Chàng mù trên đỉnh Aguh

24/12/2014 11:45 GMT+7

Từ lúc lọt lòng, Blup Âu (27 tuổi, thôn Rbhượp, xã A Tiêng, H.Tây Giang, Quảng Nam) đã không thể nhìn thấy ánh mặt trời bởi căn bệnh bẩm sinh quái ác. Nhưng chính nghị lực đã giúp chàng trai mù tài hoa trên đỉnh núi Aguh dựng xây cuộc đời mình như trong cổ tích.

Từ lúc lọt lòng, Blup Âu (27 tuổi, thôn Rbhượp, xã A Tiêng, H.Tây Giang, Quảng Nam) đã không thể nhìn thấy ánh mặt trời bởi căn bệnh bẩm sinh quái ác. Nhưng chính nghị lực đã giúp chàng trai mù tài hoa trên đỉnh núi Aguh dựng xây cuộc đời mình như trong cổ tích.

Chàng mù trên đỉnh Aguh Chàng trai mù Blup Âu với đôi tay đan lát khéo léo, tài hoa - Ảnh: An Quân
Cuốc ruộng, trồng cao su
Briu Thị Sen, Bí thư Huyện đoàn Tây Giang (Quảng Nam) cho biết: “Blup Âu là tấm gương vượt khó ở vùng biên ải xa xôi này. Dù phải mưu sinh mỗi ngày rất khó khăn, nhưng Âu vẫn dành thời gian đến với phong trào của địa phương. Mù nhưng Blup Âu vẫn tham gia đào đất, đắp đường làm đường giao thông liên xã, tham gia các đêm nhạc ở địa phương, rất nhiệt tình”.
Nằm cách trung tâm hành chính H.Tây Giang chưa đầy 5km, nhưng phải lội bộ gần 2 giờ trên con đường bùn đất lầy lội chúng tôi mới đến được thôn Rbhượp, xã A Tiêng. Căn nhà tái định cư của Blup Âu nằm ở lưng chừng đường lên đỉnh núi Aguh. Hôm nay trời mưa Âu không ra rẫy. Nhưng để có thêm thu nhập, Âu chẻ nứa đan những chiếc đó đặt cá dưới suối. Nhìn những chiếc đó vừa đan xong được sấy trên giàn bếp, không ai nghĩ đấy là sản phẩm từ tay anh chàng mù bẩm sinh. “Chắc là cái duyên, em đan đó được nhiều cá nên bà con thích mua”, Âu cười hiền lành. Ngày thường Âu vẫn vác rựa lên rừng, lên rẫy. Dù không thấy đường nhưng kỹ năng nhớ đường của Âu không ai sánh được. Khoảng cách từ nhà ra đến bìa rừng khá xa nhưng từng hòn đá, từng lối mòn quanh co, từng bàn chân đặt lên con dốc, bờ suối Âu đều nhớ và cứ thế mà bước đi rành rọt. Chỉ tay lên căn nhà sàn mái lá ấm cúng, vợ của Âu, Bhnước Thị Niêm bảo đó là công sức của Âu ròng rã 4 tháng trời. Với cái rìu nhỏ trên tay, ngày ngày Âu ra rừng chặt cây, đẽo gỗ và vác về nhà. Khi số gỗ đã đủ, trai làng giúp anh dựng nhà. Nhà dựng xong, một mình Âu lại mang rựa vào cánh rừng nứa gần đó để chặt nứa, chẻ và đan những tấm lót sàn. Nhìn căn nhà sàn xinh xắn, khó có thể tưởng tượng nó được chàng trai mù tháo vát làm nên.
Chưa hết, Âu còn hồ hởi khoe với chúng tôi hơn 1ha cao su nhà nước giao cho anh chăm sóc nay đã cao quá đầu người. Không biết thu nhập bao nhiêu, khi nào có lãi, nhưng Âu biết cánh rừng cao su là tài sản của cả gia đình anh. “Phát chồi cho cao su lúc cây còn nhỏ khó lắm. Em phải sờ từ đọt cây xuống gốc, rồi ngồi xuống dùng rựa phát quanh. Phải phân biệt và phán đoán cây cao su chính xác nếu không mình sẽ chặt trúng nó”, Âu nói. Ngoài vườn cao su, để có gạo ăn lúc giáp hạt, Âu phải làm thêm lúa nước. Người dân trong làng thường thấy chàng Âu mù, ngày ngày bì bõm với những thửa ruộng bậc thang lô nhô bên suối. Âu tự cuốc đất, cho nước vào ruộng rồi dùng chân giẫm đất thành lớp bùn nhuyễn và nhờ người khác gieo giống. “Vì cuộc sống, vì muốn vợ con có cái ăn nên em gắng hết sức. Mình làm chậm hơn người ta nhưng bù lại làm nhiều hơn nên cuối cùng mọi thứ cũng ổn. Có hôm cuốc đất, cuốc vào chân tóe máu phải ráng mà chịu”, Âu tâm sự.
Niềm vui từ âm nhạc
“Nếu không có âm nhạc xoa dịu cuộc sống, chắc em đã chết từ lâu”, vừa miết tay lên cần đàn, Âu nói mà tâm trí miên man. Mắc trên vách trái của căn nhà sàn bé nhỏ xinh xắn là rất nhiều nhạc cụ, từ đàn ghi ta, đàn măng đô lin, ống sáo, ống tiêu và cả đàn organ. “Em rất thích đánh đàn, giữa núi rừng hẻo lánh này chẳng có thầy dạy đàn, em phải tự học nhạc qua radio. Em nghe và đánh theo là chủ yếu, đánh miết thành quen. Thỉnh thoảng trong làng có hội hè, đình đám hay giao lưu với thanh niên các huyện em đều đi chơi đàn. Mấy đứa nhỏ trong làng hay tìm đến để em chỉ cho cách đánh”, Blup Âu nói.
Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, giai điệu bài hát “Quảng Bình quê ta ơi!” cứ vang lên da diết giữa đại ngàn. Cũng từ hôm đó, Âu tập luôn nhiều làn điệu dân ca Quảng Bình để đánh đàn cho các thanh niên trong xóm hát. Giữa thăm thẳm núi rừng Trường Sơn, xen lẫn giữa những thanh âm, làn điệu dân ca C’Tu, từ đôi tay của chàng trai mù Blup Âu các làn điệu dân ca miền Trung vang lên dặt dìu, réo rắt…
Vượt lên bất hạnh
Năm Âu được 5 tuổi, mong con thoát cảnh mù lòa, mẹ của Âu, bà A Lăng Thị Chín, đã qua làng bên cạnh tìm mật gấu ngựa về nhỏ vào mắt Âu. Những tưởng mật gấu giúp con sáng mắt, ai ngờ từ đó hai mắt của Âu bị hủy hoại hoàn toàn, phải đi bệnh viện múc bỏ. Bốn năm sau, bà Chín đi rẫy tìm được con sóc hai đuôi thật đẹp về cho con trai chơi. Trong lúc mẹ giặt áo quần phơi trên bếp, Âu bò theo tìm con sóc đã bóp cò cây súng săn của cha lúc đạn đã lên nòng. Viên đạn găm thẳng vào tim bà Chín khiến bà ra đi không một lời trăn trối. “Em khóc lịm bên xác mẹ. Cả làng chạy đến thì mẹ em đã ra đi rồi. Em vừa nhớ mẹ, vừa bị dày vò trong nỗi ân hận, anh chị em thì xa lánh, cha thì trút những trận đòn sinh tử. Nhờ mấy chú biên phòng can ngăn, khuyên bảo mà em sống được đến ngày nay”, Âu kể trong nghẹn ngào.
Sau bao thăng trầm trong của cuộc đời đầy sóng gió, giờ đây niềm an ủi lớn nhất của chàng trai mù là tình cảm của bà con trong thôn, cùng người vợ hiền và đứa con kháu khỉnh mà anh đặt tên là Blup Hữu Sáng. Theo lý giải của Âu, vợ chồng cầu mong Blup Hữu Sáng sẽ sống trong ánh sáng và cuộc đời con sẽ sáng sủa hơn cha. Đó cũng là nguồn sống, động lực và khát vọng vươn lên của Blup Âu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.