Người tốt việc tốt: Nơi cưu mang 60 mảnh đời bất hạnh

12/04/2017 09:09 GMT+7

Ở thôn La Vang, xã Quảng Sơn, H.Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận có một cơ sở nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần, người già neo đơn, trẻ mồ côi tàn tật... do một cá nhân đứng ra tổ chức, không được hỗ trợ từ nhà nước.

Chủ nhân của cơ sở này là ông Trần Châu (65 tuổi). Ông Châu lập ra trung tâm bảo trợ xã hội này nhằm cưu mang, nuôi dưỡng 60 người già neo đơn, trẻ mồ côi, bệnh nhân tâm thần không nơi nương tựa.
Mỗi người ở đây có hoàn cảnh khác nhau, nhưng chung một đặc điểm là không có giấy tờ tùy thân, thậm chí ngay cả tên mình cũng không nhớ nổi.
Về cơ duyên để hình thành trung tâm bảo trợ xã hội này, ông Châu cho biết, trước đây ông là giáo viên dạy học ở một trường THCS trong H.Ninh Sơn. Sau giờ lên lớp, ông chữa bệnh cho người dân bằng nghề thuốc nam gia truyền.
“Tôi chữa bệnh miễn phí cho người dân bằng những bài thuốc gia truyền. Có nhiều người sau khi lành bệnh, mặc dù gia đình từ chối nhưng họ một mực xin được gửi tiền thuốc thang. Từ những đồng tiền này, tôi dồn được 30 triệu đồng và tự nhủ không được dùng đến nó vào việc cá nhân nên đã đi mua đất, xây nhà tình thương giúp những người lang thang, ăn xin có nơi cư ngụ. Năm 1995, sau khi xây xong ngôi nhà tình thương trên diện tích 2 ha đất nông nghiệp, tôi mời đại diện UBND xã Quảng Sơn đến để bàn giao cơ sở cho địa phương quản lý nhưng vì lý do cơ chế, địa phương không thể tiếp nhận, nên tôi đành phải quản lý. Có lẽ đây là duyên nợ của mình”, ông Châu tâm sự.
Ông kể, sau khi ngôi nhà tình thương đi vào hoạt động, có những người bất hạnh do không ai nuôi tự tìm đến, có người được người nhà đưa đến trước cổng rồi bỏ đi… ông luôn rộng tay đón nhận những số phận bất hạnh đó. “Khi họ vào trung tâm, trên người không có giấy tờ tùy thân nên ngành chức năng không thể hỗ trợ chế độ trợ cấp cho họ. Bởi vậy, sau khi tiếp nhận, tôi phải đặt tên cho họ theo từng câu ca dao, như: Bầu, Ơi, Thương, Lấy, Bí, Cùng…, để tiện xưng hô”, ông Châu nói và cho biết các “học viên” ở đây khi qua đời được tổ chức mai táng, chôn cất, xây mộ tại nghĩa trang thôn La Vang.

tin liên quan

Cần quản lý tốt người bệnh tâm thần ở cộng đồng
Hiện nay thỉnh thoảng đi ra đường phố chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người tâm thần đi lang thang. Nguy hiểm hơn là khi họ có những hành vi gây cản trở giao thông, đánh, ném đá, quát tháo… khiến nhiều người xung quanh phải dè chừng, khiếp sợ.
Để lo cơm ăn, thuốc uống hằng ngày cho 60 người tại trung tâm, ngoài công việc pha chế nước rửa chén đem đi bỏ mối ở các chợ, làm đại lý gạo, ông Châu còn phải tổ chức sản xuất trên 2 ha đất, chăn nuôi heo, gà, cá... để cải thiện đời sống. “Những lúc khó khăn, tưởng chừng như phải đầu hàng với duyên nợ của mình thì được các nhà hảo tâm, các đoàn công tác từ thiện... đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực giúp tôi duy trì hoạt động”, ông Châu nói.
Hiện ông Trần Châu vẫn đang tiếp tục hành trình cơ duyên của mình. Phía sau ông là 60 con người đang cần được tiếp tục cưu mang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.