Nhà máy bỏ hoang 3 năm vì bị dân phong tỏa

11/10/2017 08:42 GMT+7

Đã 3 năm qua, Nhà máy luyện gang Vạn Lợi (xã An Hồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) không thể hoạt động vì bị người dân đổ đất đá, lập chốt phong tỏa mọi lối ra vào.

Dân lập chòi "canh gác"
Để vào Nhà máy luyện gang Vạn Lợi rất khó khăn, do 2 lối vào ở hai thôn Phạm Dùng và Khánh Thị thuộc xã An Hồng (huyện An Dương) đều bị các đống đất đá bịt kín. Cạnh đó là 2 chòi canh được người dân dựng bằng tre và vải bạt, án ngữ từ tháng 5.2014. Chỉ tay vào tấm băng rôn có dòng chữ: “Nhân dân xã An Hồng quyết tâm bảo vệ môi trường” đã bạc vì bụi, một người phụ nữ bịt khẩu trang kín mít nói: “Không vào được nhà máy đâu”.
Trong chòi canh, bà Trương Thị Mận (77 tuổi, ngụ đội 3, thôn Phạm Dùng) nằm dài xem ti vi. Bà Mận được người dân phân công trực ca sáng. Đến đêm sẽ có 2 người đàn ông khác ra trông. “Tất cả đều ăn ngủ tại chòi, có động là chúng tôi gọi điện, đánh kẻng ngay. Người lạ như chú về đây thế này thì kiểu họ cũng kéo ra bây giờ”, bà Mận vừa dứt lời thì 4 - 5 người khác đã đến. “Nhà báo à? Nhiều nhà báo về lắm rồi, không giải quyết được gì đâu”, một phụ nữ đứng tuổi hùng hổ vặn hỏi.
“Thẻ đâu, báo với xã chưa. Vớ vẩn là chúng tôi đốt xe. May mà anh về tầm trưa đấy. Về buổi chiều thì hàng trăm người ra quây”, một người đàn ông khác “dọa”.
Sau một hồi giải thích, những người dân mới bớt căng thẳng và “tố” với chúng tôi đủ thứ về Nhà máy luyện gang Vạn Lợi. “Họ làm ô nhiễm môi trường, tầm tuổi tôi có hơn chục người chết vì ung thư rồi. Chúng tôi phải đấu tranh vì con cháu”, bà Mận nói. “Thế nhưng, mấy năm nay họ có hoạt động đâu, sao người dân mình vẫn chặn?”. “Phải chặn chứ, sểnh ra là họ lại làm ngay. Bao giờ nhà máy này di dời đi chỗ khác hoặc chuyển đổi thì chúng tôi mới thôi”, nhiều người đồng thanh nói.
Doanh nghiệp thiệt hại nặng nề
Theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà máy luyện gang Vạn Lợi thuộc Công ty TNHH Vạn Lợi, đi vào hoạt động từ năm 2009 tại xã An Hồng (huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) với khoảng 1.000 lao động, có giá trị đầu tư 1.700 tỉ đồng. Do nhà máy xây gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, nên bị người dân phản đối từ nhiều năm qua. Đỉnh điểm là ngày 4.5.2014, người dân 2 làng nêu trên đã đổ đất đá chặn 2 lối ra vào nhà máy và canh giữ cho đến nay. Hiện nhà máy này hoang hóa như một phế tích. Cây cối mọc um tùm, hệ thống máy móc thiết bị đang rỉ sét, nằm im lìm giữa mưa nắng.
“Cả nhà máy giờ chỉ có 7 người, gồm 1 quản lý và 6 bảo vệ. Sáng có 3 người, đêm 3 người thay nhau trực bảo vệ. Trộm vào nhiều lắm. Mới tối hôm 2.10, chúng trèo vào nhà máy. Bị chúng tôi phát hiện, xua đuổi họ còn lấy đá ném lại, suýt trúng đầu”, ông Phạm Xuân Ngạn, một trong số các bảo vệ cho biết.
“Điều rất vô lý là chúng tôi không hoạt động gì mà cũng bị bà con vây chặn. Việc ra vào vô cùng khó khăn. Mới đây, khi nhà máy định vận chuyển 2.100 tấn tinh quặng sắt và 1.000 tấn than ra ngoài để bán lấy tiền trả nợ ngân hàng, người dân cũng kéo đến ngăn cản. Một số người còn định đổ xăng đốt máy xúc khi chúng tôi dọn vật cản tại cổng nhà máy để xe có thể vào chở hàng”, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vạn Lợi, cho biết.
Theo ông Hùng, khi xảy ra sự cố gây ô nhiễm, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã 3 lần về kiểm tra đánh giá thiết bị của nhà máy và đã có công văn gửi UBND thành phố Hải Phòng tạo điều kiện cho nhà máy thực hiện các hoạt động cải tiến, sửa chữa thiết bị, công nghệ rồi tiến hành chạy thử trong 3 tháng để đánh giá tác động.
Tháng 4.2016, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng có đã có văn bản yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng xem xét giải quyết việc người dân dựng lều bạt, đổ đất đá phong tỏa nhà máy, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được xử lý. “Việc có trở lại hoạt động tiếp hay không chưa bàn tới. Nhưng chúng tôi được quyền ra vào nhà máy và không thể bị cản trở những việc không ảnh hưởng tới môi trường”, ông Hùng bức xúc nói.
Trao đổi với Thanh Niên về hành vi của người dân, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã An Hồng, khẳng định là “chưa phù hợp với pháp luật”. “Chúng tôi đã có hơn 30 cuộc họp đối thoại với dân và doanh nghiệp rồi mà bà con chưa chịu”, ông Sơn cho biết. Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện An Dương (thành phố Hải Phòng), cho biết đã giao cho một Phó chủ tịch UBND huyện là ông Lê Văn Cường chủ trì công tác vận động người dân, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.