Nguy hiểm mưu sinh ngày giáp Tết

08/01/2011 15:04 GMT+7

Càng gần Tết, gánh mưu sinh càng nặng hơn. Nhiều người chấp nhận lao vào nghề nguy hiểm.

Người nhện ở Sài Gòn

Trong bộ quần áo bạc phếch, hai cha con Trần Văn Toàn và Trần Văn Năng lặng lẽ bấm thang máy lên tầng thượng của một tòa nhà chọc trời ở trung tâm quận 1. Quê Quảng Xương, Thanh Hóa, cả gia đình ông Toàn dắt díu vào Nam lập nghiệp. Hai cha con xin vào làm ở một công ty dịch vụ vệ sinh nhà cửa, văn phòng. Ban đầu chỉ bưng bê, dọn chuyển đồ. Lương lậu phập phù, thấy bộ phận vệ sinh cao ốc trả lương cao, hai cha con chuyển sang làm, đến nay gần 5 năm. Bám theo sợi dây thả xuống từ tầng thượng, hai cái bóng áo xanh phất phơ lưng trời, tỉ mẩn lau chùi từng mét vuông kính.

Gặp những chỗ ngoài tầm với, chiếc áo xanh lại nhẹ nhàng nhún chân, cả người và dây đong đưa qua lại như nhện đu tơ. Cả một ngày trời, không biết bao nhiêu lần lên xuống tầng thượng, hai cha con ông Toàn chỉ lau được mấy chục mét vuông.

Ngày xưa đi phụ hồ ông Trần Văn Toàn còn hay rượu, giờ chuyển qua công việc này thì không đụng đến một giọt. Đu mình trên cao hàng chục mét, chỉ sơ sẩy hoặc mất tập trung là tai họa ngay. Lúc đầu vào nghề còn chưa quen, từ tầng cao nhìn xuống hoa cả mắt. Đêm về đầu cứ ong ong, riết rồi cũng quen. Ông Toàn cho biết, lúc nộp đơn tuyển người ta chọn lọc rất kỹ càng. Chỉ cần có vấn đề gì về tâm lý, huyết áp hoặc dễ say nắng cảm gió là bị loại ngay.

Đánh đu tính mạng

Tại đường Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội), chúng tôi gặp anh Trần Quang Vịnh lơ lửng trên sợi dây ở tầng 2 lau biển quảng cáo cho một ngân hàng. Anh Vịnh nói, thời điểm này ở quê chẳng biết làm gì, cày cấy xong là lên thành phố tìm việc. Bình thường lao động một ngày cũng kiếm được 100.000 đến 150.000 đồng, gặp khách “xộp” thì được 200.000 đồng. Song cũng có ngày đứng chờ ở đầu đường cả ngày cũng không có ai thuê.

Anh Vịnh nói, nếu lau cửa kính ở những tòa nhà cao thì phải có người phụ giúp dây thang, nước, chổi lau. Người làm phụ, chỉ nhận tiền công bằng một nửa thợ chính. “Trước đây, leo lên tòa nhà có độ cao 13, 14 tầng thì sợ lắm, song làm nhiều, dần dần cũng quen, nghề này cũng chẳng ai đào tạo, làm phụ cho người khác, rồi làm theo”, anh Vịnh nói.

Ông Trần Văn Toàn tâm sự, ớn nhất là lúc trở trời, mưa gió thất thường. Lúc gió mạnh, cả người và dây lắc lư, phải ép người chặt vào mặt tường, mặt kính. Hoặc khi trời đang nắng bỗng mưa. Làm nghề này, “ai cũng tự giác mua bảo hiểm nhân thọ cho mình, lỡ may có chuyện gì thì vợ con ở nhà cũng được nhờ”, ông Toàn tếu táo.

Dẫu nói mạnh miệng là vậy nhưng ông Toàn và cậu con trai đều biết rằng, nếu có chuyện gì xảy ra với hai người thì bà vợ và ba đứa con nhỏ đang cắp sách tới trường phải gánh hết. Một tháng lương thưởng của hai cha con cũng được gần chục triệu, dù không thể gọi là dư giả ở mảnh đất Sài Gòn này nhưng cũng đủ khéo giật gấu vá vai lo bữa ăn qua ngày.

Những ngày đầu xuân, giáp Tết, lượng khách hàng tăng vọt. Hàng ngàn tòa nhà, cao ốc văn phòng đều muốn bóng loáng, hào nhoáng hơn để đón chào năm mới. Hai cha con ông lại đu mình hết ngày này qua ngày khác, kiếm thêm đồng vào đồng ra sắm Tết.

Cũng lặng lẽ làm đẹp phố phường, chị Nguyễn Thị Hòa, quê ở tận miền núi Bá Thước, Thanh Hóa làm nghề quét vôi, sơn sửa cột tiêu, cột cây số, biển báo chỉ đường… Hằng ngày, mặc cho hàng vạn xe vù vù băng qua, chị vẫn cặm cụi với công việc.

“Ngày trước cũng đã có trường hợp người đang sơn cột mốc, bị mấy đứa đua xe tông vào. Cột mốc mà còn gãy thì người sống sao nổi nữa. Mấy ngày cuối năm người đi lại nhiều, dù mệt và cực lắm nhưng cũng phải tăng thêm buổi để làm việc. Càng nhiều người tham gia giao thông thì đường sá, biển báo càng phải sạch đẹp, rõ ràng”, chị Hòa nói. 

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.