Người xây 'tổ yến' cho hàng không

31/01/2017 13:33 GMT+7

Khi quyết định thành lập Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh, Bộ Giao thông vận tải đã mạnh mẽ mở cửa cho tư nhân tham gia lĩnh vực này.

Và mô hình nhà ga mang vẻ đẹp của chiếc tổ yến, sản phẩm quý giá có tính lịch sử cùng giá trị biểu tượng cho vùng đất Khánh Hòa, minh chứng cho tâm huyết của “người đi mở đường bay” Johnathan Hạnh Nguyễn.
Những ai có mặt trong buổi lễ khởi công nhà ga “tổ yến” hồi đầu tháng 9.2016 ở Cam Ranh, có lẽ sẽ khó quên hình ảnh cùng những chia sẻ của ông Hạnh Nguyễn. Từ trưa hôm trước, cả gia đình ông cùng những thành viên chủ chốt của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã có mặt ở đây để chuẩn bị mọi thứ và tiếp đón bạn bè, quan khách.
Mặc dù con số 4.000 tỉ đồng đầu tư cho “tổ yến” là sự chung tay của 6 cổ đông sáng lập, trong đó có “ông lớn” Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, có VietJet và Công ty cổ phần giao nhận hàng hóa Nasco, nhưng Tập đoàn Liên Thái Bình Dương và dấu ấn cá nhân ông Hạnh Nguyễn luôn nổi bật.
“Thường thì tôi phát biểu chay, nhưng hôm nay có quan khách, bà xã nói phải chuẩn bị giấy tờ cho đàng hoàng”, ông Hạnh Nguyễn mở đầu “cột mốc đáng nhớ” như vậy. Tất nhiên ai cũng hiểu, khi nghi thức khởi công được bắt đầu cũng chính là lúc các nhà đầu tư chắp cánh cho giấc mơ bay của ngành hàng không Việt Nam vươn xa, khẳng định quyết tâm đưa sân bay quốc tế Cam Ranh chiếm giữ vị thế quan trọng, không hề thua kém các mô hình sân bay hiện đại nào trong khu vực về tầm nhìn khai thác hiệu quả cũng như tiện ích đẳng cấp.
“Là một người con sinh ra tại Nha Trang, có cơ duyên lập nghiệp và thành công trong lĩnh vực hàng không, nên tôi cùng các nhà đầu tư và các đối tác luôn trăn trở, không gì hơn là đem đến những công trình chất lượng và mang tính biểu tượng cho vùng đất này, góp sức, gia tăng sức mạnh và niềm tin để cho ngành hàng không ghi dấu ấn mạnh mẽ trong mắt du khách cũng như các nhà đầu tư quốc tế.
Dự án này cũng là một trong những cống hiến và việc làm thiết thực của tôi hướng về Tổ quốc nói chung và quê hương Khánh Hòa nói riêng”, ông Hạnh Nguyễn khẳng định.
Hết bài diễn văn, ông “vua hàng hiệu” lại “xin ít phút” vì “cũng phải nói tâm tư thôi, không nói không được”. Và ông tiếp tục: “Tôi là dân Nha Trang, đã về đây 31 năm và đã xây dựng những công trình đầu tiên ở Nha Trang. Và
30 năm sau, cũng tại mảnh đất này, chúng tôi cố gắng để làm sao có một sân bay, tuy là tỉnh lẻ, nhưng sẽ xứng tầm thế giới để vươn ra xa. Mong ước sân bay này sẽ đạt tiêu chuẩn bốn sao cộng. Sẽ là khởi đầu của công ty cổ phần đầu tiên do tư nhân tham gia sáng lập, để góp sức phát triển nền kinh tế đất nước”.
Nhưng có lẽ, chính những chia sẻ trong “ít phút xin thêm” ấy lại trở nên quý giá vô cùng, vì nó đã kéo người ta ngược dòng thời gian về bối cảnh Nha Trang 31 năm trước, và hiểu rằng ông Việt kiều có mặt từ những năm gian khó ấy vẫn đang đi tiếp ước mơ của mình.
Từ một nhà kinh doanh cắn răng chịu lỗ, thậm chí bất chấp nguy hiểm tính mạng để giúp ngành hàng không Việt Nam mở đường bay đầu tiên đến Philippines vươn ra thế giới, phá thế cấm vận, đến nay ông lại tiếp tục góp công “nâng cao chất lượng dịch vụ mặt đất”, nơi vốn đang quá tải và bị kêu ca than phiền nhiều nhất.
Khác chăng là giờ đây, sau mấy mươi năm trở về thì ông không còn đơn độc nữa. Cùng với chính sách thông thoáng của nhà nước, tầm nhìn chiến lược của Chính phủ và sự cởi mở trên tinh thần “tạo mọi điều kiện thuận lợi” của chính quyền, ông còn thu hút sự chung tay của bạn bè, đối tác.
Hai người con trai từ Mỹ theo cha “ngược dòng” về quê nội từng bị sốt xuất huyết hành hạ, may mắn thoát chết nhờ sáng kiến “chà chanh” của thầy thuốc Nha Trang năm nào trong câu chuyện đời đầy nước mắt của ông, nay cũng đều là những doanh nhân toàn cầu và tiếp tục đứng bên cạnh cha.
Rồi bà Thủy Tiên, khi trở thành “hậu cung” cũng nhanh chóng đồng hành với chồng trên những ý tưởng lớn. Không phải ngẫu nhiên khi mới đây, cùng với chồng, nữ doanh nhân này đã lọt vào top 500 người có ảnh hưởng đến nền công nghiệp thời trang thế giới do một tạp chí quốc tế bình chọn.
Phối cảnh nhà ga quốc tế Cam Ranh
“Thật sự mà nói, những nơi nào khách nhiều thì mới làm được. Còn nếu vắng khách, muốn làm lên đẳng cấp cao cũng khó thu hồi vốn. Phải tính làm sao để khách du lịch nói chung và bất cứ ai đi máy bay cũng hài lòng.
Như Singapore, người ta phải đi ra sân bay sớm để mua sắm. Phải có nhiều dịch vụ, ai thích mình chiều thì mới thu được nguồn lợi. Mình đi nước ngoài thèm phở, cũng có chỗ cho mình ăn. Thì người nước ngoài đến đây, thèm những món ăn của họ, mình phục vụ tốt là họ thích thôi”, phương châm phục vụ ấy, như bà Thủy Tiên chia sẻ, chắc cũng không phải là quá khó đối với bất cứ những người nào tâm huyết.
Và chúng tôi tin, trong tương lai không xa khi cả 3 giai đoạn của dự án được hoàn thành và đưa vào hoạt động, nhà ga Cam Ranh không chỉ đủ năng lực đón 8 triệu lượt khách mỗi năm như thiết kế mà sẽ còn để lại ấn tượng đẹp cho bất cứ ai đặt chân đến nơi này.
Phát biểu tại sự kiện được coi là cột mốc đáng nhớ này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật nhìn nhận, những năm qua ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng, đặc biệt từ năm 2015 lượng khách qua các cảng đã tăng rất mạnh và hầu hết đã vượt công suất quy hoạch. Riêng Cam Ranh, quy hoạch là 2,5 triệu thì đã đạt tới 2,7 triệu lượt khách. Chính vì vậy ông Nhật cho rằng việc đầu tư nâng cấp cảng hàng không quốc tế Cam Ranh “là phải rất khẩn cấp”.
Thông tin từ lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho thấy, từ khi cụm cảng hàng không miền Trung tiếp nhận sân bay Cam Ranh và đưa vào khai thác thương mại (tháng 7.2004) đến nay, tuy điều kiện còn khó khăn, nhưng luôn là một trong những nơi có lượng khách lớn trong toàn quốc, thậm chí quý 2/2016  tăng 273% so với cùng kỳ 2015. Riêng 8 tháng năm 2016 đã tiếp gần 3,4 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến trực tiếp. Được sự đồng ý của Thủ tướng, tỉnh Khánh Hòa đã quyết định đầu tư và đang tổ chức thi công xây mới đường cất hạ cánh số 2, với chiều dài 3.048 m, rộng 45 m. Các đường lăn, sân đỗ và các hạng mục công trình phụ trợ cũng được cải tạo để đón các tàu bay cỡ lớn, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Rút kinh nghiệm sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay Đà Nẵng và một số sân bay trên toàn quốc, việc mở rộng hiện rất khó khăn, cũng như việc kết nối giao thông từ sân bay ra ngoài hết sức phức tạp, Bộ Giao thông vận tải cũng đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa phải lập quy hoạch tổng thể phát triển, đặc biệt là kết nối giao thông ngoài sân bay, để giữ quỹ đất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.