Người con gái hiếu thảo

19/01/2006 22:50 GMT+7

Ngày còn con gái thì lo cho cha mẹ mình, lấy chồng rồi thì chăm sóc bên nhà chồng. Tôi không nghĩ mình là dâu con gì hết, tôi xem cha mẹ chồng cũng như cha mẹ ruột vậy, phận làm con thì phải hiếu nghĩa với bậc sinh thành". Đó là những lời tâm tình của chị Nguyễn Thị Thủy - 29 tuổi ở ấp Trung Hưng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi tại buổi lễ giao lưu gương điển hình "Người con hiếu thảo" vừa tổ chức tại TP.HCM.

Nghe chị Thủy kể về hoàn cảnh của chị tại buổi giao lưu "Người con hiếu thảo", chúng tôi đã tìm về nhà chị ở Củ Chi và thật sự xúc động về hoàn cảnh, sự chịu khó của chị. Chị Thủy nói với giọng đượm buồn: "Nghèo khó vây lấy gia đình tôi. Chăm sóc cha chồng và em chồng bị bệnh rồi chồng con, chuyện ruộng nương heo cúi nên tôi không biết nghỉ ngơi, giải trí làâ gì". Quả thật, trông chị khắc khổ hơn nhiều so với độ tuổi 29. Cái nghèo khó cứ đè nặng trên đôi vai gầy của người phụ nữ này.

Căn nhà của chị khoảng 50m2 xây bằng gạch do hội chữ thập đỏ trao tặng như rộng thênh thang bởi không được trang trí vật dụng gì ngoài chiếc ti vi đã cũ. Nhà vắng lặng, anh Khải chồng chị đi Tây Ninh bốc thuốc nam cho người cha bị bệnh tai biến mạch máu não, chị Thủy thì đang giữa trời nắng chang chang tưới nước cho ruộng bắp đang hồi ra hoa... Vừa tranh thủ cho bò ăn, chị vừa kể về cuộc sống gia đình với thái độ chân thành. Năm 19 tuổi, cô thôn nữ Nguyễn Thị Thủy chấp nhận se duyên với anh Nguyễn Văn Khải mặc dù biết gia đình chồng có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Ở trong nhà, việc gì cũng một tay chị quán xuyến, từ chuyện quần quật với đồng áng kiếm đồng tiền đến việc chăm sóc cha chồng bệnh tật và hai đứa em chồng bị chất độc da cam, rồi còn đứa con nhỏ 10 tuổi. Ngày này nối tiếp ngày khác, công việc đuổi công việc khiến chị quên hẳn những phút giây nghỉ ngơi của riêng mình.

Chị tâm sự: "Ngày còn con gái thì lo cho cha mẹ mình, khi lấy chồng rồi thì lo lắng cho nhà chồng. Tôi không nghĩ mình là dâu con gì hết, cha mẹ nào cũng là cha mẹ mà!". Từ nhà ra chợ chỉ có khoảng vài cây số, thế mà chị vẫn không có thời gian đi. Hằng ngày, chị Thủy phải tranh thủ "đi chợ" từ những gánh hàng rong ngang nhà. Cái ti vi cũ ở trong nhà chị cũng ít khi "ngó" tới vì buổi tối phải tranh thủ ra ruộng sợ không kịp thời vụ. Ngay cả Tết đến mà vợ chồng chị vẫn còn phải lo cái sổ nợ ở ngân hàng, ra Tết là phải trả cho hết.

Hơn 1 giờ trưa, sau khi tưới xong 2 sào bắp, chị dẫn chúng tôi ngược về thăm nhà giới thiệu cha và em, hai "nhân vật" được nhắc tới nhiều lần trong câu chuyện. Cô em chồng 30 tuổi nhưng ngờ nghệch như trẻ nhỏ, không biết đói no là gì, bởi vậy cũng phải trông chừng từng bữa ăn giấc ngủ. 11 năm qua, kể từ ngày về làm dâu, chị đã quen thuộc với công việc ở một gia đình có người già yếu lẫn người bệnh.

Thiên Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.