Bộ tượng Phật gỗ 100 năm

20/06/2013 11:06 GMT+7

Gần 1 thế kỷ qua, bộ tượng Phật được chế tác tinh xảo bằng gỗ quý vẫn được lưu giữ tại chùa Phước Thạnh (P.Thường Thạnh, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ).

Theo hòa thượng Thích Lệ Đức, Trụ trì chùa Phước Thạnh, bộ tượng ra đời vào khoảng năm 1924, cùng thời điểm ngôi chùa được trùng tu. Thời đó, nhiều địa chủ giàu có trong vùng đã đóng góp tiền của để sửa sang chùa, đồng thời rước các nghệ nhân xứ Huế vào tạo tác bộ tượng Phật bằng gỗ này.

Do thăng trầm thời gian và chiến tranh loạn lạc, đến nay chùa còn lưu giữ được 16, trong số 34 pho tượng Phật ban đầu. 2 pho tượng Phật Thích Ca và Phật Đản Sanh đã bị Pháp cướp đi, 16 pho tượng Phật A La Hán cũng bị mất.

Bộ tượng Phật gỗ 100 năm
Các bức tượng được bài trí trang trọng trên điện thờ - Ảnh: Trần Quốc Lương

Các pho tượng Phật còn lại được bài trí trang nghiêm trong chánh điện. Hàng trên cùng là bộ tượng “tam thế Phật” gồm có tượng Phật A Di Đà ở giữa và 2 tượng Quan m, Thế Chí ở hai bên. Ấn tượng nhất trong hàng này là tượng Phật A Di Đà, cao 1,5 m, ngang 1 m, nặng khoảng 500 kg đang ngồi thiền trên tòa sen, khuôn mặt an nhiên, tự tại. Hàng thứ hai là 3 pho tượng: Bồ Tát Địa Tạng cưỡi kỳ lân, La Hán Phục Hổ đạp lên lưng hổ và La Hán Hàng Long ngồi uy nghi trên lưng rồng. 4 pho tượng hàng thứ ba gồm 2 tượng ông Thiện và ông Ác đứng nghiêm trang, cùng 2 ông ngồi trên ngai ghi sổ bộ về những việc làm thiện ác, chuyện sinh tử… của con người. Ngoài ra, còn có tượng ông Tiêu Diện (chuyên coi sóc cô hồn), tượng ông Hộ Pháp (phù hộ cho chùa chiền); tượng Phật Chuẩn Đề 18 tay, mỗi tay cầm một loại pháp khí, cưỡi trên lưng chim Khổng Tước …

Hòa thượng Thích Lệ Đức cho biết khi tiếp quản ngôi chùa vào năm 2000, các pho tượng Phật không có vẻ bề ngoài như hiện nay mà được sơn toàn bộ, giống như tượng làm bằng xi măng hay đúc khuôn thạch cao. Khi biết bộ tượng được làm bằng gỗ, hòa thượng bắt tay vào khôi phục lại dáng vẻ ban đầu. Ròng rã hơn 4 tháng đã tẩy được hàng chục lớp nước sơn phủ bên ngoài, trả lại cho các pho tượng màu gỗ nguyên thủy. Đến chiêm ngưỡng sẽ thấy trên tượng còn hiện rõ từng đường vân của thớ gỗ, các đường nét đục đẽo, chạm trổ hầu như được giữ gìn nguyên vẹn. Các pho tượng không hề có hiện tượng lắp ghép. Tất cả đều được đẽo từ các khối gỗ quý, như: đinh hương, gỗ đỏ, gỗ mun.

Đây là bộ tượng Phật hiếm hoi có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao còn lại ở ĐBSCL, nên rất cần được bảo tồn.

Hương Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.