Chuyện về người đào hơn 270 hầm bí mật

22/04/2013 08:58 GMT+7

Tuổi 90, ông Ba Đại (ngụ xã Tích Thiện, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) vẫn còn minh mẫn khi kể lại thành tích đào 227 hầm bí mật cho cách mạng và 45 hầm cho dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Nhiệm vụ thiêng liêng

Ông Ba Đại tên thật Lê Tấn Hưng. Hồi nhỏ đi ở đợ, tên trùng với chủ, sợ không dám gọi nên cha ông gọi đại là… Đại rồi thành danh luôn.

Ông Ba Đại  
Ông Ba Đại chỉ một địa điểm đào hầm ngày xưa - Ảnh: Thanh Hương

Tháng 8.1945, thấy cảnh áp bức, bóc lột của bọn cường hào, địa chủ, ông xung phong vào đội cảm tử quân, làm tiểu đội trưởng “tay cầm phảng” dẫn đầu đội cảm tử quân đi cướp chính quyền tay sai thực dân, đánh tan đồn bót ở Cầu Kè, đem về chiến công vang dội.

Khi Nam bộ kháng chiến bùng nổ, ông vào căn cứ hoạt động và được giao nhiệm vụ đào hầm bí mật che giấu cán bộ cách mạng trên địa bàn Vĩnh Long - Trà Vinh. Ông nhớ như in từng địa danh khi xưa hoạt động. Hai cái hầm đầu tiên đào năm 1946 tại nhà ông Bảy Bộn ở Tích Phúc. Cái hầm đào cuối cùng vào tháng 5.1972, làm bằng cái lu đựng nước. Ông nói: “Thời đó đào hầm tôi tránh 3 điểm: dựa mé sông, giữa vườn và mé ruộng. Đó là những điểm địch dễ phát hiện. Trường hợp đào trong nhà tránh gầm giường, trong hóc, trong kẹt. Tôi thường bố trí miệng hầm ở những nơi mà địch không ngờ tới”. Tháng 1.1947 ông Ba Đại được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam và được bầu làm Uỷ viên Ban chấp hành Thanh niên cứu quốc.

 Qua hai cuộc kháng chiến, ông Ba Đại đã đào 272 cái hầm. Cái lớn dành cho 5 - 6 người, cái nhỏ 2 người, nhưng hầm của ai người đó biết, tuyệt nhiên không dùng hầm chung với người khác dù cán bộ đã rời khỏi địa bàn, đó cũng là điều “tối mật” của người đào hầm. Ông nắm rõ lý lịch từng hầm, làm mật mã riêng và phân chia hầm ra làm nhiều loại mật. Ông lại là cán bộ dân vận giỏi, có bất trắc đều được bà con cho hay, nhờ vậy mà chưa một cái hầm nào bị phát hiện, bảo toàn tính mạng cán bộ. Ông kể: “Càng đào tôi càng hăng hái, quên hết những gian lao cực nhọc, bất kể đêm khuya, muỗi mòng, chỉ có cây đèn tù mù làm bạn để hoàn thành sứ mạng. Khi hầm hoàn tất, có nơi an toàn cho cán bộ, tôi thấy sung sướng và thanh thản”.

Ông Ba Đại  2 
Ông Ba Đại bên cái lu trước kia được làm hầm nuôi giấu cán bộ - Ảnh: Thanh Hương

Từ 1945 -1972, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu với bao nhiêu chiến công lẫy lừng thì ông Ba Đại cũng đã đào hầm qua nhiều khu căn cứ: Tích Thiện, Thuận Thới, Hoà Bình (H.Trà Ôn, Vĩnh Long); An Phú Tân (H.Cầu Kè, Trà Vinh); Phụng Hiệp (Hậu Giang); Kế Sách (Sóc Trăng). Ông cười bảo: “Mấy mươi năm đào hầm nhưng chưa bao giờ tôi xuống hầm ẩn núp. Tôi làm sao yên tâm ẩn núp khi bên mình luôn mang trọng trách phải lo cho sự an nguy của nhiều cán bộ”.

 Năm 1972, do bị thương ở tay, sức khoẻ yếu, ông Ba Đại xin ở lại Tích Thiện chăm sóc, trông coi mộ liệt sĩ và làm công tác dân vận cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Vui cảnh điền viên

Trở về vui sống bên căn nhà cấp 4, ông Ba Đại đã là thương binh 4/4 và vẫn lưu giữ danh sách hơn 220 cái hầm đào cho cán bộ trải dài từ Trà Vinh đến Sóc Trăng.

Niềm vui của cả một đời người là cống hiến sức mình cho đất nước, nhưng ông Ba Đại chỉ nghĩ đơn giản: “Hồi đó bị địa chủ, cường hào bóc lột, bà con sống đói khổ nên tôi góp phần nhỏ tham gia cách mạng giành lại chủ quyền. Nay được tự do làm chủ trên mảnh đất của mình, tôi sung sướng mãn nguyện lắm rồi, không còn ao ước  gì hơn”.

Bà Trần Thị Kim Nhung, vợ của ông là cán bộ phụ nữ đã hơn 40 năm tuổi Đảng, từng cùng ông đứng trong hàng ngũ chiến đấu và chia sẻ ngọt bùi.  Nay vợ chồng phơ phơ đầu bạc, sống bình dị trong căn nhà đơn sơ, hưởng trợ cấp của Nhà nước mỗi tháng trên 3 triệu đồng. Ngày ngày, ông vẫn vui cảnh ruộng vườn, dạy cho con cháu điều hay lẽ phải. Bốn người con của ông bà tiếp nối gương cha mẹ, đến nay đều là cán bộ gương mẫu, đóng góp sức mình xây dựng quê hương.

Thanh Hương

>> Đào hầm trong nhà để bắt cá
>> Dân Palestine tăng cường đào hầm
>> Bệnh khi đào hầm, được bồi thường 2,26 triệu USD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.