Bó tay với … lục bình

07/01/2015 08:00 GMT+7

Nhiều giải pháp xử lý lục bình chiếm lĩnh trên sông Vàm Cỏ Đông vẫn còn loay hoay, chưa mang lại hiệu quả.

Nhiều giải pháp xử lý lục bình chiếm lĩnh trên sông Vàm Cỏ Đông vẫn còn loay hoay, chưa mang lại hiệu quả.

Một người dân đi ghe máy “chết đứng” giữa thế trận lục bình bao phủ giữa con sông Vàm Cỏ Đông rộng lớnMột người dân đi ghe máy “chết đứng” giữa thế trận lục bình bao phủ giữa con sông Vàm Cỏ Đông rộng lớn - Ảnh: Giang Phương
Tại Tây Ninh, từ nhiều năm nay, cứ vào mùa khô thì lục bình chiếm lĩnh toàn bộ các nhánh sông và sông Vàm Cỏ Đông làm giao thông đường thủy tê liệt, đảo lộn cuộc sống người dân. Trong khi đó, giải pháp xử lý vẫn còn …mù mịt.
Vẫn phải chờ giải pháp
Theo ghi nhận của chúng tôi, vào những ngày đầu năm 2015, toàn bộ tàu ghe lưu thông đều nằm bãi chờ nhiều ngày hoặc “mắc cạn” giữa dòng sông phải nhờ lực lượng giải cứu. Lục bình đã xuất hiện trên diện rộng tại nhiều huyện có sông Vàm Cỏ Đông chảy qua gồm: Châu Thành, Hòa Thành, Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng.
Trước tình trạng lục bình chiếm lĩnh sông Vàm Cỏ Đông UBND tỉnh Tây Ninh đã liên tục có những chỉ đạo xử lý quyệt liệt. Cụ thể, ngày 27.5.2014, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, trong đó gồm các thành viên Sở TN-MT, Sở KH-CN, Sở NN-PTNN, Sở Tài chính và Chủ tịch UBND các huyện có sông Vàm Cỏ Đông chảy qua; do Phó chủ tịch tỉnh làm trưởng ban. Cuối tháng 6.2014, UBND đã có văn bản chỉ đạo Sở GT-VT, UBND các huyện thực hiện tháo dỡ cọc, chà chắn giữ lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.
Tại H.Hòa Thành, không còn cọc chà cắm giữ lục bình tại khu vực 2 xã Trường Đông và Trường Tây, riêng tại khu vực xã Long Thanh Nam vẫn còn một số hộ dân cắm chà để nuôi cá lồng bè dù không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy nhưng vẫn tạo điều kiện cho lục bình phát triển. Còn tại Bến Cầu, Gò Dầu và Trảng Bàng, đã thực hiện tháo dỡ chà hơn 50 vị trí. Tuy nhiên vẫn còn trên 36 vị trí là cọc chà của các hộ dân vãng lai không rõ địa chỉ nên chưa tuyên truyền vận động được. Trong khi đó, tại khu vực H.Châu Thành, hiện trên sông vẫn còn nhiều vị trí cắm cọc, chà đang chắn giữ lục bình. Theo Sở GT-VT, UBND H.Châu Thành đã có văn bản gửi UBND các xã nhưng đến nay chỉ dừng lại ở mức độ truyên truyền, chưa tiến hành thực hiện công tác tháo dỡ.
Trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh vừa qua, Giám đốc Sở GT-VT Bùi Công Sơn cũng thừa nhận: “Biện pháp xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông hiện nay chủ yếu là tháo dỡ cọc, chà chắn giữ lục bình để lục bình tự trôi về phía hạ lưu vào thời điểm mua mưa. Tuy nhiên, việc thực hiện xử lý vẫn chưa đồng bộ và triệt để”.
Việc xử lý lục bình được Sở GT-VT tỉnh Tây Ninh đưa ra nhiều giải pháp như giao cho Công ty Thanh Sơn trục vớt nhưng nhanh chóng gặp thất bại khi 2 bên sông toàn là khu vực nhà dân, không có bãi chứa; sản phẩm làm ra từ lục bình cũng không tiêu thụ được… Sau đó, Sở GT-VT tỉnh Tây Ninh thay đổi phương án là vừa kết hợp trục vớt vừa tiến hành căng dây chặn đẩy “đuổi” lục bình xuống hạ nguồn nhằm giảm bớt chi phí, nhưng giải pháp này lại không khả thi khi gặp thủy triều…Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, một lãnh đạo Sở GT-VT tỉnh Tây Ninh cho biết, các ngành trong tỉnh vẫn đang tìm một giải pháp khả thi nhất vì giải pháp mà tỉnh đang áp dụng lâu nay chỉ mang tính chất tình thế.
Giao người vớt lục bình, nhà nước trả công lao động
Đó là ý kiến của nhiều người dân tỉnh Tây Ninh về giải pháp xử lý vấn nạn lục bình dày đặt trên các con kênh, rạch nhánh sông Vàm Cỏ Đông. Trả lời vấn đề này, Sở GT-VT Tây Ninh cho biết, về giải pháp này Sở ghi nhận để nghiên cứu lại. Tuy nhiên, cũng theo Sở này, biện pháp này về lâu dài và cần triệt để phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu cụ thể. Hiện Sở KH-CN tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ KH-CN thực hiện đề tài cấp quốc gia về vấn đề nay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.