Mẹ đơn thân làm gì khi con riêng của chồng tranh chấp tài sản

14/07/2016 20:02 GMT+7

“Nếu ba còn xem con là con thì hãy viết di chúc để lại căn nhà bà và dì đang ở”

Đó là “tối hậu thư” mà con gái riêng của chồng (đang du học ở bên kia nửa vòng trái đất) gửi về khi anh báo với con gái tin vui “Bây giờ ba không còn ở nhà thuê nữa, ba và bạn gái của ba vừa cùng nhau mua được nhà và sẽ tổ chức đám cưới trong thời gian tới”. Tôi choáng váng với "mệnh lệnh" ấy còn anh thì chỉ buông tiếng thở dài…
Chồng tôi, sau 18 năm chung sống cùng vợ cũ với nhiều mâu thuẫn chất chồng, cố gắng mấy cũng không thể hòa hợp được, cảm thấy ngột ngạt với cuộc sống hôn nhân, vợ anh quyết định ly dị.
Sau nhiều ngày suy nghĩ anh cũng cảm thấy không thể tiếp tục nên ký đơn. Nhưng vì thương con anh quyết định để lại toàn bộ tài sản cho con gái và vợ cũ. Những gì anh mang theo chỉ là ba vali quần áo.
Ở tuổi gần 50, anh làm lại từ đầu với những tháng ngày đi thuê nhà, tích cóp từng đồng để dành. Vất vả và buồn nhưng anh cảm thấy thanh thản vì số tài sản của anh cùng vợ cũ tích cóp hơn nửa đời người mà anh để lại đủ để con gái đi du học 5 năm ở nước ngoài và nó sẽ ở lại vì có người thân bên đó, có được một tương lai tốt đẹp; vợ cũ của anh cũng có cuộc sống an nhàn, không phải lo toan cơm áo gạo tiền nữa.
Niềm vui mỗi ngày của anh là được nói chuyện qua Viber cùng con để nghe con tâm sự chuyện vui buồn trong lớp vừa theo dõi tình hình học tập. Mỗi thành tích con đạt được là niềm vui lớn của anh.
Ngày anh có bạn gái là tôi anh cũng kể với con. Cứ thế thời gian trôi, đến lúc chúng tôi cảm thấy cần đến với nhau trên danh nghĩa vợ chồng để có thể chia sẻ vui buồn, nương tựa chăm sóc nhau lúc tuổi già thì anh cũng trịnh trọng thông báo với con. Cùng lúc đó là niềm vui anh và tôi cùng hùn tiền mua được căn nhà chung.
Mặc dù với căn nhà đó, chúng tôi không đủ tiền trả một lần, phải vay thêm ở ngân hàng và trả góp trong 20 năm. Nhưng đối với anh đó là niềm vui lớn, anh không còn cảnh ở nhà thuê, hàng tháng chủ nhà cứ hăm he lấy nhà lại để bán. Và đặc biệt, anh có một nơi đàng hoàng để thờ ba mẹ, một nguyện vọng lớn mà trước đây anh không làm được khi sống cùng vợ cũ có đạo Thiên chúa giáo.
Anh nghĩ rằng với niềm vui lớn này khi chia sẻ chắc con gái sẽ rất vui, chúc phúc cho ba, nhưng sự thật trái ngược hoàn toàn, anh vừa dứt lời thì con gái nhắn tin: “Con có chuyện muốn nói với ba, nhưng để con viết mail vì nói qua điện thoại không tiện”.
Rồi trong mail con viết rằng, con đi học xa, buồn tủi, ba không thương con hay sao mà còn lấy vợ mới. Thôi thì có vợ mới cũng được, nhưng ba hãy bù đắp lại những mất mát ấy bằng cách lập di chúc để lại căn nhà mà ba và dì mua cho con. Nếu được vậy thì tết này con về ăn cơm cùng ba với dì, còn nếu không thì thôi... 
Tôi không trách vì con mới 19 tuổi, con người thì ai cũng có những ích kỷ thường tình. Trước khi lấy anh, tôi cũng là bà mẹ đơn thân với con trai riêng, nên tôi chỉ dặn lòng cố dạy dỗ con để sau này nó không đặt tôi vào thế “khó xử và đau lòng” như con gái anh.
Anh bảo: "Anh còn sống sờ sờ đây mà, nếu lỡ có chết chắc cái nó quan tâm là tài sản thôi".
Ngày hôm sau con gái vẫn vô tư hỏi: "Ba đọc thư con chưa?", "Ba đọc rồi nhưng bận đi công tác để từ từ ba trả lời sau".
Anh lẵng lặng suốt tuần, tôi biết nên chỉ lặng lẽ chăm sóc anh. Vài ngày sau anh viết thư trả lời con gái. Anh nói rõ về cái nhà của chúng tôi mua, về món nợ phải trả, phân tích tình cha con quý như thế nào, phân tích về cái mà con gọi là “cô đơn nơi xứ người” được bao nhiêu bạn trẻ ở VN mong ước; ước muốn con có thể đứng vững trên đôi chân của mình, vì ba đâu thể sống đời với con…
Không biết con gái có hiểu hết những gì anh tâm sự hay không. Nhưng tôi với anh đang cố gắng từng ngày để giúp nó biết rằng chúng tôi yêu nó biết chừng nào… Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ gặp không ít khó khăn phía trước…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.