Cà Mau: Nâng cao giá trị kinh tế biển

11/11/2014 10:04 GMT+7

Với những lợi thế và tiềm năng sẵn có, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã dồn sức đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế biển.


Kinh tế biển Cà mau là một thế mạnh - Ảnh Hằng Ni

Đòn bẩy hạ tầng

Ngoài TP.Cà Mau, huyện Thới Bình và Cái Nước nằm sâu trong nội địa thì 6 huyện còn lại của Cà Mau là vùng ven biển với hơn chục cửa biển lớn, nhỏ và 3 cụm đảo. Đây là một lợi thế rất lớn để Cà Mau phát triển các ngành nghề khai thác gắn với nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Hiện nay, với đội tàu hơn 4.600 chiếc, trong đó trên 1.600 tàu công suất từ 90 CV trở lên ngư dân có khả năng khai thác xa bờ, hằng năm, sản lượng khai thác hải sản của Cà Mau đạt trên 120.000 tấn.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là nguồn vốn còn hạn hẹp nên đến nay, kết cấu hạ tầng các vùng ven biển Cà Mau vẫn còn yếu kém như việc xây dựng cảng Năm Căn phải dở dang vì thiếu vốn. Còn tại Sông Đốc, thị trấn miền biển lớn nhất của Cà Mau với đội tàu khai thác hơn 1.000 chiếc… nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ mới có một cảng cá và một khu neo trú bão duy nhất. Một yếu tố khác cũng khiến kinh tế biển Cà Mau, đặc biệt là ngành nghề khai thác chựng lại những năm gần đây là do tàu khai thác từ các tỉnh khác đổ về ngư trường Cà Mau khiến nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng. Từ đó, sản phẩm sau khai thác chiếm phần nhiều là cá tạp, cá phân (cá loại nhỏ dùng làm nguyên liệu để xay bột cá) có giá trị kinh tế thấp.

Để phát triển kinh tế biển, đầu tư cơ sở hạ tầng được xem đòn bẩy, từ đó tỉnh đã quy hoạch và xúc tiến triển khai nhiều công trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật, như: các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu khai thác ở các cửa biển lớn; các công trình phục vụ hậu cần nghề cá (cảng cá, đường ô tô đến các huyện ven biển phục vụ chuyên chở hàng hóa); xây dựng một số mô hình nuôi hải sản ven đảo… Cà Mau còn quy hoạch phát triển 2 đô thị động lực ven biển là Năm Căn và Sông Đốc gắn với xây dựng khu công nghiệp tập trung.

Mở hướng ra biển lớn

Xác định rõ mục tiêu xây dựng vùng biển và ven biển trở thành “vùng kinh tế mở” là động lực cho phát triển kinh tế, nên Cà Mau đang xúc tiến nhiều dự án hạ tầng, dân sinh nhằm tạo bứt phá mới cho kinh tế biển. Sở NN-PTNT Cà Mau vừa báo cáo các công trình xây dựng hạ tầng kinh tế biển trình UBND tỉnh phê duyệt với tổng vốn đầu tư cho các dự án lên hơn 1.000 tỉ đồng, riêng nhu cầu vốn trong năm 2015 là trên 100 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng khu neo đậu, tránh trú bão ở cửa biển Khánh Hội (H.U Minh), Hòn Khoai (H.Ngọc Hiển), Bồ Đề (H.Năm Căn), Rạch Tàu (H.Ngọc Hiển), Hố Gùi (H.Đầm Dơi). Cùng với đó là các dự án xây dựng bến cá ở cửa biển Đá Bạc (H.Trần Văn Thời), dự án bến cá và dịch vụ hậu cần cụm đảo Hòn Chuối, dự án nạo vét cửa biển Sông Đốc (H.Trần Văn Thời).

Theo ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, song hành với các khu neo trú bão là các dự án hạ tầng vùng nuôi thủy sản ven biển như: xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản lồng bè ven cụm đảo Hòn Chuối; xây dựng vùng nuôi hàu các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn và 2 vùng nuôi sò huyết ven biển khác. Dự kiến cuối năm 2014, Cà Mau tiến hành nâng cấp cảng cá Sông Đốc và xây mới cảng cá Hố Gùi từ nguồn vốn ODA, tổng đầu tư trên 6 triệu USD. Theo ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau, để kinh tế biển phát triển mạnh mẽ, ngoài cơ sở hạ tầng, nhất thiết phải đầu tư cho hậu cần nghề cá và khoa học kỹ thuật trong khai thác cho ngư dân. Phía doanh nghiệp cũng phải cải tiến công nghệ, chú trọng hơn khâu chế biến để nâng cao giá trị hàng hóa và chất lượng sản phẩm.

 Để kinh tế biển phát triển ổn định, Cà Mau cũng thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014 của Chính phủ, trong đó có gói giải pháp hỗ trợ phát triển hậu cần nghề cá và giúp ngư dân vươn khơi. “Trên cơ sở đó, Cà Mau đã đề xuất đóng mới 90 tàu vỏ thép cho ngư dân và 10 tàu vỏ thép phục vụ cho việc thu mua, vận chuyển sản phẩm. Với sự xúc tiến đồng bộ nhiều giải pháp, tương lai không xa, kinh tế biển Cà Mau, đặc biệt là ngành nghề khai thác, chế biến thủy sản sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng”, ông Đỗ Chí Sĩ cho biết.

Hằng Ni

>> Nông nghiệp và kinh tế biển là mục tiêu trong năm tới
>> Thanh Hóa cần quan tâm phát triển kinh tế biển
>> Quảng Ngãi cần phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo
>> Tập trung phát triển kinh tế biển, tạo bước đột phá mới
>> Kinh tế biển phải gắn với bảo vệ chủ quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.