Công nhân sống trong nợ nần

13/12/2014 08:00 GMT+7

Lao động nặng nhọc nhưng thu nhập thấp, đã thế còn bị chèn ép đủ đường, là tình cảnh của công nhân cao su ở Công ty TNHH MTV Lệ Ninh (thị trấn Nông trường Lệ Ninh, Lệ Thủy, Quảng Bình).

 

 Các công nhân cao su vốn đã nghèo rồi còn bị tước hết các quyền lợi chính đáng
Các công nhân cao su vốn đã nghèo rồi còn bị tước hết các quyền lợi chính đáng - Ảnh: T.Q.N

Công ty TNHH MTV Lệ Ninh là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Quảng Bình; hiện công ty có 9 đội sản xuất cao su và 4 nhà máy chế biến. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều công nhân cao su của công ty tỏ ra ngán ngẫm, mệt mỏi với các quy định và điều hành của công ty. Trong đó, họ thấy vô lý nhất là cách khoán vật tư. Công nhân được công ty giao vật tư như phân, thuốc về chăm bón cho cây nhưng coi như công ty bán cho công nhân luôn, tiền vật tư sẽ được trừ vào tiền lương sau đó. Nhận vật tư cũng đồng nghĩa với việc công nhân nợ tiền công ty. Họ phải sống chung với món nợ này quanh năm suốt tháng trong khi tiền lương được tính theo cơ chế sản phẩm nên nhiều công nhân thu không đủ trừ nợ. Nợ chồng nợ và họ trở thành con nợ dài hạn; chưa bao giờ tâm thế được nhẹ nhàng, thoải mái vì luôn mang kiếp nợ nần.

Lý giải việc khoán vật tư này, lãnh đạo công ty cho rằng vì khoán nên họ đã nâng tiền lương sản phẩm lên (để trừ nợ). Nếu không khoán thì mức lương sẽ bị trừ xuống. Thực tế, công nhân không hề được lợi, vì mức nâng đó chỉ là cộng tiền vật tư vào; ngược lại, họ còn bị hại ở tinh thần khi luôn sống trong nợ nần và bị ràng buộc nếu muốn dứt ra thì phải vay mượn tiền bù vào khoản nợ đó. Và khi họ nghỉ làm, người khác đến nhận lô đó nhưng họ vẫn bị tính nợ tiền phân; mặc dù phân đã bón xuống cây, họ không hưởng lợi gì từ số phân đó nữa.

Bình quân tiền lương của công ty là hơn 2,4 triệu đồng; thực tế mặt bằng của công nhân thấp hơn nhiều và trong số công nhân, có người chỉ thực nhận được vài trăm ngàn đồng/tháng vì sản lượng mủ thấp, cạo không đủ và bị trừ các khoản nợ. Trong khi đó, theo quy định, 2 giờ sáng là công nhân phải ra rừng cạo mủ. Quy định thế nhưng giờ đi cạo mủ rất thất thường. Theo phản ánh của công nhân, có khi 20 giờ, đang ngủ lấy sức thì tự nhiên đội đánh kẻng đi cạo; 4-5 giờ sáng cạo về cũng bắt đốt lấy mủ khô. Nhiều khi dọn cây nặng nhọc nhưng không có nổi chai nước mà uống. Mới bôi thuốc kích thích buổi chiều, buổi tối nghe động trời là bắt cạo luôn; như vậy công nhân mất tiền thuốc mà không có hiệu quả năng suất mủ. Theo họ, lẽ ra phải đợi 1 ngày sau bôi cho thuốc có tác dụng.

Ngoài ra, chuyện vô lý nữa là quy định 1 tháng 1 công nhân phải chở 1 tấn phân chuồng ra bón lô; nhiều gia đình không chăn nuôi hoặc chăn nuôi ít đành bấm bụng bỏ tiền ra mua. Mua 1 xe công nông phân giá 500.000 đồng, nếu 2 vợ chồng công nhân thì mất 1.000.000 đồng tiền phân. Nếu không mua được nữa, đội hoặc công ty lo luôn; tuy nhiên giá cao hơn giá thị trường.

Nhiều người không chịu nỗi áp lực nên xin nghỉ làm. Thay vì hỗ trợ chế độ cho công nhân thì công ty tìm cách chặn, mặc dù chế độ không nhiều nhặn gì. Để thực hiện, cán bộ Phòng Tổ chức - Hành chính từ chối nhận đơn xin nghỉ việc của công nhân với lý do: động viên công nhân tiếp tục ở lại làm việc. Sau đó, khi công nhân không đi làm thì họ bắt đầu phát các thông báo và cuối cùng là ra quyết định sa thải; các quyết định này đều chung lý do: tự ý bỏ việc, bỏ đơn vị. Với “bản án” đó, công nhân không được nhận bất cứ chế độ gì từ công ty; dù có những người cống hiến mười mấy năm như bà Võ Thị Thanh Thủy (đội Quyết Tiến), anh Lê Văn Tân…

Trong những ngôi nhà tạm bợ, nghèo nàn, họ kể về nỗi cơ cực đời công nhân cao su mà rơi nước mắt chua xót.

Trương Quang Nam

>> Tháo gỡ khó khăn về chỗ ở của công nhân
>> Hơn 500 công nhân đình công
>> Kiểu làm gây thiệt thòi cho công nhân cao su
>> Công nhân cao su trở thành “con nợ” của công ty

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.