Nghệ An chấn chỉnh thu phí, quỹ để giảm gánh nặng cho người dân

14/07/2017 09:28 GMT+7

Tỉnh Nghệ An vừa ra quyết định bãi bỏ nhiều quyết định thu phí, lệ phí và chỉ đạo các địa phương chấm dứt thu các loại quỹ trái luật.

Hội đồng nhân dân cấp xã "quyết" các khoản thu
Mặc dù theo quy định của nhà nước, chỉ còn quỹ phòng chống thiên tai là bắt buộc, còn các loại quỹ khác các địa phương chỉ được thu theo hình thức tự nguyện đóng góp của người dân, nhưng năm nay, UBND xã Mã Thành (huyện Yên Thành) vẫn quy định 9 danh mục thu quỹ. Trong số đó, theo thông báo ngày 21.3 của UBND xã này, có 5 khoản thu (quỹ bảo trợ trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống lụt bão, vệ sinh môi trường, an ninh quốc phòng), một số trường hợp được miễn giảm, còn lại đều buộc phải đóng.
Còn tại xã Hùng Thành (huyện Yên Thành), năm nay, ngoài các loại quỹ: phòng chống thiên tai, bảo trợ trẻ em, an ninh quốc phòng, đền ơn đáp nghĩa thì người dân còn phải gánh thêm 2 khoản thu của xã và xóm về quỹ giao thông. Theo quy định, mỗi người dân trong độ tuổi lao động đều phải đóng cho xã 150.000 đồng/lao động và đóng cho xóm 450.000 đồng/lao động.
Bản thông báo các khoản thu năm nay ở xã Mã Thành, huyện Yên Thành
Để hợp thức thẩm quyền thu các loại quỹ, các địa phương đã dựa vào nghị quyết của HĐND xã, dù HĐND xã không đủ thẩm quyền để ra văn bản buộc người dân đóng góp các khoản thu.
Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hùng Thành, cho rằng quỹ giao thông thu cao là do xã đang cần huy động sức dân để làm giao thông nông thôn. “Năm 2016, HĐND xã ra nghị quyết bắt đầu từ năm 2016, mỗi lao động trong xã mỗi năm đóng góp 8 ngày công (bằng tiền, mỗi ngày công 75.000 đồng), trong đó nộp cho xã 2 ngày công (150.000 đồng) để làm cầu cống và xóm 6 ngày công (450.000 đồng) để làm đường giao thông. Theo ông Trung, xã dự kiến thu quỹ này đến năm 2021 khi làm xong hệ thống cầu cống.
Giảm gánh nặng cho người dân
Trước thực trạng trên, trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Xuân Đại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết năm 2016, nguồn thu từ huy động sự đóng góp của người dân trong tỉnh để xây dựng cơ sở hạ tầng là hơn 257 tỉ đồng, phục vụ xây dựng trường học là 238 tỉ đồng; đóng góp từ các quỹ của xã là hơn 28 tỉ đồng; từ thôn xóm là 32 tỉ đồng. Số tiền này đã hỗ trợ khá lớn để xây dựng hạ tầng nông thôn, chỉnh trang trường học trong điều kiện ngân sách nhà nước gặp khó khăn. Qua kiểm tra, Nghệ An cũng chưa phát hiện trường hợp nào chi số tiền đóng góp của dân sai mục đích.

tin liên quan

Đóng cửa các quỹ ngoài ngân sách không hiệu quả
Trong chỉ thị phát đi ngày 27.8, Thủ tướng lưu ý còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp các nhiệm vụ, nhiều quỹ ngoài ngân sách nhưng nguồn thu vẫn phải trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Ông Đại cũng thừa nhận, việc huy động thu tự nguyện các loại quỹ vẫn còn một số địa phương làm chưa tốt. Đó là tình trạng cào bằng, giao chỉ tiêu theo bình quân đầu người như một hình thức bắt buộc. Một số địa phương còn dựa vào HĐND xã để ra các nghị quyết thu quỹ không đúng thẩm quyền. UBND tỉnh đã ra văn bản chấn chỉnh việc thu quỹ, phí, giao các huyện rà soát các loại quỹ của các xã, hội đoàn và yêu cầu các địa phương thu đúng quy định để giảm gánh nặng cho dân.
Ông Đại cũng cho biết, do nguồn ngân sách khó khăn, nhu cầu kinh phí để xây hạ tầng giao thông nông thôn, chỉnh trang trường học, nên các địa phương cũng cần nguồn đóng góp tự nguyện của người dân để chia sẻ với Nhà nước. Tuy nhiên, việc thu quỹ tự nguyện đúng hình thức tự nguyện, không mang tính áp đặt như lâu nay, trở thành gánh nặng cho người dân.
"Bên cạnh việc ra văn bản chấn chỉnh việc thu quỹ, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các dịa phương bãi bỏ việc thu các loại quỹ do HĐND cấp xã ra nghị quyết; Các địa phương không vận động người dân tự nguyện nộp quỹ nếu không có chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy; Không được vận động những hộ nghèo, người tàn tật, người già, trẻ em nộp quỹ. Việc thu chi quỹ phải công khai, minh bạch”, ông Đại nói.
Ngày 3.7.2017, UBND tỉnh Nghệ An vừa ra quyết định số 52/2017QB-UBND bãi bỏ 19 quyết định ban hành từ năm 2007 - 2015 về thu các loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh. Theo đó, kể từ ngày 15.7, 19 quyết định thu phí và lệ phí trên nhiều lĩnh vực sẽ được bãi bỏ.
Phát biểu tại kỳ họp 14 HĐND tỉnh Nghệ An ngày 12.7, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cũng khẳng định sẽ chỉ đạo các địa phương quản lý tốt công tác xã hội hoá, huy động, sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân ở cơ sở và sẽ chấn chỉnh, chấm dứt các khoản thu ngoài quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.