Bi hài chuyện khắc tên trên hiện vật công đức

02/04/2015 10:13 GMT+7

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình suýt 'chết đứng' khi thấy một lư hương tại chùa Cầu Cá, P.Ngọc Lâm, Q.Long Biên (Hà Nội) có khắc rõ ràng tên từng người cúng tiến.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình suýt “chết đứng” khi thấy một lư hương tại chùa Cầu Cá, P.Ngọc Lâm, Q.Long Biên (Hà Nội) có khắc rõ ràng tên từng người cúng tiến. 

Tên người công đức được khắc trên chiếc lư hương tại chùa Cầu Cá, P.Ngọc Lâm, Q.Long Biên gây phản cảm Tên người công đức được khắc trên chiếc lư hương tại chùa Cầu Cá, P.Ngọc Lâm, Q.Long Biên gây phản cảm - Ảnh: Bình Nguyễn
Lư hương được đặt ngay trước chính điện chùa này. Trên lư, hàng chữ nổi khá rõ tên những phật tử công đức. Ông Bình nhận xét: “Mọi người sẽ đứng thắp hương, cúi lậy tên cả nhà tín chủ trước khi vào lễ Phật”. Với vị trí “đắc địa” ngay trước chính điện như vậy, lư hương là nơi người đến lễ thường dâng hương. “Tôi thấy trường hợp này hao hao giống việc nhiều chùa tự dưng đi lập bia ghi tên người công đức. Người dân thấy có bia liền cắm hương bên cạnh. Thành thử, họ đang thắp hương người sống”, một nhà nghiên cứu chia sẻ.
Nhà nghiên cứu nói trên cũng cho rằng, khi cúng tiến nhiều phật tử cũng muốn được ghi tên mình. “Tuy nhiên, việc ghi tên người công đức nên được thực hiện sao cho đừng phản cảm. Chẳng hạn, trường hợp này, người công đức ghi rõ tên trên lư hương không chỉ bị thắp hương, mà có thể bị người ta chê cười. Chưa kể, có người sẽ còn phản ứng vì sao mình phải cúi lạy dòng tên đó”, ông nói.
“Trong quá trình thanh tra nhiều di tích, chúng tôi gặp nhiều trường hợp ghi tên công đức khá phản cảm”, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL nói. Theo ông Phúc, có việc tên người công đức được ghi quá to, quá rõ trên hạng mục họ góp tiền xây dựng. Những trường hợp như thế, thanh tra đều có nhắc nhở cơ sở thờ tự ngay lập tức.
PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, cho rằng một số hành vi văn hóa chưa chuẩn như vậy sẽ cần được chuẩn hóa dần với sự tuyên truyền của chính cơ sở thờ tự. “Chúng ta đã bị đứt gãy văn hóa thờ cúng trong một thời gian. Thêm vào đó, thời gian gần đây, khi quay trở lại, nó cũng bị ảnh hưởng vì các thang giá trị chưa chuẩn, chẳng hạn như sự phô trương. Nếu cơ sở thờ tự và nhà quản lý không chú ý sát sao chuyện này thì những lư hương như vậy sẽ còn xuất hiện nhiều”, ông nói.
Trao đổi với Thanh Niên về sự việc này, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, khẳng định: “Tiếp nhận hiện vật như thế là không đúng rồi. Cái đó là phải di dời thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.