Người lao động 'lay lắt' ngóng lương hưu

14/05/2015 11:16 GMT+7

Một số cán bộ, công nhân của nhà máy đất đèn và hóa chất Tràng Kênh (TT.Minh Đức, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) về hưu gần nửa năm nay nhưng vẫn không được nhận tiền lương.

Một số cán bộ, công nhân của nhà máy đất đèn và hóa chất Tràng Kênh (TT.Minh Đức, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) về hưu gần nửa năm nay nhưng vẫn không được nhận tiền lương.

 Công nhân ngồi đợi gặp lãnh đạo nhà máy để hỏi tiền lương
Công nhân ngồi đợi gặp lãnh đạo nhà máy để hỏi tiền lương - Ảnh: V.N.K
Ông Nguyễn Văn Lập, nguyên Phó giám đốc nhà máy đất đèn và hóa chất Tràng Kênh cho biết, ông được nghỉ làm từ tháng 11.2014 trước khi về nghỉ hưu chính thức từ tháng 2.2015, nhưng đến nay vẫn phải dài cổ “ngóng” lương hưu.
“Tôi được hưởng lương hưu hàng tháng là hơn 4 triệu đồng. Tiền lương trong 3 tháng nghỉ làm việc là do nhà máy trả nhưng mới chỉ được nhận lương tháng 11.2014”, ông Lập cho biết.
Ông Lại Văn Tiền (57 tuổi, nguyên bảo vệ của nhà máy 30 năm) cũng bị nợ lương từ tháng 12.2014 tới tháng 3.2015, với tổng số tiền 2,9 triệu đồng. Hàng ngày ông đi làm cách nhà hơn 30 km, người thân phải cho tiền đổ xăng. Lương thấp lại bị nợ nên ông Tiền đã viết đơn xin nghỉ hưu sớm từ tháng 4.2014. Trước ngày nghỉ, phía nhà máy chỉ trả ông được 1,3 triệu đồng, số tiền còn lại chưa biết bao giờ nhận được.
“Tôi bị bệnh viêm xoang nặng lắm, rồi bệnh về mắt nữa nhưng không có tiền và bảo hiểm y tế nên không dám đi khám. Giờ về nhà chỉ cấy 2 sào ruộng, nuôi con lợn, con gà kiếm đồng trang trải sinh hoạt. Mọi người cứ trêu tôi tên là Tiền mà không có tiền”, ông Tiền nói và cho biết nhiều đồng nghiệp đang có ý định viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.
Một số người khác về hưu cũng gặp hoàn cảnh tương tự như ông Lập, ông Tiền. Ngoài ra, nhiều lao động trong tình cảnh khó khăn khi bị trừ tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH) vào đồng lương vốn ít ỏi, nhưng lại vẫn bị nợ BHXH vì phía nhà máy không đủ tiền “một cục” nộp về BHXH Thủy Nguyên.
Ông Vũ Văn Hải, Tổ trưởng tổ lò vôi của nhà máy cho biết, nhà máy chỉ đóng BHXH cho cán bộ, còn đa số công nhân trực tiếp làm ra sản phẩm thì không được đóng.
“Tại sao lại có sự phân biệt người đóng BHXH, như vậy thì chúng tôi khác gì đi làm ngoài. Làm việc trong môi trường độc hại nhưng đến giờ chúng tôi vẫn không có thẻ BHYT năm 2015. Lương đã thấp rồi lại chỉ được hưởng 60% mức tiền công thôi”, người đàn ông có hơn 30 năm làm tại nhà máy này bức xúc.
Qua tìm hiểu được biết, nhà máy này là chi nhánh của Công ty TNHH Hơi kỹ nghệ que hàn ở TP.HCM, phải hạch toán phụ thuộc. Hầu hết các dây chuyền sản xuất ở đây đều lạc hậu, hỏng hóc, phải dừng sản xuất để trùng tu. Trong khi đó, dây chuyền làm đất đèn đã bị ngừng hoạt động từ cuối năm 2011 do ô nhiễm môi trường. 69 cán bộ, công nhân viên của nhà máy hiện làm việc cầm chừng, hưởng lương theo doanh thu.
Bà Đinh Thị Uyền Hương, Phó giám đốc nhà máy cho rằng, hiện đơn vị này gặp khó khăn trong sản xuất, doanh thu thấp nên không có tiền để trả lương và đóng BHXH cho người lao động.
“Suốt 3 tháng qua chúng tôi phải nhận “trợ cấp” từ phía công ty. Do công việc không đều nên chúng tôi chỉ tạm dừng đóng BHXH cho công nhân, nhưng hiện nay đã đề xuất đóng cho tất cả mọi người rồi”, bà Hương nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó giám đốc BHXH Thủy Nguyên xác nhận việc nợ đọng BHXH của nhà máy này là “thâm căn cố đế”. Nhà máy này nợ BHXH đã 7 tháng với số tiền chốt đến ngày 20.3 là hơn 470 triệu đồng.
“BHXH huyện đã gửi công văn lần thứ 4 nhắc nhở nhà máy. Chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ khởi kiện đơn vị này ra tòa trong tháng 5 nếu nhà máy vẫn không nộp tiền BHXH”, ông Nhiên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.