Nhập viện sau khi ăn cá nục kho và uống thuốc hen suyễn

27/04/2016 16:40 GMT+7

Các bác sĩ chưa xác định được bệnh nhân ở Nghệ An bị lở loét miệng, nổi ban khắp người sau khi ăn cá và uống thuốc hen suyễn là do bị dị ứng vì thực phẩm bẩn hay thuốc tân dược.

Sáng 27.4, bác sĩ Lưu Đình Bình, Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết, sau 5 ngày điều trị, hiện sức khỏe của bệnh nhân bị dị ứng nặng Trương Như La (51 tuổi, trú tại khối Châu Hùng, phường Vinh Tân, thành phố Vinh) đã phục hồi, các chỉ số sinh tồn tốt, các vết ban mờ dần.
Trước đó, khoảng 1 giờ 30 phút ngày 22.4, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa thành phố Vinh tiếp nhận bệnh nhân La trong tình trạng người nổi ban đỏ, ngứa, miệng bị lở loét và sưng phù, không nói và không nuốt được. 
Bệnh nhân La bị lở loét ở miệng, mặt và cổ sưng phù, nổi ban khắp người Ảnh: Phạm Đức
Từ những triệu chứng lâm sàng và khai thác thông tin từ người nhà, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân La bị dị ứng, không phải bị ngộ độc thực phẩm, nên truyền dịch để đẩy các độc tố ra ngoài.
Bà Lê Thị Mơ (44 tuổi, vợ ông La) cho biết, chiều 20.4, bà đi chợ mua 5 con cá nục nướng về kho. Trong bữa cơm tối, bà Mơ và 3 người con ăn hết 3 con cá mà không có biểu hiện bất thường nào. Ông La không ăn tối cùng gia đình. 
“Đến khoảng 12 giờ đêm, thấy chồng dậy ăn cơm nên tôi cũng dậy theo. Khi ông ấy ăn xong bát cơm với một ít cá nục tôi kho lúc chiều, thì kêu nóng miệng nên tôi lấy nước cho uống. Sau đó, chồng tôi uống thuốc hen suyễn thường ngày vẫn hay dùng rồi lên giường nằm ngủ”, bà Mơ nói. Đến sáng 21.4, vùng mặt, cổ của ông La bị sưng phù, nổi ban dày đặc khắp người, phía trong miệng và môi lở loét nên gia đình đưa ông đến một cơ sở tư nhân truyền dịch, rồi về nhà. Chiều cùng ngày, một bác sĩ là người thân của gia đình đến khám, cho rằng ông La bị dị ứng do nhiễm độc nên tiêm một mũi và cho ông uống thuốc chống phù nề.
Sau 5 ngày điều trị, sức khỏe ông La đã tiến triển tốt Ảnh: Phạm Đức
“Rạng sáng 22.4, chồng tôi kêu khó thở, tức ngực, miệng đau rát và lở loét, không nói được, cổ họng đau không nuốt được, các vết ban dày đặc lan từ đầu xuống chân nên gia đình đưa xuống bệnh viện cấp cứu”, bà Mơ nói.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lưu Đình Bình cho biết: “Bệnh nhân La chưa có tiền sử bị dị ứng, nhưng có tiền sử bị bệnh hen suyễn. Người nhà cho biết, sau khi ăn cơm với cá và uống thuốc hen suyễn thì bệnh nhân có các triệu chứng trên. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thể khẳng định được là bệnh nhân bị dị ứng do thực phẩm bẩn hay dị ứng do thuốc tân dược”, bác sĩ Bình nói.

Ăn gì để giảm triệu chứng dị ứng?

Hắt hơi, nghẹt mũi, chảy mũi… là những triệu chứng dị ứng theo mùa vốn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Làm gì để giảm các triệu chứng này?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.