“Người thân”

23/07/2009 12:15 GMT+7

(TNTS) Từ ngày người đàn bà ấy xuất hiện, Thư như bị bỏ bùa. Sự cả tin và nỗi lòng canh cánh muốn làm theo ý nguyện của cha khiến cho Thư gạt hết mọi nghi ngờ, thắc mắc của Thuần, chồng cô, để khăng khăng làm theo ý mình. Cho đến khi sự thật được khám phá...

Cô Tâm mặc bộ đồ bà ba đen, mang chiếc túi xách nhỏ, đồ đạc chẳng có gì ngoài bức thư được coi là của bố Thư gửi cho chú Kiên chồng cô. Bố Thư trước đây đi bộ đội, vào Nam chiến đấu, trở về với nhiều vết thương, được phong cấp, nhiều huy chương và rất nhiều kỷ niệm chiến trường. Khi Thuần cưới Thư, hai vợ chồng được hưởng căn nhà lớn mặt tiền và công ty kinh doanh bao bì của ông.  Không bao lâu ba Thư mất. Trước khi chết, ông dặn dò con gái và con rể là phải tìm bằng được tung tích chú Kiên, người em kết nghĩa đã cùng vào sinh ra tử với ông trong những ngày chiến đấu gian khổ khi xưa. Bận rộn làm ăn và cũng chưa có điều kiện đi tìm, bỗng một hôm cô Tâm xuất hiện, xưng là vợ chú Kiên. Cô nói chú Kiên bệnh nặng không đi xa được nên nhờ cô ra Bắc tìm giùm gia đình người anh kết nghĩa.

Thư và Thuần giữ cô Tâm lại và hẹn ngày sẽ cùng cô vào Nam thăm chú Kiên. Cô Tâm vui vẻ ở lại gia đình Thư. Những ngày đầu qua đi, Thuần nhận thấy cô Tâm rất dễ làm quen với mọi người và kết thân với Thư rất nhanh nhờ “cùng chung sở thích” đi chùa và nói chuyện tâm linh. Thỉnh thoảng cô đi đâu đó vài ba ngày rồi lại trở về nhà Thư. Do công việc buôn bán đang bận rộn, Thư và Thuần chưa thể đi vào Nam ngay, nên cô Tâm cũng nấn ná lại, nhân tiện tìm mối làm ăn (?) để kiếm tiền gửi cho chú Kiên chữa bệnh (!). Cô còn bộc lộ “năng khiếu” xem bói chỉ tay, nên chẳng mấy chốc người quen, bạn bè của Thư và Thuần lui tới tìm cô ngày một nhiều. Câu chuyện về việc chồng cô và bố Thư kết nghĩa anh em luôn được cô Tâm nhắc lại, mỗi lần lại thêm những tình tiết mới lâm ly hơn, kỳ bí hơn, thậm chí lần sau lại khác lần trước (!) Nhắc nhở thì không tiện, nhưng Thuần bắt đầu có những nghi ngờ và khó chịu. Nhưng khi anh nói với Thư thì cô gạt đi ngay. “Nhà mình rộng rãi, có của ăn của để do bố để lại. Bây giờ cô ấy ra tận đây, mình phải hết sức giúp đỡ, anh đừng có nghĩ lung tung”, Thư nói vậy và vẫn chiều chuộng, nghe lời cô Tâm răm rắp.

Cô Tâm có vẻ cũng “ngại” Thuần, nên càng ra sức lôi kéo Thư. Biết tính Thư thích đi chùa, làm việc thiện và nhẹ dạ, thích xem bói, cô Tâm rót vào tai Thư những lời mật ngọt pha với chút mê tín, rằng Thư cần giúp đỡ một người nào đó “thân mà xa”, thì công việc làm ăn và đường con cái mới phát triển tốt.

Cho đến khi Thư tiết lộ số tiền đưa cho cô Tâm gửi về cho chú Kiên và “vay” làm ăn đã lên đến gần trăm triệu đồng, và qua tìm hiểu, Thuần được biết thỉnh thoảng cô Tâm đi khỏi nhà vài ngày nói làm ăn là lên biên giới buôn bán gì đó, anh mới tá hỏa, vội vàng lần tìm manh mối về chú Kiên. “Người đàn bà ấy đúng là vợ chú, nhưng đã ly hôn lâu rồi, do bà ấy lười lao động lại chuyên đi ngon ngọt lừa người nọ người kia lấy tiền... Chú đã từ lâu không còn liên hệ với bà ấy nữa”. Đọc thư chú Kiên, Thư mới biết mình quá nhẹ dạ vì hai chữ “người thân”...

Huệ Hường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.