Mục Tiêu giảm nhu cầu thuốc lá: Vẫn kiên trì nhưng cần thực tế

07/05/2021 19:00 GMT+7

Mọi quốc gia đều ưu tiên mục tiêu kiểm soát thuốc lá hiệu quả và nhiều quốc gia đã chủ động chọn cách tiếp cận khoa học, thực tế hơn thay vì cố gắng bám víu vào những phương pháp tốn kém, thiếu thực tiễn từ WHO.

Luật sư Phan Hoàng Lâm - Luật sư Đoàn Hà Nội, Đại diện Công ty Luật DT LAW

Luật sư Phan Hoàng Lâm - Luật sư Đoàn Hà Nội, Đại diện Công ty Luật DT LAW

Giảm nhu cầu thuốc lá: vượt trên Thái Lan nhưng vẫn dưới kỳ vọng

Trong báo cáo tổng kết 5 năm kể từ khi Luật Phòng chống Tác hại Thuốc lá có hiệu lực (2010 - 2015), tỷ lệ bỏ thuốc lá có những con số đáng khích lệ. Tỷ lệ hút thuốc lá điếu chung giảm từ 19,9% năm 2010 xuống 18,2% năm 2015 (tương ứng giảm trung bình mỗi năm 0,34%). Tỷ lệ sử dụng trong nam giới giảm 2,1%; tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại gia đình giảm 13,2%, tại nơi làm việc giảm 13,3%.
Thành quả trên của ngành y tế đáng kể nhưng dựa trên tiến trình này thì đường đến mục tiêu do Chính phủ đặt ra cho năm 2025 còn khá xa. Những mục tiêu chính bao gồm giảm 37% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành, 50% tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà, và 35% tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc. Trong hội thảo quốc tế về chính sách thuế thuốc lá tại Việt Nam, được tổ chức trong năm 2020, Bộ Tài chính cho biết ngay cả khi áp dụng một trong hai phương án tăng thuế như khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tỷ lệ hút thuốc của nam giới cũng chỉ có thể giảm khoảng 1,5%.
Dù tuân thủ những chính sách mà WHO khuyến nghị nhưng nhiều quốc gia vẫn gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu, trong đó có Việt Nam. Tỷ lệ giảm thuốc lá trung bình mỗi năm ở Việt Nam chưa đạt đến 0,5% mặc dù con số này vẫn đáng khích lệ hơn so với Thái Lan. Trong giai đoạn 2005 - 2020, Thái Lan đã triển khai 15 biện pháp kiểm soát thuốc lá, bao gồm 8 đợt tăng thuế, ban hành lệnh cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng và các hoạt động quảng bá... nhằm giảm nhanh tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu. Tuy vậy, từ năm 2006 đến 2017, tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại Thái Lan chỉ giảm 2,8%, tương ứng với trung bình mỗi năm đạt 0,25% so với 0,34% của Việt Nam. Kết quả kém xa kỳ vọng đến mức dư luận kêu gọi chính phủ Thái Lan xem xét lại chính sách kiểm soát thuốc lá điếu hiện hành.
Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại Thái Lan chỉ giảm 0,25%

Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại Thái Lan chỉ giảm 0,25%

“Giảm nhu cầu thuốc lá”: Chiến lược cần nhưng chưa đủ

Có thể thấy, những chính sách được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng lại không mang lại kết quả như mong đợi. Phải chăng, các quốc gia thành viên Công ước Khung Kiểm soát Thuốc lá của WHO (WHO FCTC), trong đó có Việt Nam cần đánh giá lại hướng tiếp cận để đạt mục tiêu. Giảm nhu cầu thuốc lá là cần thiết nhưng chỉ như vậy là không đủ.
Khoa học và công nghệ đã tạo ra những sản phẩm giảm thiểu tác hại (các sản phẩm thuốc lá không khói) thay thế thuốc lá điếu cho những người lựa chọn tiếp tục hút thuốc. Đây có thể coi là những giải pháp để các quốc gia cân nhắc, điều chỉnh lại chiến lược giảm thiểu tác hại thuốc lá khi những chiến lược hiện hữu chưa thực sự hiệu quả, vừa gây tốn kém vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của hàng triệu người.
Việt Nam thuộc nhóm 10 nước có mức tử vong do hút thuốc lá cao nhất (trên 20% tổng số ca tử vong)

Việt Nam thuộc nhóm 10 nước có mức tử vong do hút thuốc lá cao nhất (trên 20% tổng số ca tử vong)

Đã có sự dịch chuyển trong kiểm soát thuốc lá, từ “giảm nhu cầu thuốc lá” đến kèm theo đó là “giảm tác hại thuốc lá”. Theo số liệu gần nhất, hiện đã có 66 quốc gia chấp nhận các sản phẩm thuốc lá làm nóng, trong đó có đến 43 quốc gia là thành viên Công ước khung FCTC. Dù WHO đã yêu cầu chính phủ các nước cấm, hoặc siết chặt quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói, nhưng những quốc gia này có quan điểm riêng để quyết định đâu là chiến lược phù hợp mục tiêu sức khỏe cộng đồng.
Thêm một minh chứng cho thấy chính phủ cần lựa chọn đâu là giải pháp phù hợp cho thực trạng quốc gia. Mới đây, Chính phủ Uruguay cũng đã tháo bỏ lệnh cấm đối với thuốc lá làm nóng dù vẫn quản lý nghiêm ngặt tất cả các sản phẩm thuốc lá. Mấu chốt của quyết định này chính là tất cả các bộ trưởng, bao gồm Bộ Y tế đã nhận thấy cần phải có trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng bằng cách tìm kiếm giải pháp thực tiễn cho vấn nạn hút thuốc lá, bao gồm các giải pháp và sản phẩm thay thế thuốc lá điếu đốt cháy.
Các chính sách tăng thuế của Thái Lan bị tác dụng ngược, khi tỷ lệ buôn lậu thuốc lá tăng cao

Các chính sách tăng thuế của Thái Lan bị tác dụng ngược, khi tỷ lệ buôn lậu thuốc lá tăng cao

Dù Việt Nam vẫn đang thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát thuốc lá, nhưng thực tiễn thất bại từ Thái Lan dù đã tuân thủ nghiêm ngặt khuyến nghị chính sách của Công ước Khung FCTC, sẽ là kinh nghiệm đáng để các cơ quan quản lý nghiên cứu, cân nhắc chính sách phù hợp cho mục tiêu kiểm soát thuốc lá. Nếu pháp luật các quốc gia công nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp thuốc lá là hợp pháp, thì việc chấp nhận quan điểm quản lý toàn diện các sản phẩm thuốc lá bao gồm quản lý các sản phẩm giảm thiểu tác hại thuốc lá như thuốc lá làm nóng, là một cách tiếp cận hợp lý. Đã đến lúc các quốc gia, đặc biệt những nước có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá cao như Việt Nam cần xem xét thêm giải pháp “giảm tác hại thuốc lá” bên cạnh chiến lược bền vững “giảm nhu cầu thuốc lá” để hướng đến mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.