Mai một làng nghề đan đát trăm năm

05/05/2015 14:45 GMT+7

Làng nghề đan đát xã Phú Lễ (H.Ba Tri, Bến Tre) đang dần mai một theo thời gian vì sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại bằng nhựa, nhôm, inox...

Làng nghề đan đát xã Phú Lễ (H.Ba Tri, Bến Tre) đang dần mai một theo thời gian vì sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại bằng nhựa, nhôm, inox...

Mai một làng nghề đan đát trăm năm Một số sản phẩm của làng nghề đan đát Phú Lễ - Ảnh: Giao Hòa
Vang bóng một thời
Cụ Phan Văn Nghị (84 tuổi, ngụ ấp Phú Khương, xã Phú Lễ) - có hơn 50 năm làm nghề đan đát nói làng nghề đã hình thành gần 100 năm nay và gắn liền với cuộc sống người dân Phú Lễ như cơm ăn, nước uống hằng ngày. “Trước đây, mọi người dân trong làng ai cũng biết làm nghề đan đát. Nhỏ tuổi thì làm những thứ đơn giản, lớn lên làm những công đoạn phức tạp. Riêng tôi học đan đát từ lúc 8 - 9 tuổi và làm nghề này tới khi ngoài 70 tuổi, mắt mờ, tay run mới chịu nghỉ”, cụ Nghị kể.
Theo lời cụ Nghị, các sản phẩm đan đát ở Phú Lễ thường gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt của người dân như: rế lót nồi, bội nhốt gà, rổ đựng rau, thúng bưng lúa…
Khoảng những năm 1980 là thời hoàng kim của nghề đan đát vì sản phẩm hữu dụng, đan ra không kịp bán dù cả xã có hơn 1.000 hộ làm nghề này. Nhưng khoảng sau năm 1990 thì sản phẩm làm ra tiêu thụ ngày càng khó khăn do người dân chuộng các sản phẩm bằng nhựa, nhôm, inox… Những sản phẩm tân thời ngày càng lấn lướt đồ làm từ tre, trúc do giá rẻ và tiện dụng.
Mặt khác, việc người dân địa phương phát triển mạnh nghề nuôi bò, những bụi tre, khóm trúc phải nhường chỗ để trồng cỏ cũng khiến nghề đan đát thêm gặp khó khăn. Hơn 10 năm nay, để có nguyên liệu sản xuất, những người gắn bó với nghề phải đặt mua tre, trúc từ Cà Mau, Đồng Tháp và mây từ một số tỉnh miền Đông.
Hỗ trợ để duy trì làng nghề
Theo bà Trần Thị Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Lễ, hiện chỉ còn khoảng 160 người còn gắn bó với nghề, đa số là phụ nữ lớn tuổi, những người đã có gia đình nhưng muốn “an phận” nơi làng quê. Còn thanh niên trong xã đều chọn việc học hành hoặc làm các nghề khác chứ không ai gắn bó với nghề đan đát.
Bà Lan cho biết nhiều sản phẩm nổi tiếng của làng nghề gần như đã bị thay thế bởi các sản phẩm công nghiệp bằng nhựa. Một số sản phẩm được coi là “không thể thay thế” như: bung, dừn (dần, gọi theo tiếng địa phương), sàng, thúng… cũng dần dần mất chỗ đứng trên thị trường.
“Ngày càng ít chỗ đặt tôm cá tự nhiên nên cái bung không còn phổ biến nữa. Rồi dừn, sàng, thúng… cũng ít người xài do máy móc xay xát ngày càng hiện đại”, bà Lan than thở.
Ông Tô Quang Mười, Chủ tịch UBND xã Phú Lễ, cho biết mặc dù nghề đan đát của xã đã được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống và có các chương trình đầu tư, hỗ trợ nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
“Phần lớn những hộ dân gắn bó với nghề đan đát là hộ nghèo hoặc có hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi tập trung cho vay vốn để mua nguyên liệu, tránh tình trạng do quá khó khăn bà con phải ứng trước tiền của thương lái”, ông Mười chia sẻ.
Cũng theo ông Mười, nghề này dù ngày càng ít người làm nhưng vẫn rất quan trọng đối với địa phương. Đây là “cần câu cơm” của nhiều hộ nghèo, neo đơn, những cụ già muốn làm thêm để phụ giúp con cháu hoặc có tiền mua con cá, bó rau.
Nhiều gia đình tận dụng lúc nông nhàn để đan đát cũng có thêm khoản thu nhập đáng kể trang trải cuộc sống hằng ngày. Theo bà Lan, làng nghề đan đát của xã đã nhận được hỗ trợ từ tổ chức Terre des Hommes (Đức) gần 500 triệu đồng trong các năm từ 1997 - 2002; 2008 - 2014. Số tiền này dành cho chị em phụ nữ vay để mua nguyên liệu đan đát và kết hợp với mua bán nhỏ.
“Trước đó, nhiều chị em đã phải ứng trước tiền của các chủ vựa để mua nguyên liệu nhưng như vậy thì phải chịu thiệt thòi, bởi một cái rổ có giá 30.000 đồng nhưng nếu được chủ vựa cho ứng trước tiền thì chỉ được tính giá 25.000 đồng. Biết vậy, nhưng nhiều chị em vẫn ứng vì thiếu vốn. Nhờ Terre des Hommes, chúng tôi đã cho hơn 370 lượt chị em vay vốn, giúp yên tâm sản xuất”, bà Lan chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.