Có cũng như không

11/03/2013 09:23 GMT+7

Là một nước nông nghiệp, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này như: gói hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng cứu cá tra, hỗ trợ nông dân cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa gạo... nhưng điểm chung của những chính sách “vì nông dân” này là rất khó đến được nơi cần đến.

Trong năm 2012, các chính sách hỗ trợ ngành cá tra đã không đến được tay nông dân và doanh nghiệp (DN). Nhưng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng cho ngành này lên đến trên 20.000 tỉ đồng. Kết quả là Chính phủ phải lập đoàn kiểm tra xem số tiền trên thật sự đi đâu? Chỉ biết rằng hiện nay ngành này đang lâm vào cảnh nông dân treo ao, nhà máy hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu.

Còn đối với ngành lúa gạo, chính sách thu mua tạm trữ để đảm bảo nông dân có lãi ít nhất là 30% trong nhiều năm qua đã bị nhiều chuyên gia, bộ ngành, địa phương xác nhận là không phát huy hiệu quả. Đối tượng được hưởng lợi lại là các DN kinh doanh xuất khẩu nhà nước làm ăn kém hiệu quả - năm 2012 thiệt hại về giá hàng chục triệu đôla (dĩ nhiên có yếu tố khách quan). Đã có nhiều ý kiến chuyển thu mua tạm trữ sang thu mua dự trữ. Lúc này các vị lãnh đạo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) lại bảo rằng khó thực hiện vì không có kho trữ lúa, thời gian qua chúng ta chỉ tập trung kho trữ gạo. Điều này đặt ra một dấu hỏi lớn về vai trò của VFA và cả Bộ NN-PTNT trong việc hoạch định chính sách ngành. Phải chăng năng lực của họ yếu kém hay bị chi phối bởi quyền lợi của nhóm lợi ích mà chưa coi trọng quyền lợi của đại bộ phận nông dân?

Hiện nay người trồng lúa còn thường xuyên gặp cảnh thiếu máy móc, nhân công thu hoạch. Điều này đã có chính sách hỗ trợ từ nhiều năm qua, song việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, để được nhận hỗ trợ vốn mua máy móc thiết bị thì phải mua hàng sản xuất trong nước. Nhưng hàng trong nước lại không đáp ứng được yêu cầu sử dụng thực tế, chất lượng máy móc chưa cao. Vậy chính sách chưa phát huy hết tác dụng của nó. Còn rất nhiều câu chuyện tương tự như thế không thể kể ra.

Nói vậy để thấy rằng, chúng ta không thiếu những chính sách hỗ trợ cho ngành nông nghiệp. Song có điều ngay chính bản thân của những chính sách này chưa thật sự phù hợp, việc thực hiện nó còn nhiều bất cập, khâu hoạch định chưa sát với nhu cầu thực tế... Hàng loạt những yếu tố trên làm cho chính sách không đến được với người dân, hay nói cách khác là... có cũng như không.

Chí Nhân

>> Đề nghị tăng thời hạn cho vay vốn nuôi cá tra
>> Khó tiếp cận vốn “giải cứu” cá tra
>> Thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam
>> “Siết” chất lượng cá tra

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.