Mạ ơi!

Nếu ngày ấy tôi hy sinh ở chiến trường như tin báo thì hằng ngày mạ tôi vẫn ngồi trên ngạch cửa quấn thuốc hút rồi dán con sâu vào phên đất, mắt ngóng ra đường đợi con.

Nhưng tôi không chết. Anh em tôi trưởng thành. Chỉ mạ tôi là suốt đời vẫn cứ hy sinh!
Cuối năm 1974, nghe tin tôi hy sinh ở chiến trường, mạ tôi ngày đi làm, đêm về ngồi ở ngạch cửa quấn thuốc lá hút liên miên, hết điếu này sang điếu khác. Hút xong mỗi điếu, bà lại dán con sâu thuốc vào phên đất. Mãi rồi, nó thành một tấm hình quái dị, nhìn vào cứ như bản đồ các ngôi mộ ở nghĩa địa.
Chuyện là vì, hồi đó có một đoàn ra bắc, ngang Trạm xá 53 ở Stungtreng (Campuchia) thì thấy người ta khiêng về 5 người trên 5 cái cáng. Hỏi, mới nói là 5 chiến sĩ của Tiểu đoàn 164 đi trên một chiếc thuyền máy bị Khơ Me đỏ phục kích bắn đạn cối trúng thuyền ở thác Ma ka muỗng trên sông Sê Kông (Lào). Mấy anh nhìn tờ giấy đề tên dán trên băng ca rồi ghi lại. Ra bắc thì theo địa chỉ đó mà nhắn.
Giải phóng xong được về phép lần đầu tiên, tôi ôm mạ rất chặt, mạ vò đầu tóc của tôi rối tung hết lên, nước mắt giàn giụa.
Tôi nói, mạ ơi, con sống rồi, mạ đừng hút thuốc nữa. Mạ tôi không nói gì nhưng hôm sau bà gỡ hết sâu thuốc dán trên phên đất. Bà bỏ thuốc.
*
Nếu tôi hy sinh thì hằng ngày bà vẫn ngồi trên ngạch cửa quấn thuốc hút rồi dán con sâu vào phên đất, mắt ngóng ra đường.
Năm tháng trôi qua mạ vẫn đợi tôi về.
Ví dụ câu chuyện đó xảy ra thì tôi chết còn mạ mới là người hy sinh!
*
Tốt nghiệp trường quân sự, lên biên giới phía bắc ít lâu thì bị thương, tôi được ra quân. Ba tôi lúc đó là cán bộ, mạ tôi vẫn là nông dân ở quê.
Ba nói, con chuyển ngành sang một cơ quan nào đó làm đi. Mạ ngăn lại, nó học quân sự, sang làm, sau này hỏi bằng cấp chuyên môn không có rồi bị giảm biên chế, lúc đó nhỡ cỡ ra. “Con phải đi học đại học, khó mấy mạ cũng lo cho tụi con học, đứa nào học được cứ học, học cho đến khi không học được nữa thì thôi”.
Mạ tôi nói thế là vì, lúc đó mấy đứa em tôi, trừ hai đứa nhỏ đang học phổ thông, còn đều đang học đại học. Nhà thì cái ăn cũng không đủ, thêm tôi đi học nữa biết tính làm sao? Nhưng tôi nghe lời mạ, thi đại học và đỗ.
8 anh em, 4 trai 4 gái đi học, ba thì đi biền biệt, đồng lương không đáng là bao, tất cả đè nặng lên đôi vai của mạ.
Mạ “bỏ tay mặt bắt tay trái”. Sáng dậy từ lúc 2 giờ hái rau trong vườn đi chợ Thùi bán để còn kịp ra đồng. Trưa về xay lúa, giã gạo, tối cơm xong giặt giũ, quét dọn… Hồi đó đi làm HTX mỗi công chỉ được 2 kg thóc.
Mỗi năm hè về, tết đến, anh em tôi được nghỉ, về nhà thay quần áo là lao ra đồng giúp mạ. Hồi này HTX đã giao ruộng khoán sản.
Trong cuộc đời, hình như tôi chưa bao giờ thấy mạ tôi ngủ. Là vì, tối về ăn vội bát cơm đứa nào đứa nấy lăn ra ngủ vì mệt, còn mạ thì vẫn thức xay lúa, giã gạo, sáng ra lại đi chợ sớm. Mạ có chợp mắt lúc nào đó thì cũng không đứa nào biết cả.
Ngay cả bữa cơm, mạ cũng hối mấy đứa ăn trước đi mạ ăn kịp. Bà nói thế vì muốn giành phần cho con, làm luôn tay luôn chân, khi ngồi vào mâm ăn vội bát cơm thì bỏ đũa, lại làm.
*
Chúng tôi ra trường đi làm, đứa kỹ sư, cử nhân, bác sĩ… cũng từ điểm tựa là đôi vai gầy của mạ. Nói không sợ quá lời, là từ cả tấm nhìn của một người mẹ nhà quê. Lúc đó mạ đã già yếu, có miếng ăn cũng không biết ngon. Nhưng cuộc đời mạ vẫn chưa hết lo, lo dựng vợ, gả chồng rồi đến lo chăm cháu.
Nhớ hồi tôi đưa người yêu về ra mắt gia đình. Mùa mưa lũ, từ ga tàu về nhà 10 km đường trầy trật nên 2 giờ sáng mới đến nhà. Người yêu tôi mệt quá ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy thì mặt trời đã lên đến hai cây sào. Nàng nhìn ra sân, thấy áo quần to nhỏ mình thay ra đã phơi ở trên dây. Đang vừa ngại vừa sợ thì mạ tôi đi chợ về. Bà đặt rổ xuống nhà, kéo tay người yêu tôi vào buồng rồi đưa ra một gói lá chuối, bảo con ăn đi. Cô ấy mở gói lá ra và thấy một heng đu đủ (miếng đu đủ xẻ dọc). Nước mắt cứ thế trào ra…
*
Tôi đi bộ đội không chết. Anh em đứa nào cũng trưởng thành. Nhưng mạ tôi vẫn cứ hy sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.