Bịt cửa thoát hiểm để giữ an ninh

10/04/2013 09:05 GMT+7

(TNO) Nhiều năm nay, gần 50 hộ dân chung cư N09 (P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) nơm nớp lo sợ vì đường thoát hiểm của tòa nhà bị xây bịt kín.

(TNO) Nhiều năm nay, gần 50 hộ dân chung cư N09 (P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) nơm nớp lo sợ vì đường thoát hiểm của tòa nhà bị xây bịt kín.

Theo phản ảnh của ông Nguyễn Văn Thanh, cư dân sống tại tòa nhà N09 (Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 36-Handico 36), ngay khi chuyển về, các hộ dân đã phát hiện tại đây có nhiều sai phạm so với thiết kế. Cụ thể, 3 khu để xe rộng hơn 700 m2 ở tầng 1 đã bị cắt 2/3 để cho thuê. Handico 36 còn ngăn tầng 1 thành 2 phần khiến cư dân phải đi cửa sau. Nghiêm trọng hơn, bức tường này đã bịt kín đường thoát hiểm phía trước tòa nhà.

“Nếu có sự cố chúng tôi khó thoát được vì cửa luôn đóng chặt, khóa đã hoen gỉ, có chìa cũng chưa chắc đã mở được. Lối thoát duy nhất là đường đi ra đi vào thường ngày hoặc… nhảy từ ban công xuống”, ông Thanh nói.

Chung cư N09 với nhiều vấn đề gây bức xúc
Chung cư N09 với nhiều vấn đề gây bức xúc - Ảnh: Lê Quân

Handico 36 còn cơi nới tầng chống nóng thành phòng làm việc. Hằng ngày, nhân viên, khách hàng ra vào gây ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân, an ninh, nơi giữ xe chật chội... khiến người dân bức xúc. Đơn vị này cũng chưa bàn giao hồ sơ dự án cho cư dân sau hơn 6 năm hoàn thiện, trong khi các hạng mục như máy phát điện, máy bơm nước… chưa được đầu tư.

“Thang máy mà không khác gì trong hầm tối vì chẳng có đèn nhưng chúng tôi muốn tự thuê người đến bảo dưỡng cũng không được vì không có hồ sơ hoàn công nên không thể làm, nhỡ có sự cố, tai nạn thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”, một người dân lo sợ. Ngoài ra, sân chơi chung cũng bị Handico 36 xây 5 gara để xe ô tô dù vị trí này là bồn hoa theo thiết kế.

Theo ông Trịnh Văn Tính, Phó giám đốc Handico 36, việc cơi nới tầng 10 vốn là tầng chống nóng vì thiếu chỗ làm việc cho nhân viên. Cũng theo ông Tính, do ban đầu có ít người đến ở nên ít xe gửi, do đó Handico 36 đã xây tường ngăn để cho thuê một phần tầng trệt.

Về lối thoát hiểm đã bị bịt, ông Tính cho rằng, khi có sự cố, bảo vệ sẽ báo động để người dân… chạy vì “cháy nổ không thể bùng lớn ngay nên người dân vẫn có thể kịp chạy thoát”. Handico 36 phải khóa cửa vì sợ kẻ gian đột nhập, mặt khác, nếu đập bỏ bức tường sẽ cần có thêm bảo vệ, cần có kinh phí, khi đó người dân sẽ phải đóng thêm phí dịch vụ. "Còn việc xây 5 gara là vì thấy không ảnh hưởng đến ai”, ông Tính nói.

Riêng việc bảo dưỡng thang máy, ông Tính cho biết vì thiếu kinh phí, do một số hộ dân không đóng phí dịch vụ. Phó giám đốc Handico 36 cũng cho biết không biết khi nào mới mua được máy phát điện cho tòa nhà.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó chủ tịch UBND P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy thừa nhận, thời điểm thi công công trình, đường đi rất lầy lội, khó đi, công trình bị quây kín nên chính quyền phường đã không kiểm tra kịp thời.

Khi chúng tôi đặt giả thuyết nếu xảy ra sự cố cháy nổ, cư dân biết chạy thoát bằng đường nào, ông Sơn khẳng định: “Ai làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm”. Còn phương hướng giải quyết các vấn đề của nhà chung cư N09 không thuộc thẩm quyền của phường mà phải chờ quyết định của cấp trên.

Minh Hoàng - Lê Quân

>> Ăn chặn tiền nước chung cư
>> Khởi tố vụ "chạy" suất chung cư người nghèo
>> Không ban hành giá dịch vụ nhà chung cư
>> Phí trần nhà chung cư Hà Nội có thể tăng gấp 3

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.