trang - "lính phòng không" của trường Tiểu học Tr'Hy cười lạc quan, nói như tự an ủi lòng mình.

Vũ Phương Thảo - Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.