Luật phải phù hợp với đời sống

22/06/2016 16:08 GMT+7

Những góp ý đánh giá tác động dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi) được phản ánh trong bài viết Xây dựng cơ quan chuyên môn giải quyết yêu cầu bồi thường trên Thanh Niên số phát hành ngày 21.6 đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

Luật chưa đi vào đời sống
Qua hơn 6 năm thi hành luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, chỉ hơn 200 vụ việc được giải quyết trong số hàng chục ngàn đơn thư là quá ít ỏi. Điều đó chứng tỏ luật còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân, quyền lợi được bồi thường của người dân chưa được đáp ứng. Chính vì vậy, khi sửa đổi luật, cần phải lấy ý kiến thật nhiều từ phía người dân, nhất là những người đang đòi bồi thường cũng như ở bộ phận tiếp nhận, giải quyết. Chỉ những người trong cuộc mới thấy được vướng mắc, bất cập, khó khăn, thiếu thực tế… ở điểm nào, từ đó có giải pháp phù hợp để đưa vào luật sửa đổi.
Trần Minh Tâm (Q.4, TP.HCM)
Chú trọng hướng dẫn, giải thích
Khi người dân có yêu cầu cơ quan nhà nước phải bồi thường sẽ liên hệ với xã, phường, huyện... Lúc này, cán bộ tư pháp hay cán bộ chuyên môn cần phải chú ý đến công tác hướng dẫn, giải thích cho người dân biết quyền, nghĩa vụ của mình trong việc yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tế, cán bộ tư pháp và cán bộ chuyên môn ít chú trọng đến công tác này khi họ có quá nhiều việc để làm và không mặn mà. Thiết nghĩ, các ủy ban huyện, xã, phường cần tăng cường cán bộ hoặc yêu cầu cán bộ tư pháp và cán bộ chuyên trách chú trọng hơn nữa khâu hướng dẫn, giải thích cho người dân khi họ có yêu cầu cơ quan nào đó bồi thường. Đây cũng là cách để đưa luật vào được trong cuộc sống.
Nguyễn Viết Sinh (Q.5, TP.HCM)
Khó cho người yêu cầu bồi thường
Theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện nay, để được bồi thường, người bồi thường phải chứng minh có thiệt hại và có văn bản của cơ quan nhà nước xác định rõ hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc bản án, quyết định trong tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại được bồi thường. Yêu cầu này như bắt bí người bồi thường, bởi đây là quan hệ bất bình đẳng giữa một bên là cơ quan nhà nước và một bên là cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Để có văn bản xác định hành vi sai trái của người thi hành công vụ là cả một vấn đề, các cơ quan còn né tránh không ra văn bản hoặc có ban hành văn bản thì nội dung chung chung, không trực tiếp thừa nhận sai trái… Vì vậy, trong luật sửa đổi cần quan tâm giải quyết vấn đề này.
Tô Thanh Tuyền (Q.Tân Bình, TP.HCM)
       
Một trong những khó khăn, rào cản lớn nhất trong việc thực hiện luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước là sự không bình đẳng giữa một bên là cơ quan nhà nước (bên bồi thường) và tổ chức, cá nhân (bên yêu cầu bồi thường). Luật sửa đổi cần có quy định bình đẳng hóa mối quan hệ này. Nếu không thì cơ quan nhà nước vẫn tìm đủ cách để thoái thác trách nhiệm bồi thường, còn người đòi bồi thường thì vô cùng khó khăn, vất vả.
Võ Ngô Minh Thư (Khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM)
       
Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước là một bộ luật thiết thực, thể hiện sự dân chủ, công bằng, văn minh của nhà nước và nhân dân. Cán bộ làm sai thì cơ quan đó phải có nghĩa vụ bồi thường. Khi đã chỉ ra những vướng mắc, tôi tin hướng sửa đổi sắp đến luật sẽ thực sự phát huy hiệu quả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do lỗi từ cán bộ, công chức của các cơ quan nhà nước.
Dương Văn Đảo (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
An Phong - Thanh Đông (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.