Dăm gỗ hóa thành tranh

15/07/2013 10:16 GMT+7

Từ những đống dăm gỗ tưởng là phế thải, qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Lê Viết Toàn (thị trấn Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã hóa thành những bức tranh muôn màu muôn vẻ.

Từ những đống dăm gỗ tưởng là phế thải, qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân Lê Viết Toàn (thị trấn Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã hóa thành những bức tranh muôn màu muôn vẻ.

>> Hàng ngàn bức tranh cổ trong hang động
>> Những bức tranh Việt quý hiếm và vô giá
>> Bức tranh làng quê Việt qua Sương sớm
>> Bức tranh gốm Việt trên đất Pháp

Độc và lạ

Nhìn những bức tranh của nghệ nhân Lê Viết Toàn, không ai ngờ nó lại được tạo ra từ những mảnh dăm gỗ, dăm tre giản dị, bình thường. Những bức tranh khiến người xem ấn tượng bởi sự độc đáo từ chất liệu đến đường nét. Anh Toàn vốn là một tay thợ tài hoa về mộc mỹ nghệ. Hàng ngày, xưởng mộc của anh thải ra không biết bao nhiêu là dăm từ quá trình tạc tượng, cưa bào để làm đồ nội thất, nhà cửa… Từ những đống dăm đó, anh nãy ra ý tưởng làm tranh và bắt tay vào làm đã hơn 10 năm nay và tranh dăm gỗ đã trở thành “thương hiệu” của anh. “Năm 2002, tôi bắt đầu làm tranh từ dăm gỗ. So với một tác phẩm được đục đẽo từ gỗ thì tranh dăm gỗ thú vị hơn rất nhiều. Nó mang tính sắp đặt đầy nghệ thuật. Bởi nó không chỉ đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ mà còn đòi hỏi sự khéo léo, liên tưởng. Có những bức tranh được sắp từ hàng trăm, hàng ngàn mảnh dăm gỗ. Tất cả phải tạo nên sự tự nhiên từ đường nét đến màu sắc. Tùy theo sự phức tạp của bức tranh mà thời gian chế tác kéo dài khác nhau”, anh Toàn chia sẻ.

 Bức tranh Bác Hồ trong chiến dịch 1950
Bức tranh Bác Hồ trong chiến dịch 1950 được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên- Huế - Ảnh: Tuyết Khoa

Theo anh Toàn, để những mảnh dăm gỗ hóa tranh là cả một quá trình dài từ khi lên ý tưởng đến hoàn thiện. Sáng tác tranh từ dăm gỗ tận dụng là việc chưa có ai làm trước đó. Anh Toàn phải cất công thu gom từng đống dăm gỗ từ xưởng mộc của anh và các xưởng mộc trong địa phương để về làm tranh. Để hoàn thiện một bức tranh, anh phải tỉ mỉ chọn từng dăm tre, dăm gỗ sắp xếp sao cho hợp lý với vị trí của bức tranh. Từng dăm gỗ mang một chức năng tạo đường nét sao cho thật mềm mại, uyển chuyển từ phong cảnh đến chân dung về con người. Tranh dăm gỗ có màu sắc tự nhiên. Tranh chỉ phun một lớp sơn bên ngoài để bảo quản chất liệu gỗ khỏi bị mục, mối, mọt. Ban đầu, để ghép những chiếc dăm gỗ nên một bức tranh, tôi mất cả mấy tháng trời. Ghép đi ghép lại nhiều lần mới ưng ý. Trong tất cả các khâu thì khâu chọn dăm sao cho phù hợp với bức tranh là khó nhất. Dần dần thuần thục nên bây giờ tôi làm tranh nhanh hơn và mềm mại hơn rất nhiều”, anh Toàn chia sẻ.

Tranh vào bảo tàng

Trong đợt hiến tặng hiện vật về Bác Hồ tháng 5 vừa qua, nghệ nhân Lê Viết Toàn đã hiến tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế 3 bức tranh gồm “Bác Hồ trong chiến dịch 1950”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị Tổng tư lệnh tối cao” và “Giờ phút lịch sử” chạm khắc hình ảnh Bác Hồ trên gỗ quý do anh chế tác, từ năm 2002. Hiện tại, bộ ba tác phẩm đang được lưu giữ tại bảo tàng để khách tham quan chiêm ngưỡng. “Đây là ba bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi đã chế tác công phu. Tôi chế tác để chưng trong nhà chứ không để bán. Ba bức tranh là một trong những bức tranh dăm gỗ đầu tiên mà tôi rất thích. Hiện tại, ngoài chế tác tượng và hàng nội thất thì tranh dăm gỗ trở thành dòng sản phẩm mà tôi muốn phát triển. Nó không chỉ là công việc của tôi mà còn là niềm đam mê của tôi. Tôi xem nó như những tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là một món hàng hóa. Mỗi bức tranh mang một vẻ riêng chứ tôi không làm đại trà”, anh Toàn tâm sự.

Bà Lê Thị Kim Yến, Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Ba bức tranh được chế tác từ dăm gỗ về Bác Hồ của nghệ nhân Lê Viết Toàn hiến tặng là một trong những tác phẩm độc đáo, đáng chú ý. Bằng chất liệu mộc mạc, chân dung Bác Hồ đã được khắc họa một cách chân thật, giản dị. Bảo tàng rất vui và tự hào khi lưu giữ những tác phẩm này”.

Tuyết Khoa

>> Công nghiệp dăm gỗ tăng trưởng nóng
>> Kêu gọi đầu tư nhà máy băm dăm gỗ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.