Cây xanh 'ăn liền'

19/10/2013 09:13 GMT+7

Đà Nẵng như vừa trải qua một trận bom rải thảm sau cơn bão số 11. Thiệt hại thấy rõ nhất là phần lớn hệ thống cây xanh dọc các đường phố, nhất là những phố mới hình thành, bị ngã đổ chỏng chơ. Thống kê sơ bộ từ cơ quan chức năng của thành phố này cho biết, đã có 40.000 cây xanh bị xiêu vẹo hoặc bật gốc. Khả năng để số cây xanh này hồi phục như cũ là rất ít. Cứ tính với giá “mềm” nhất là 2 triệu đồng/cây thì số tiền bị thiệt hại từ 40.000 cây xanh bị ngã đổ sẽ là khổng lồ.

Đà Nẵng như vừa trải qua một trận bom rải thảm sau cơn bão số 11. Thiệt hại thấy rõ nhất là phần lớn hệ thống cây xanh dọc các đường phố, nhất là những phố mới hình thành, bị ngã đổ chỏng chơ. Thống kê sơ bộ từ cơ quan chức năng của thành phố này cho biết, đã có 40.000 cây xanh bị xiêu vẹo hoặc bật gốc. Khả năng để số cây xanh này hồi phục như cũ là rất ít. Cứ tính với giá “mềm” nhất là 2 triệu đồng/cây thì số tiền bị thiệt hại từ 40.000 cây xanh bị ngã đổ sẽ là khổng lồ.

Thủ phạm dẫn đến thảm trạng này, đích thị là cơn bão số 11 chứ không ai khác. Tuy nhiên, bình tâm mà xét, nếu không mang tư duy “ăn liền” trong việc phủ nhanh cây xanh cho các đường phố Đà Nẵng thì chắc hẳn, số cây ngã đổ sẽ không ngổn ngang như thế này. Những năm trước đây, bão chưa “khủng” như cơn bão vừa rồi, cây xanh ở thành phố này vẫn cứ ngã đổ. Tuy nhiên, cơn bão số 11 đã nghiệm thu toàn diện hệ thống cây xanh được trồng vội vã trong những dịp “chào mừng” các công trình lớn của thành phố. Quan sát bộ rễ của những thân cây ngã đổ từ các công trình “chào mừng” này sẽ không khó để lí giải vì sao chúng không chịu thấu với bão dữ. Rễ quá ít, lại trồng khá nông cạn cộng với hệ thống chống đỡ tạm bợ nên cây đổ nhanh là điều dễ hiểu. Cũng vì mang tư duy “ăn liền” nên người ta đã bứng nguyên cả những cây cổ thụ từ các vườn ươm để “điền vào chỗ trống” tại các công trình vừa mới khánh thành. Nhiều cây xanh chưa rịp ra rễ mới đã phải chống chọi với bão nên không thể trụ vững để tiếp tục tồn tại. Người dân không vui mà cảm thấy lo lắng cho những tuyến đường ở Đà Nẵng vừa mới làm xong đã có cây xanh cho ngay bóng mát cũng vì lí do này.

Chúng ta cảm thông với sự sốt ruột của các nhà quản lý trước những khối bê tông lóa mắt ngày một đầy lên ở thành phố này nên buộc họ phải phủ xanh đường phố một cách nhanh nhất, song người dân sẽ khó chấp nhận khi nhìn những thân cây bật gốc-kết quả của việc làm quá hời hợt và vội vã của những người chịu trách nhiệm trồng cây.

Ai cũng biết, một cây xanh từ bé cho đến khi cho bóng mát phải mất một khoảng thời gian từ 6-10 năm trong điều kiện chăm sóc chu đáo. Không có một loại cây nào có thể cho ngay bóng mát chỉ trong vài năm như cách làm của Đà Nẵng. Loại cây xanh “ăn liền” ấy chỉ có thể làm vui mắt một số khách qua đường và những chú chim trốn nắng ngày hè chứ không thể làm yên lòng những ai thấu hiểu câu nói của cổ nhân “dục tốc bất đạt”.

Mà đâu phải Đà Nẵng mới có loại cây xanh “ăn liền” như thế! Chẳng qua là bão chưa ghé thăm những thành phố dọc miền Trung mà thôi. Tỉnh nào cũng có hàng loạt vườn ươm “cây cổ thụ” thì chắc hẳn không phải họ “ươm”cho ... vui.­­­

Trần Đăng

>> Giúp dân khắc phục hậu quả bão Nari
>> TP.HCM giúp Đà Nẵng khắc phục hậu quả bão số 11
>> Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả sau bão
>> Đà Nẵng: Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão
>> Giúp dân vùng khắc phục hậu quả bão
>> Đà Nẵng tạm ứng tiền khắc phục hậu quả sau bão

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.