Mang bát đũa đi... tất niên

12/02/2018 17:29 GMT+7

Khi bữa liên hoan tất niên chiều 26 tháng Chạp kết thúc, mọi người cùng đứng lên, ai nấy đều không quên mang theo chiếc bát và đôi đũa của mình về nhà tự rửa.

Anh Dũng, trưởng một tầng tại toà nhà VP ở khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), người phát động bữa liên hoan cho cư dân trong tầng, chia sẻ: Tầng toàn gia đình trẻ, nên ai cũng muốn liên hoan tất niên. Nhưng tổ chức làm sao để vừa có không khí tại nơi mình ở mà không để gia đình nào đó phải vất vả từ chuẩn bị, dọn dẹp… trong hoàn cảnh người giúp việc đều đã về quê hết là điều được các ông chồng đem ra thảo luận nhiều nhất.
“Cuối cùng, phương án được ủng hộ nhất là gọi 3 nồi lẩu chung để quán mang lên thì nhà nào mang bát nhà nấy, gia đình nào có món gì thì góp thêm và bữa liên hoan sẽ được tổ chức ở hành lang chung để không gia đình nào phải vất vả”, anh Dũng hồ hởi kể.
Kết quả là bữa tiệc cuối năm rất xôm tụ. Ngoài 3 nồi lẩu đặt nhà hàng mang đến thì mâm cỗ rất phong phú khi có nhà góp 3 đĩa nộm  sứa, nhà lại góp nem chua, rồi cá chỉ vàng. Nhưng điều làm “nhà tổ chức” - trưởng tầng Dũng, vui nhất là lần đầu tiên tầng không thiếu gia đình nào tham dự. “Có lẽ nguyên nhân là việc không nhà nào phải “đăng cai” vụ dọn dẹp, rửa bát đĩa nên giải toả sức ép cho các chị em. Nhờ đó mà nhà nào cũng có mặt đông đủ”, anh Dũng dí dỏm.
Nói về bữa tiệc tất niên, đại diện cho phía nữ, chị Khánh (một cư dân trong toà nhà VP) cũng chia sẻ hình ảnh vui mắt nhất là là mỗi đôi đũa một loại, mỗi chiếc bát một màu, thậm chí là khác kích cỡ, chả ai giống ai. “Nhưng đó phần nào cũng cho thấy tinh thần “chung sức” thông qua việc góp món ăn, tự mang theo bát đũa, xong rồi tự mang về là điều khiến các chị em ưng nhất”, chị Khánh tếu táo và còn bình luận ý tưởng ai mang theo bát người đấy, ăn xong lại mang về tự rửa là “văn minh”, “bình đẳng”, giúp chị em tránh được cảnh “vui chưa xong nghĩ chồng bát mà buồn”.
Trong khi đó, anh Hoàng Nam, khu đô thị Xa La (Hà Nội) cho biết, dịp Tết này đã là lần thứ 2 khu dân cư anh sống áp dụng chính sách “bát nhà ai nhà nấy rửa” khi liên hoan chung.
“Lần đầu tiên là dịp 20.10. Đó là ngày các anh em quyết định tự đi chợ mua rau, làm lẩu, gọi thêm vài món ăn nhanh, còn bát đĩa thì ai tự lo người đấy”, anh Nam kể lại, không quên vui vẻ nhắc tới tinh thần “cam-pu- chia” (chia đều) không chỉ được áp dụng khi tính tiền để san sẻ, mà còn trong phân công lao động. Nhờ thế, nhà nào cũng thấy thoải mái và các bữa ăn chung trở nên vui vẻ, nhẹ nhàng hơn.
Theo anh Nam, chính sách “mang bát đi liên hoan” hiện được khá nhiều gia đình trẻ ở các khu chung cư hưởng ứng, thích thú. Lý do là phần đông các gia đình không có người giúp việc nên rất ngại “tiếp khách” vì khoản hậu liên hoan như dọn dẹp nồi niêu bát đũa.
“Tuy nhiên, vì là các gia đình trẻ, đa phần lại người quê ra phố nên họ vẫn thích sinh hoạt chung, nhất là các bữa ăn tập thể vào những ngày sắp lễ tết. Do đó, một khi có cách thức tổ chức đơn giản, tạo cảm giác chia sẻ lẫn nhau thì mọi người không ngần ngại mà tham gia”, anh  Nam đúc kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.