Ngũ sắc mặc vào bánh in

08/02/2011 10:18 GMT+7

(TN Xuân Tân Mão) Hồi đó, hằng năm cứ đến cuối chạp tôi đều gặp một cụ già ốm còm nhom đạp xe ngoài đường. Chiếc xe cũ kỹ, cụ chở một cái trác đan bằng tre, bên trong đựng rất nhiều những chiếc bánh in (bánh cộ) bọc giấy xanh đỏ vàng tím...

Tôi chạy ngay vào nhà gọi ông nội ra mua bánh. Ông nội ra tới đường thì ngẩn mắt một lúc rồi bước tới ôm lấy cụ. Hóa ra cụ già ấy là võ sư phái Thất sơn thần quyền Tăng Minh Định ở Triệu Thành, một người bạn của ông.

Ông nội mua một chùm bánh in, gửi tiền cụ Định không lấy. Ông cứ giúi vào cụ, đưa qua đẩy lại một lúc thì tiền lại vào… tay tôi. Cụ Định xoa đầu tôi: Coi như ông lì xì mừng tuổi cho cháu, nghe! Rồi bánh xe hối hả trườn lắt léo trên con đường làng. Khi cụ đã đạp xe đi khuất, ông nội ngước mắt lên nhìn trời và nói một mình như đọc thơ buồn: "Ngày xưa Thất sơn thần quyền. Bây giờ thất nghiệp kiếm tiền nhờ bánh in".

Ở quê hồi trước, cứ đến tết thì rất nhiều nhà tự làm bánh in để thờ cúng tiên tổ và cũng để làm quà đãi khách uống trà ngày xuân. Cái rộn ràng ấm áp khi cả nhà ngồi quây quần quanh chiếc nống cấm, cùng nhào bột nếp, tráp khuôn, hong khô rồi bọc giấy ngũ sắc… Cây đèn dầu chấm một đốm lửa đèn ngay giữa chiếc nống. Đèn dầu cho lửa mờ nhưng khi phản vào những tấm giấy ngũ sắc thì bỗng nhiên buổi tối tháng chạp như lung linh hẳn lên.

Khuôn bánh in được đẽo bằng gỗ mít với những họa tiết hoa lá, chữ phúc... Những chiếc khuôn bánh hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật nhỏ xíu vừa lòng nắm tay của một đứa trẻ con. Người chạm gỗ đẹp nhất vùng Triệu Phong (Quảng Trị) hồi ấy là ông cụ Tám râu tóc bạc phơ ở làng Dương Lệ Đông.

Bột làm bánh in là bột nếp xay mịn hoặc pha bột nếp với bột đậu xanh bóc vỏ. Người ta trộn bột với đường cát thật đều, sau đó dùng khuôn nén chặt. Bánh in sau khi nén được đặt lên những chiếc nống lót giấy báo và hong trên than hồng. Dưới cái nóng hừng vừa phải của than, đường cát tan ra trong bột như một thứ keo mật làm cho bánh in được định hình chặt chẽ.

Công đoạn cuối cùng là bọc giấy ngũ sắc. Giấy được cắt sao cho bọc vừa kín chiếc bánh. Hồ dán là nước bột lọc xin ở nhà làm bún đem về nấu quấy cho nó deo dẻo. Về sau này, bánh in được bọc bằng giấy nylon màu bóng. Hồ dán cũng được thay bằng cách châm lửa hương vào các mép nối giấy.

Chú tôi mất vào cuối năm 1999. Hơn mười năm qua, thím Bé làm nghề đóng bánh in mỗi lần tết đến. Từ giữa tháng mười một là nhà thím đã rộn rã như một cơ sở bánh in. Thím nói ngoài việc kiếm tiền nuôi bốn đứa con dại thì làm bánh in cũng để nhà bớt hiu quạnh, có bà con làng xóm đến giúp khiến thím đỡ nhớ chú mỗi lần tết đến. Và hình ảnh một người quả phụ ngậm nước mắt ngồi giữa căn nhà ngập tràn giấy ngũ sắc, ngập tràn tiếng chuyện trò cứ khiến tôi nôn nao bao xúc cảm vui buồn.

Giáp tết, tôi có thú vui là đi thăm các chợ trong vùng. Đi như để ăn tết sớm, đi để hưởng cái không khí tết như mạ từng nói: "Trước tết mới vui chớ ngày tết cũng… thường!". Về mạn dưới, một loạt mẹt nống rải bánh in nằm men con đường đi vào chợ Chùa ở làng Lưỡng Kim. Lên mạn trên, chợ Sãi ngày thường nổi tiếng với bánh ít lá gai thì ngày tết nổi bật với bánh in ngũ sắc.

Nhưng muốn ngắm bánh in bằng một góc độ tương phản ánh sáng màu sắc thì phải đi sang chợ hôm Ái Tử. Chợ hôm họp tại một đình làng khe khẽ nép mình bên dòng chảy của nhánh sông Thạch Hãn. Hoặc có thể đi một phiên chợ Đình làng Bích La mùng ba tết. Hai chợ này họp lúc trời đương tối, ánh sáng chủ yếu là đèn dầu hỏa nên sắc màu bánh in được trôi ngược về miền quá khứ cổ xưa. Những chiếc nống bánh ở đó nhấn nhá màu ngũ sắc, gấp gô đường cạnh lẫn giữa phông nền đen. Thoáng qua buổi chợ y hệt một bức tranh sơn mài.

Đêm trừ tịch, nhà nhà đặt bàn thờ lộ thiên và không quên sắp lên trên đó một đĩa bánh in. Sáng Nguyên đán bước ra sân, giấy màu bọc bánh nhuốm sương xuân  khai thị một cỗ hạnh sự sắp sẵn. Ông nội thường lấy bánh in đó phát cho mấy đứa cháu. Tôi nhận bánh xong nhét đầy vào túi quần túi áo, thi thoảng lôi ra ngắm nghía rồi ngửi. Ông nói cái thằng ni ngày tết ăn không chịu ăn, cứ ngắm với ngửi mần như thử bữa sau không còn nữa.

Mà quả thế thật!

Kể từ ngày đó đến nay, đã qua đi rồi mười mấy cái tết không có bánh in bọc giấy ngũ sắc nguyên bản. Võ sư họ Tăng cũng đã thăng về thiên cổ, ngoài đường bây chừ tháng chạp không còn nghe tiếng xe lọc cọc đèo cái trác tre đựng bánh in nữa. Mảnh giấy ngũ sắc ngày xưa bọc bánh in, bây chừ tôi đem ra bọc lại ký ức của mình, để cho ký ức mãi mãi được vẹn nguyên.

Hoàng Công Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.