Người dân kêu cứu vì nạn 'vàng tặc'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
17/03/2018 09:05 GMT+7

Tình trạng khai thác vàng trái phép ở vùng giáp ranh H.Phú Ninh và H.Tiên Phước (Quảng Nam) đang 'nóng' trở lại, khiến sông Quế Phương, sông Tiên bị ô nhiễm nặng nề.

Những dòng sông chết !
Thời gian qua, cử tri hai huyện Tiên Phước, Phú Ninh bức xúc và nhiều lần kiến nghị nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực giáp ranh giữa hai huyện này (xã Tam Lãnh - Phú Ninh và xã Tiên Lập - Tiên Phước) vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Theo phản ánh của người dân, chỉ chưa đầy nửa tháng sau Tết Nguyên đán, tình trạng khai thác vàng trái phép lại “nóng” lên. “Vàng tặc” lợi dụng địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn đã lén lút hoạt động, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Quế Phương và sông Tiên. Ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn hộ dân ở các xã Tam Lãnh (H.Phú Ninh) và xã Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Thọ, Tiên Châu… (H.Tiên Phước).
Hai bên bờ sông Quế Phương (vùng giáp ranh giữa hai xã Tam Lãnh - Tiên Lập), có rất nhiều lán trại quy mô lớn được dựng lên để khai thác vàng trái phép. Nằm ngay bên lán trại, có hàng chục hồ chứa quặng, được bao bọc kín bằng ni lông. Tại đây, các phu vàng dùng chất độc cyanua để lọc vàng, sau đó bã quặng và dung dịch chứa vàng qua các bể lắng xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, thấm vào lòng đất. Mỏ vàng Bồng Miêu, nơi được xem là “lãnh địa” vàng của tỉnh Quảng Nam, dọc đường đi, có nhiều điểm làm vàng nằm ngay sát đường.
Ông Nguyễn Văn H. (55 tuổi, ở thôn Trung Sơn, xã Tam Lãnh) bức xúc cho biết trước đây người dân thường bắt vòi dẫn nước từ sông Quế Phương về dùng. Nhưng mấy năm trở lại đây, việc khai thác vàng đã khiến dòng sông này bị ô nhiễm nặng nề vì cyanua và thủy ngân. Người dân gọi những dòng sông này là “dòng sông chết”, nhiều trâu bò chết cũng do uống nước ở con sông này. “Do chất độc trực tiếp thải ra môi trường khiến nguồn nước ngầm của người dân và một số xã của H.Tiên Phước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để có nước sinh hoạt, người dân phải di chuyển hàng cây số xin nước về dùng”, ông H. ngao ngán nói.
Người dân kêu cứu vì nạn 'vàng tặc'1
“Vàng tặc” ngang nhiên khai thác trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu
Khó truy quét triệt để
Theo báo cáo của UBND xã Tam Lãnh, trong năm 2017, công an xã phối hợp với Đồn công an Tam Lãnh và Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức nhiều đợt kiểm tra, phát hiện và tiêu hủy gần 80 máy nổ, gần 100 hồ hóa chất chứa hàng trăm mét khối quặng, gần 3.000 m dây điện, hơn 90 lán trại... và đẩy đuổi hơn 400 lượt người ra khỏi địa bàn. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cũng phát hiện, tiêu hủy 10 máy nổ, 700 m dây điện, 22 lán trại, 25 hồ hóa chất...
Thừa nhận tình trạng khai thác vàng trái phép gây ô nhiễm là vấn đề nhức nhối tại địa phương, ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, cho hay: “Vàng tặc liên tục thay đổi phương thức, địa điểm hoạt động. Với diện tích toàn xã gần 7.000 ha, địa hình phức tạp, tiếp giáp nhiều địa phương, lực lượng lại mỏng, nên mỗi lần truy quét gặp không ít khó khăn. Ngoài việc người dân địa phương lén lút đào vàng, phu vàng từ các tỉnh phía bắc cũng đổ xô vào Tam Lãnh để hoạt động”.
Điều đáng nói là sau các đợt truy quét của cơ quan chức năng, được một thời gian ngắn, những phu vàng lại mua máy móc mới tiếp tục khai thác vàng. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm các dòng sông và một vùng đất đai rộng lớn vẫn rất nghiêm trọng. “Để hạn chế việc khai thác vàng trái phép, địa phương thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền và đưa nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân để họ không còn lén lút khai thác trái phép nữa”, ông Vinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.