'Nhà khoa học chân đất': Muốn sáng chế những sản phẩm tốt hơn

Sau những thành công nhất định, các “nhà khoa học chân đất” cho biết họ sẽ không dừng lại, mà tiếp tục sáng chế ra những sản phẩm hữu ích, hoàn thiện hơn nếu được hỗ trợ từ các cơ quan chức năng.

Trả lời Thanh Niên, ông Bùi Hiển (62 tuổi, ngụ Bình Dương) cho biết bằng sự đam mê, tâm huyết, bắt đầu từ năm 2010 ông đã nghiên cứu mẫu máy bay đồng trục. Qua nhiều lần thử nghiệm thất bại, đến nay ông chế tạo được 2 chiếc trực thăng tạm gọi là bay được.
Trong thời gian khoảng 6 năm miệt mài, nghiên cứu, chế tạo và tự bỏ chi phí để mua sắm phụ tùng, máy móc hơn 660 triệu đồng (chiếc trực thăng thứ nhất của ông Hiển có chi phí khoảng 200 triệu đồng).
VIDEO: Trực thăng của ông Bùi Hiển cất cánh
Ngày 13.9 vừa qua, ông chính thức công bố một số clip tự quay chứng minh chiếc trực thăng thế hệ thứ 2 mang tên “Giấc mơ” đã cất cánh cao so với mặt đất trên 1 m. Cơ quan chức năng địa phương cũng “dọa” sẽ xử phạt nếu ông Hiển tiếp tục cho bay thử mà chưa xin phép.
“Từ việc nghiên cứu, lắp ráp, chế tạo đến kinh phí bỏ ra để mua sắm thiết bị… tôi tự lo. Tôi chỉ mong cơ quan chức năng cho phép nhập khẩu một số linh kiện máy bay ở nước ngoài để chiếc trực thăng có đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật và hệ số an toàn bay.
Các nhà khoa học và tổ chức khoa học hướng dẫn giúp đỡ tôi trong việc làm hồ sơ để đăng ký bản quyền xin phép bay thử nghiệm, tập bay trước khi thử nghiệm”, ông Hiển tha thiết đề nghị.
Trong thời gian tới, ông Hiển cho biết nếu được nhà nước chấp thuận sẽ tự kêu gọi đầu tư để thực hiện dự án phát triển sản xuất máy bay siêu nhẹ để phục vụ cho nông, lâm, ngư nghiệp; chữa cháy…
Trong khi đó, ông Trần Quốc Hải (56 tuổi, ngụ xã Suối Dây, H.Tân Châu, Tây Ninh), một “kỹ sư chân đất” khác từng chế tạo máy bay và nhiều loại máy phục vụ nông nghiệp, thông báo thêm một tin vui vừa thử nghiệm thành công dàn máy quy trình trồng đậu hoàn toàn mới. Dàn máy có thể làm toàn bộ các quy trình trồng các loại họ đậu gồm: lên rò, trồng, tỉa, bón phân, xịt thuốc… và chỉ cần 1 người điều khiển là có thể canh tác trên 100 ha.
Từ năm 2012, doanh nhân “quê lúa” Thái Bình Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa, bắt đầu thực hiện dự án chế tạo tàu ngầm mi-ni Trường Sa 01. Vốn ít, ông chắt chiu từng đồng để làm từng bộ phận, mua từng thứ thiết bị… khiến ngay người thân cũng nghi ngờ, nghĩ ông hoang tưởng hoặc chơi ngông. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là dự án này không được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng ủng hộ.
Sau khi bỏ tiền túi để hoàn thành chế tạo tàu ngầm mini Trường Sa 01, ông Hòa bước vào thực hiện chế tạo tàu ngầm mini Hoàng Sa chở được 1 người, nặng 9 tấn, dài 7 m và có thể lặn sâu 50 m, được trang bị hệ thống thông tin liên lạc, cảnh báo chướng ngại vật phía trước... Việc thử nghiệm tàu Hoàng Sa trên biển thành công trở thành động lực mang tính quyết định với ông Hòa.
“Đại diện Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và nhiều cơ quan chức năng, trong đó có những cơ quan đã từng nghi ngờ dự án đã tận mắt thấy tàu thử nghiệm thành công. Bây giờ tôi được ủng hộ tuyệt đối”, ông Hòa cho biết.
Từ đầu năm 2016, doanh nhân này bắt đầu chế tạo tàu ngầm Trường Sa 02 với mục tiêu lớn hơn là chở được 6 người, lặn sâu đến 200 m và đi được ít nhất 500 m dưới biển...
Hỗ trợ để biến “mầm” thành “cây”
Theo PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, VN đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng trước đó chúng ta là một nước nông nghiệp lạc hậu. Trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước có một quá trình chuyển biến từ thủ công sang cơ khí.
Trong quá trình này, ngoài nòng cốt là giới khoa học, các nhà nghiên cứu, thì trong cộng đồng xã hội có sự xuất hiện, tham gia đóng góp nghiên cứu sản phẩm sáng tạo của khá nhiều người dân bình thường mà chúng ta hay gọi nôm na là những “nhà khoa học chân đất”. Sản phẩm sáng tạo của cộng đồng, của người nông dân, công nhân tự tìm tòi nghiên cứu tạo ra luôn cần chính sách hỗ trợ thiết thực của nhà nước, sự đồng hành thực chất của hiệp hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội...
Chúng ta phải xem sự hỗ trợ đó như là một chiến lược ươm mầm tinh thần sáng tạo để có thể biến “mầm” thành “cây” để có thể cho quả ngọt, đừng bao giờ nghĩ những sản phẩm sáng tạo của các “nhà khoa học chân đất” là viển vông rồi bỏ qua. Chẳng hạn như sản phẩm sáng tạo tàu ngầm mini, máy bay trực thăng…, nếu như so sánh với sản phẩm cùng chủng loại đã hoàn thiện theo công nghệ cao của các nước phát triển thì nó còn nhiều hạn chế, nhưng những sản phẩm “made in VN” đó vẫn rất có giá trị ở tinh thần sáng tạo.
Các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học hoàn toàn có thể tìm đến cộng tác, hỗ trợ thêm về chuyên môn để nâng chất sản phẩm, thử nghiệm và hoàn thiện tốt hơn. Đất nước mình rất cần sự sáng tạo, do vậy mà từ chủ trương đến các chính sách cụ thể phải có sự hỗ trợ thực chất, bảo đảm cho sự sáng tạo được thừa nhận.
Tân Phú ghi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.