Nắng như dội lửa, gần 2000 hecta lúa cháy khô ở Nghệ An

Khánh Hoan
Khánh Hoan
16/07/2020 09:44 GMT+7

Hơn 8.000 ha lúa ở Nghệ An đang đối mặt với hạn hán nghiêm trọng, trong đó gần 2.000 ha lúa đã cháy khô, trong khi thời tiết được dự báo tiếp tục nắng hạn khốc liệt.

Bất lực nhìn lúa chết rũ

10 giờ sáng, nắng đã như dội lửa. Ông Đặng Văn Vinh (ở xã Nghi Hoa, H.Nghi Lộc) vẫn phải đội nắng bên 2 thửa ruộng 4 sào đã gieo cấy hơn 1 tháng để tìm cách cứu lúa. Ông Vinh có 8 sào ruộng đã gieo, 4 sào ở cánh đồng phía bên kia đã héo khô vì hạn hán, 4 sào bên này dù ông đã nỗ lực để cứu lúa, nhưng chân ruộng cũng đã nứt toác.
Nguồn nước dưới sông đào đã cạn, không đủ để bơm lên đồng, còn một chút nước dưới hồ lò gạch nằm giữa đồng, ông Vinh nạo vét bùn dưới con mương đất để nước chảy đến rồi bơm lên cứu lúa. Nguồn nước quá ít, nên phải mất chừng 30 phút chờ đợi, nước mới chảy đến được một chút và ông Vinh mới nổ máy để bơm. Bám ruộng từ sáng sớm, nhưng sau 3 tiếng đồng hồ, ông Vinh cũng mới chỉ bơm “tráng” nước được một góc ruộng.

Ông Vinh đang vét nguồn nước ít ỏi để cứu lúa

ẢNH: KHÁNH HOAN

“Hơn 1 tháng nay, kể từ sau khi gieo cấy, ngày nào tui cũng phải ra đây bơm nước, hiếm có năm mô hạn kéo dài như năm ni”, ông Vinh quệt mồ hôi ướt đẫm khuôn mặt khắc khổ, rám nắng, nói. Nhưng, nước quá ít nên hôm nào cố lắm, ông cũng chỉ bơm được chừng 1 sào trong tổng số 4 sào ruộng ở đây.

Nguồn nước quá ít trong khi ruộng đang nứt nẻ khiến nỗ lực cứu lúa của ông Vinh cũng như muối bỏ biển

ẢNH: KHÁNH HOAN

“Nếu đủ nước, tầm ni lúa đã sắp làm đòng rồi. Từ ngày gieo cấy đến giờ, ở đây chưa có mưa, mấy ngày qua thỉnh thoảng có đôi giọt mưa nhưng chưa đủ thấm bụi đất. Nếu trời tiếp tục nắng nóng thì tầm 10 ngày nữa, số lúa trên cả mấy cánh đồng này đều chết khô, không thể cứu được nữa. Chúng tôi sống nhờ cây lúa, nắng nóng thế này không biết rồi sẽ sống thế nào”, ông Vinh lo lắng.

Ông Vinh lo lắng khi 8 sào lúa của gia đình ở vụ này không có ngày gặt hái

ẢNH: KHÁNH HOAN

Ruộng đồng nứt nẻ

ẢNH: KHÁNH HOAN

Thửa ruộng đã cấy nứt toác, lúa sắp héo khô, nhưng bà Hà Thị Niên (ở xóm 7, xã Nghi Phương, H.Nghi Lộc, Nghệ An) vẫn phải ra đồng. 9 giờ sáng, bà vẫn đội nắng lúi húi nhổ cỏ.
“Cách đây gần 2 tháng, tui gieo xong, chuột phá hết. Tui đi mấy cây số đến H.Hưng Nguyên xin mạ về cấy lại. Cấy xong được vài tuần thì hết nước, khô đến giờ. Nước dưới sông cũng cạn, không bơm lên được, nên giờ chỉ mong trời mưa”, bà Niên thở dài.

Bà Hà Thị Niên lo lắng khi ruộng lúa đã 2 lần gieo cấy, lúa đang chết khô vì nắng nóng

ẢNH: KHÁNH HOAN

Bà Niên không có chồng, sống với người em gái cùng cảnh ngộ. Cuộc sống của hai chị em nhờ vào 2 sào ruộng, nhưng nắng hạn thế này khiến bà lo lắng vì lúa đã 2 lần gieo cấy, nhưng rất có thể không có ngày gặt.

Cá dưới sông cũng chết khô

Nguồn nước tưới cho hàng ngàn hecta lúa của H.Nghi Lộc là con sông Cấm. Nhưng nắng nóng khốc liệt kéo dài đã khiến nước sông khô cạn. Nước xuống quá thấp khiến nhiều loài cá bị chết khô.
Ông Trần Văn An (ngụ xã Nghi Thuận, H.Nghi Lộc) cho biết, ít khi ông chứng kiến mực nước sông Cấm ở đây xuống thấp như năm nay khiến cá cũng phải chết. “Sông ni khá sâu, muốn qua sông phải đi thuyền, nhưng nay có thể lội qua được”, ông An nói.

Cá chết khô ở sông Cấm ở xã Nghi Thuận, H.Nghi Lộc, Nghệ An

ẢNH: KHÁNH HOAN

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp H.Nghi Lộc, gần 3.000 ha lúa của huyện đang bị hạn, trong đó gần 900 ha đã có dấu hiệu chết cháy, 2.100 ha đang thiếu nước nghiêm trọng. Trong 10 ngày tới nếu không có mưa, toàn bộ 5.590 ha lúa đã gieo cấy sẽ khô kiệt, trong đó 3.000 ha có khả năng bị chết.
Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An, cho biết Nghệ An có hơn 8.000 ha lúa bị hạn, trong đó gần 2.000 ha lúa đã bị chết khô không còn khả năng cứu vãn. 

Nhiều trạm bơm đã bất lực vì không còn nước để bơm

ẢNH: KHÁNH HOAN

Hồ chứa nước cũng khô cạn, trơ đáy

ẢNH: KHÁNH HOAN

Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến tre cũng chết khô

ẢNH: KHÁNH HOAN

 
UBND tỉnh Nghệ An vừa công bố thiên tai do nắng nóng và yêu cầu UBND các huyện, thị, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, trích dự phòng ngân sách của cấp huyện để khôi phục sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; đồng thời các địa phương rà soát, thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra để hỗ trợ khắc phục thiệt hại theo quy định hiện hành.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.