Dân Bảy Núi “khát” nước

05/03/2013 10:08 GMT+7

Mặc dù mới bước sang tháng 3, nhưng người dân vùng Bảy Núi (An Giang) đang phải xếp hàng bên những miệng “giếng trời” để múc từng gàu nước nhỏ về uống và sinh hoạt.

Nước quý hơn… vàng

Vào thời điểm này, nhiều giếng nước vùng Bảy Núi đã trơ đáy, một số  loài cây cỏ đã bắt đầu khô héo. Hằng ngày, anh Trần Văn Lâm (30 tuổi, ngụ xã An Cư, H.Tinh Biên - sau lưng núi Cấm) phải tuột dốc gần 2 km để đến giếng lấy nước từ lúc sáng sớm. Mùa này nước giếng đục ngầu, nhưng anh Lâm vẫn phải cố vét mang về sử dụng. Rót từng gàu nước nhỏ vừa múc được vào can, anh Lâm chia sẻ: “Dân Bảy Núi gọi nước giếng đục là “nước hến”. Mùa khô mà có “nước hến” như vầy để xài thì may mắn lắm rồi, chứ nhiều giếng gần triền núi hiện đã khô trơ đáy”.

 Dân Bảy Núi “khát” nước
Mùa khô, cư dân Bảy Núi phải cực công chở nước về sử dụng

Nước giếng gánh về, anh Lâm phải lóng phèn rồi mới sử dụng. Nếu hôm nào lỡ ốm đau đột xuất thì gia đình anh không có nước xài. Anh Lâm cho biết: “Mùa khô ở vùng Bảy Núi, người dân quý nước hơn vàng. Năm nay, khô hạn lại về sớm hơn so với mọi năm nên bà con càng tăng thêm nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Trung bình, mỗi ngày nhà tôi sử dụng hơn 5 can nước (30 lít/can), nhưng hiện nay việc đi lại lấy nước gặp không ít khó khăn, do đó phải xài tiết kiệm từng giọt”. Vừa rồi, anh Lâm mới lập gia đình. Trong ngày cưới, anh và gia đình phải gồng gánh hàng trăm can nước lên núi để phục vụ cho bà con hai họ. “Ở vùng Bảy Núi này, ai về làm dâu hoặc ở rể thì “chua” nhất là việc đi gánh nước vào mùa khô. Mỗi buổi trưa chỉ cần gánh chừng 10 thùng nước thì khỏi làm chuyện gì thêm cũng đủ xệ vai rồi”, anh Lâm nói.

Gồng mình… tìm nước

Hiện nay, hàng loạt giếng ở khu vực xã An Cư (H.Tịnh Biên) cũng sắp khô kiệt. Hôm chúng tôi đến đây, anh Chau Nal đang chạy xe gắn máy loanh quanh khu vực phía sau núi Cấm để tìm giếng nước. Anh nói: “Nhiều giếng đã cạn, chỉ còn toàn nước đục, do vậy phải tìm những giếng sâu thì may ra có nước trong. Mỗi ngày tôi chở khoảng 6 can về xài”. Thời điểm này cũng đang vào vụ thắng đường thốt nốt nên anh Chau Nal phải chở gấp đôi thì mới đủ nước để sử dụng. Mỗi năm chỉ có một mùa đường mang lại nguồn thu nhập cao, do đó anh phải ráng chịu cực.

Dân Bảy Núi “khát” nước 2 
Anh Chau Nal vét nước đục dưới giếng về lóng phèn để sinh hoạt.

Dù nhiều khu vực đã được ngành chức năng kéo nước máy về xài nhưng nhu cầu sử dụng nước hiện nay vẫn rất cao. Có hôm nguồn nước máy phục vụ không xuể, dẫn đến tình trạng thiếu nước trầm trọng. Anh Trần Thanh Sang (nhà ở Cua 13, xã An Phú) cho biết: “Nước máy ở đây lúc có lúc không. Hôm tết vừa rồi bị cúp cả tuần lễ nên tôi phải đẩy xe hơn 1 km để lấy nước về sử dụng. Nhà bán quán cơm, nếu không có nước thì làm sao nấu nướng, bán buôn gì được. Mấy hôm nay nhiều hộ ở xã An Phú vẫn xuống Cua 13 để lấy nước về sinh hoạt. Chúng tôi mong sao trong mùa khô có nước máy thường xuyên để đáp ứng đủ cho bà con”.

Một điều đáng mừng cho bà con là dù mùa khô đến sớm, nhưng năm nay, hồ Ô Tức Sa nằm dưới chân núi Cấm, rộng khoảng 30 ha cũng hứng được nhiều nước mưa. Người dân quanh vùng đến lấy nguồn nước từ đây. Ngoài ra, nước trong hồ Ô Tức Sa còn được trạm cấp nước tại thị trấn Chi Lăng bơm cho hàng ngàn hộ dân thuộc các xã An Cư, Vĩnh Trung, Chi Lăng và Tân Lợi. Theo Xí nghiệp điện nước H.Tịnh Biên, toàn huyện có gần 20.000 hộ sử dụng nước sạch, trong đó hơn 3.000 hộ đồng bào dân tộc Khmer. Mùa khô năm nay, 9 trạm cấp nước đặt tại Nhà Bàng, Nhơn Hưng, Phước Điền, Xuân Tô, An Phú, Chùa Rô, Chi Lăng, Núi Voi sẽ hoạt động hết công suất, từ 200 - 400 m3/ngày để hạn chế tình trạng thiếu nước. Ngoài ra, trạm cấp nước trên núi Cấm đã được đưa vào sử dụng sẽ cải thiện được tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho các hộ trên núi cũng như các hộ dưới chân núi.

Hồng Ánh

>> Dân khát nước sạch
>> Chung cư khát nước
>> Hàng ngàn hộ dân “khát” nước sạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.