Người mang muỗng đi khắp thế gian

22/06/2010 04:15 GMT+7

(TNTS) Với "hành trang" một cặp muỗng và vài chiếc đàn môi bé xíu, Trần Quang Hải đã đi khắp thế gian!

Nhạc sĩ Kiều Tấn - người nổi tiếng với công trình nghiên cứu về cây đàn guitar phím lõm - kể rằng, cách đây nhiều năm khi anh còn đang học âm nhạc ở Đức, anh và nhạc sĩ Trần Quang Hải đi đến một quán phở. Trần Quang Hải bảo: "Cậu có muốn ăn phở không tốn tiền không?", nhạc sĩ Kiều Tấn bán tín bán nghi. Trần Quang Hải bảo: "Yên tâm, chờ đi rồi sẽ rõ". Sau khi ăn xong, thay vì đứng lên trả tiền, Trần Quang Hải nghịch ngợm lấy trong túi ra một cặp muỗng và gõ liên tục trên tay, chân, miệng… Bất ngờ đầy thú vị từ những âm thanh phát ra như một bản nhạc vui tai, còn động tác thì uyển chuyển khôn lường với sự lắt léo tinh quái của những ngón tay kẹp muỗng… khách trong quán xúm lại xem, còn ông chủ quán thì ngưỡng mộ thích thú ra mặt. Ông chủ quán tuyên bố "tuyệt đối không tính tiền người này, khi nào rảnh cứ ghé ăn, miễn phí!".

Lấy được cuộc hẹn trước từ lúc còn ở Việt Nam, khi đến Paris tôi đã được vợ chồng nghệ sĩ Trần Quang Hải đến đón tại quán phở người Việt Indochina. Ca sĩ Bạch Yến một thời lẫy lừng với bài hát Đêm đông và những bản nhạc ngoại quốc sôi động giờ đằm thắm trong tay người chồng có biệt tài "gõ muỗng".


Trần Quang Hải - Bạch Yến trình diễn kỹ thuật hát đồng song thanh

Vợ chồng nghệ sĩ đưa tôi tham quan một vòng Paris, lên tàu xuôi theo sông Sein và dừng chân ở vườn Luxemburg. Giữa không gian tràn ngập cỏ hoa, thơ mộng và khoáng đạt, ông đã trình diễn màn nghệ thuật độc nhất vô nhị, khiến rất nhiều người hiếu kỳ tụ lại thưởng thức, đó là đàn… muỗng và đàn môi !   Giữa thanh thiên bạch nhật, Trần Quang Hải như một gã du ca lãng tử.

Đầu tiên, ông lấy từ trong túi xách ra những nhạc cụ nho nhỏ trông rất ngộ nghĩnh, trong số này có rất nhiều loại đàn môi thuần túy Việt Nam, và của nhiều dân tộc khác nữa. Những chiếc đàn môi chỉ bé bằng một ngón tay nhưng phát ra âm thanh ngân vang nhờ động tác một tay giữ  và sự lắc nhịp điêu luyện của bàn tay còn lại. Thú vị khi trong số đàn môi ấy có một chiếc làm bằng … thẻ ATM!  Nghệ sĩ Bạch Yến lo  phụ tá chồng mình việc tìm kiếm nhạc cụ, tôi quay phim và phỏng vấn, còn nhạc sĩ Trần Quang Hải thì mải mê trình diễn, người kéo tới mỗi lúc một đông. Đang diễn ngon lành thì mấy cảnh sát tới đề nghị phải đi chỗ khác, vì phía xa kia nhìn từ vườn hoa Luxemburg là một tòa nhà của chính phủ, không được quay phim và làm kinh động.

Mọi người dắt díu đồ đạc lỉnh kỉnh dời đến một khu vực khác trong công viên. Trong khi cùng với vợ là Bạch Yến thực hiện phần trình diễn hát đồng song thanh thì lại một cảnh sát khác tới.  Thật không ngờ, người cảnh sát lớn tuổi đến… bắt tay Trần Quang Hải, tự nhận mình là người Pháp gốc Việt và đem lòng ngưỡng mộ ông lâu rồi. Xin cứ tự nhiên quay phim chụp hình và biểu diễn!

Và phần hấp dẫn nhất là đàn muỗng cũng đã đến. Rút trong túi quần ra 2 chiếc muỗng, Trần Quang Hải tung hứng như bị thôi miên. Lia lịa những ngón tay lắc theo nhịp, rải hai chiếc muỗng chạy từ vai xuống bàn tay, rồi từ đầu gối xuống bàn chân, có lúc ông kẹp hai chiếc muỗng vào những ngón tay vỗ lấy vỗ để lên miệng để tạo ra âm sắc khác. Người trong công viên vỗ tay tán thưởng, Trần Quang Hải như được tiếp thêm sức, xoay mông qua bên trái, bên phải, hai chiếc muỗng chạm vào nhau và chạy liên hồi trên khắp nơi trên cơ thể ông… Một bài nhạc từ đàn muỗng hoàn tất trong sự trầm trồ ngạc nhiên của mọi người.

Với vài chiếc đàn môi và hai chiếc muỗng này, nhạc sĩ Trần Quang Hải nói, ông đã đi khắp thế gian mà ít bao giờ bị… tốn tiền ăn uống! Đến đâu cũng được người hâm mộ mến yêu nên ông thường được khoản đãi rất hậu…

Với nghệ thuật hát đồng song thanh mà ông là người tiên phong khai phá, và nghệ thuật biểu diễn đàn môi, đàn muỗng…, nhạc sĩ Trần Quang Hải đã thực hiện trên 3.000 buổi nói chuyện tại 65 nước. Ông tham gia 130 đại hội, liên hoan âm nhạc quốc tế, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học và sáng tác hơn 400 bản nhạc… Con đường âm nhạc của ông luôn hướng đến sự giao thoa các thể loại nhạc cổ truyền và góp phần làm cho thế giới ngày càng gần lại.

Nhạc sĩ Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại Gia Định - Sài Gòn. Ông lớn lên trong một gia đình 5 đời theo ngành nhạc, chuyên nghiên cứu về nhã nhạc cung đình và âm nhạc bác học nói chung: Ông cố là Trần Quang Diệm nổi tiếng về đàn tỳ bà ở Mỹ Tho, ông nội là Bảy Triều chế tác ra dây đờn Tố Lan trong cải lương, cha là giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, chú ruột là quái kiệt Trần Văn Trạch. Ông đã dày công theo đuổi mảng âm nhạc dân tộc và có nhiều công trình nghiên cứu được quốc tế thừa nhận, đặc biệt là ở 3 lĩnh vực: Hát đồng song thanh, đàn môi và đàn muỗng.

Sau khi tốt nghiệp chuyên khoa vĩ cầm tại Sài Gòn, từ năm 1961 Trần Quang Hải đã sang Pháp học tiếp ngành nhạc tại trường đại học danh tiếng Sorborn (trường cha ông đã học). Năm 1968, ông bắt đầu làm việc tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS), ở đây ông làm chuyên gia nghiên cứu âm nhạc dân tộc thuộc Viện bảo tàng Con người. 40 năm qua, ông đã gắn bó với nơi đây như một phần máu thịt.

Bùi Thanh Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.