Mắc nợ ong rừng

27/08/2010 17:55 GMT+7

(TNTS) Lùng sục khắp nơi, cài cắm "tai mắt" ở núi rừng heo hút, hay bám theo đến tận ổ… Ở vùng Bảy Núi, nhiều thợ ăn ong đã đạt đến tay nghề tinh quái.

Xuyên rừng tìm mật

Đêm chưa tan. Trên con đường rừng băng qua núi Dài Nhỏ, sự xuất hiện bất ngờ của con người làm lũ sóc giật mình tót lên cành cao, đám tắc kè bay cũng lao mình tìm chốn nấp. Đường núi trơn trượt thỉnh thoảng lại làm ngắt quãng câu chuyện ly kỳ của gã thanh niên vừa mới bôn ba trở về. Người thanh niên tên Dễ, lâu lắm rồi anh mới đặt chân lên dãy núi này. Trước đây, anh hay lên rừng cùng với "sư phụ" Ba Cương, một cao thủ trong nghề ăn ong, sống trong căn nhà gỗ thuộc ngoại vi thị trấn Nhà Bàng (H.Tịnh Biên, An Giang). Hôm nay cũng vậy.

Dễ là thợ chẻ đá khá chắc tay, từng mang dùi, đục qua tận vùng biên giới giáp giữa Campuchia với Lào để làm ăn. Lần này trở về Việt Nam, khi Dễ ghé thăm thì Ba Cương đã quyết định hoãn việc hái đậu trên mảnh đất mượn phía lưng đồi để cùng anh học trò lên núi. Trên đó có một ổ ong mật to, đóng trên cây phướn gai. Đám ong mật không yên thân ở những tán cây hiền, đã tìm đến cành cổ thụ đầy gai trên đỉnh núi để làm tổ, một người đi rừng nhìn thấy đã báo với Ba Cương mấy ngày nay, nhưng ông bảo mình sắp "về hưu" rồi, nhát gan, không thể đánh đu số phận với đại ngàn. Nói thế, nhưng ông cũng lại dẫn chàng trai trẻ xuyên núi. Lâu rồi họ mới lên rừng cùng nhau nên cả hai cứ huyên thuyên bất tận về những chuyến rừng như có lần hai thầy trò lấy ổ ong dài mấy thước, cho cả chục lít mật; hoặc Ba Cương mấy hôm trước cũng trên đường lên ngọn núi này đã gặp con rắn hổ thật to vắt ngang đường; rồi chuyện những thủ thuật của cánh thợ săn đi bẫy khỉ…


Bó đuốc lá rừng dùng để đuổi ong

Đồi dốc nối đồi dốc, rừng rậm tiếp rừng rậm, khi bước chân trở nên nhẹ tênh với đồng cỏ bên kia dốc núi thì ánh sáng mặt trời cũng xuyên qua màn sương, chúng tôi bắt gặp người làm rừng sống cô đơn trong căn chòi rách phía triền núi. Ông sốt sắng đưa mọi người đến khu rừng ken đặc dây leo và hoa dại. Từ xa, Ba Cương chỉ về một tàn cây cao quá đầu: "Ong xuất ổ rồi kìa. Nhiều đó!". Phải rất chú ý, tôi mới thấy mờ mờ trong nắng sớm, một vài cánh ong vo ve trên nhành nhãn dại. Vì chuyến đi này có người chỉ đường, nên những thợ ăn ong không phải nhọc công bám theo đàn ong để tìm đến ổ của chúng. 

Cao thủ ăn ong

Thông thường, để tìm ra ổ ong, người ăn ong phải trổ tài của một… thám tử.  Họ phải rảo khắp nơi để tìm gặp một chú ong đi hút nhụy hoa về. "Cứ bám theo hướng ong bay, chắc chắn sẽ gặp. Nếu mất dấu con này, cứ ngồi đợi, rồi sẽ có con khác bay qua. Nếu lỡ mất dấu thì cứ đợi đợt ong khác, cứ thế… chúng sẽ dẫn mình tới nơi" - Ba Cương cho biết. 


Ba Cương căn dặn đệ tử trên đường đi ăn ong

Các thợ ăn ong hay tìm đến một cây cho hoa để chờ ong đi hút mật. Trên suốt đường đi, tôi phát hiện đôi mắt của những tay ăn ong lão luyện luôn đảo tìm tàn cây cho hoa, như là một thói quen. Khi đến gần những tàn cây này, họ nhìn rất cận và thỉnh thoảng lại bình luận về một ổ ong nào đó quanh quẩn đâu đây. 

Với các bậc cao thủ mắt sắc, tai thính, họ không nhọc lòng đợi ong hút mật như những người mới vào nghề, mà có thể phân biệt ngay gã ong rừng nào đang rảo tìm hoa, chú ong nào trĩu mật bay về ổ. Thợ rừng Ba Cương chia sẻ: "Không khó để biết ong đang bay đi hay bay về. Lúc bay đi, ong sẽ bay vòng vèo, chao đảo, còn khi bay về thì chỉ bay một đường thẳng, đầu cúi xuống, đuôi nhỏng lên. Theo con này, chắc chắn về tới ổ". Không có nhiều người ở vùng Bảy Núi có thể theo được ong về đến tận ổ như Ba Cương. Phần nhiều những thợ ăn ong thường nhờ đến những người dân đi lấy củi, làm rẫy hay đi bẫy, gặp ổ ong họ sẽ báo để lấy ăn chia.

Trở lại với ổ ong mật trên cây phướn gai, nhìn thấy tàn ong dài cả thước treo trên cao, mọi người mừng ra mặt, nghĩ đến một chuyến đi bội thu. Ba Cương vẫn bình thản: "Chưa chắc!". Việc chuẩn bị để tiếp cận ổ ong của các tay thợ diễn ra khá nhanh. Khi mọi người loay hoay bứt dây rừng, bó đuốc lá dừa thì Ba Cương đi về phía rừng rậm để mang về một chùm nhánh cây rừng, bảo: chùm "lá thuốc" này sẽ bảo đảm an toàn cho mọi người khi đàn ong "nổi giận". Ông cẩn thận bó những thứ lá cây này vào cây đuốc lá dừa khô rồi nhen khói. Lúc chúng tôi loay hoay tìm chỗ để cố thủ dưới đất thì Dễ đã tót lên cây. Khi đám ong vỡ tổ vừa kịp tủa kín tàn cây, Dễ tiếp cận được bánh mật. Ba Cương luôn miệng dặn đệ tử cẩn thận với cành khô, nhắc tránh làm chết ong, cắt mật khéo kẻo bể tàn rơi ong non… Trên cao, anh Dễ thất vọng cho biết số mật lấy được là không đáng kể. Ba Cương điềm nhiên: "Để đó đi, lần sau tới lấy".


Ổ ong mật trên cây phướn gai

Rời khu vực bụi rậm có cây phướn gai không dễ như lúc tới, đám ong trinh sát cứ vo ve trên đầu những người đột nhập. Trong số bánh mật ít ỏi mang về, có gần chục ong "tử thủ" không buông. Dễ cẩn thận bắt từng con búng ra ngoài, như sợ vì lý do nào đó sẽ làm những con ong "ngoan cố" này chết trong mật ngọt...

Cư xử cho đàng hoàng

Mật ong rừng vùng Bảy Núi vốn có tiếng là ngon và dược tính cao. Vì vậy mà giá của nó cũng cao hơn gấp nhiều lần các loại mật ong khác. Nhưng, "có tiền chưa chắc đã có mật" do nhiều người tìm mua nên ong không kịp làm mật để cung cấp cho con người. Nhà Ba Cương vài hôm lại có người đến hỏi mật, thậm chí có người dặn "có bao nhiêu để cho tôi mua hết". 

Ở vùng Bảy Núi chủ yếu có 3 loài ong cho mật, là ong mật, ong tầng và ong ruồi. Trong các loại này, mật ong ruồi là quý và hiếm nhất, ổ nhỏ và lâu cho mật. Ong mật cho mật nhiều nhất nhưng cũng là loài ong dữ, có thể vây đốt chết người. Khắp một vùng rộng quanh các dãy núi từ núi Cấm, núi Tượng, núi Nước, núi Cô Tô, núi Két… Ba Cương đều có "danh sách" các ổ ong đóng ở vị trí nào, đã lấy mật mấy lần. Theo Ba Cương, một ổ ong nếu lấy khéo thì có thể cho mật 3 lần, nhưng đó là chỉ lấy mật, không giết ong, không làm tổn hại đến tàn ong. Nhiều phen quay lại ổ ong cũ, Ba Cương buồn rầu khi thấy ổ ong bị phá tan tác, đích thị gặp các tay ăn ong theo kiểu tận diệt.

Có lần, anh Dễ thú nhận đã đi lấy mấy ổ ong ruồi cho một người quen ngâm rượu. Ba Cương tỏ vẻ không hài lòng. Anh học trò giải thích, vì có người bệnh đến nhờ nên anh mới lấy. Ông thầy vẫn cằn nhằn: "Ong nó làm mật, mình tự dưng lại lấy đã là kỳ rồi, đằng này lại lấy nguyên cả ổ, giết luôn con cháu chít chắt của nó như vậy thất đức lắm!". Nghe thầy trò nói chuyện, tôi hiểu vì sao lúc trên cây phướn gai, Ba Cương luôn miệng nhắc anh Dễ đừng làm hại tới ong. 

"Ong nó nuôi mình, mình mang nợ chúng. Có ơn có nợ thì phải cư xử sao cho đàng hoàng" - Ba Cương nói. Bây giờ nhiều tay ăn ong không lấy ong bằng khói, bằng lửa hay bằng cây cỏ nữa, mà dùng thuốc diệt côn trùng của Thái Lan, xịt vào ổ là ong chết sạch. Lấy mật kiểu này không chỉ hại ong, hại rừng, mà còn hại người khi dùng phải loại mật ong nhiễm độc. Những người này đi tới đâu là tàn sát ong tới đó, có những ổ ong ở tận rừng sâu mà Ba Cương đinh ninh chỉ một mình mình biết, nhưng khi quay lại thì ổ không còn, xác ong phơi đầy mặt đất...

Sáng hôm đó, trên đường rừng đằng đẵng băng qua núi Dài, bất ngờ Ba Cương quay lại thốt lên như sợ ý nghĩ sẽ tan biến: "Tui thấy mình đi lấy ong thế này là đang đi ăn cướp, ăn giựt, chứ có gì khác đâu… Chắc phải bỏ nghề thôi chú mày à!". Ông giục mọi người đi nhanh khỏi rừng, để ông về phụ vợ hái đậu.

Bài & ảnh: Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.