Dân cùng khổ vì cột quảng cáo đổ

17/05/2013 11:50 GMT+7

Đã hơn 7 tháng qua, một hộ dân nghèo ở Nam Định vẫn phải làm lều ngay ở sân nhà mình để mỏi mòn chờ công ty quảng cáo bồi thường cho ngôi nhà của họ bị cột quảng cáo đổ vào.

Khi biết có phóng viên đến, hàng chục người dân trong thôn Hồng Phong 2, xã Mỹ Tân, H.Mỹ Lộc, T.Nam Định đã kéo đến nhà ông Trần Văn San để bày tỏ sự bức xúc về sự thiếu trách nhiệm của Công ty CP Thương mại quảng cáo Lạc Việt (trụ sở tại Hà Nội).

Dựng lều ngoài sân để ở

Công ty này là chủ sở hữu cột quảng cáo đổ thẳng vào nhà ông San ngày 28.9.2012 làm hư hại toàn bộ ngôi nhà mái bằng rộng 50 m2 và phá hủy hết các vật dụng sinh hoạt trong nhà.

Hiện trường vụ đổ cột quảng cáo vẫn còn nguyên
Hiện trường vụ đổ cột quảng cáo đè nát nhà dân vẫn còn nguyên

Sau sự cố ấy, gia đình ông San với 5 người phải dọn ra khỏi nhà. Gian bếp 7 m2 trở thành chỗ ở cho 2 cô con gái. Vợ chồng ông San và bà mẹ già ngoài 80 tuổi phải dựng lều bằng nilon ở ngoài sân. Vật dụng đã bị hỏng hoặc kẹt trong đống đổ nát nên ông San phải kê gạch để đun bếp, dùng chiếc gáo sắt làm siêu đun nước uống…

Hoàn cảnh của gia đình ông San càng đáng thương hơn bởi bà Trần Thị Chiến, vợ ông bị bệnh tâm thần đã hàng chục năm, thường xuyên bỏ nhà đi lang thang. 

Gặp phóng viên, ông Trần Văn San thì từ đầu đến cuối chỉ biết thổn thức khóc và chắp tay xin: “Mong các anh giúp đỡ cho gia đình tôi qua cơn hoạn nạn. Cả nhà tôi xin đội ơn”.

Ông Lê Văn Quang, hàng xóm nhà ông San ái ngại: “Ông ấy cho thuê đất dựng cột quảng cáo để mong cải thiện cuộc sống, ai ngờ bây giờ thành ra mất nhà, phải dựng lều ở trên chính đất của mình. Từ lúc nhà đổ, ông ấy đi khắp nơi đề nghị giúp đỡ để Công ty Lạc Việt đền bù, đến nay thành thói quen gặp ai cũng chắp tay xin giúp đỡ. Cứ thế này, tôi lo chẳng mấy nữa ông San bị bệnh thần kinh mất".

Chối bỏ trách nhiệm

Như Thanh Niên đã nêu trong các bài viết trước, tối ngày 28.10.2012, bão số 8 đổ bộ vào Nam Định làm đổ hàng loạt cột quảng cáo tại khu vực chân cầu Tân Đệ thuộc xã Mỹ Tân, H.Mỹ Lộc, Nam Định. Trong đó thiệt hại nặng nhất là cột quảng cáo cho thương hiệu Vận tải Dầu khí của Công ty Quảng cáo Lạc Việt đổ thẳng xuống nhà ông Trần Văn San làm sập, nứt vỡ toàn bộ ngôi nhà mái bằng có diện tích gần 50 m2 và làm hư hại 2 xe máy, nhiều vật dụng trong nhà.

Gia đình ông San phải làm lều ngoài sân nhà mình để ở và đi đòi bồi thường
Gia đình ông San phải làm lều ngoài sân nhà mình để ở và đi đòi bồi thường

Ngay khi xảy ra sự cố, ông Trần Văn San đã gọi điện lên cho công ty quảng cáo Lạc Việt nhưng phải đến chiều 29.10, Công ty Lạc Việt mới cử người về nhà ông San để cùng với nhân viên bảo hiểm đi chụp ảnh, kiểm tra hiện trường… Tuy nhiên, lúc 1 giờ 30 cùng ngày, đoàn lập biên bản và yêu cầu ông San lên UBND xã lấy dấu xác nhận nhưng khi ông San về thì nhóm người này đã đi, chỉ để lại 10 triệu đồng với lời nhắn “Ứng một ít tiền để sửa 2 cái xe máy bị hỏng!”.

Bắt đầu từ đây, Công ty Lạc Việc trốn tránh, chối bỏ trách nhiệm. Theo ông San, giáp Tết âm lịch 2012, một nhân viên của công ty này đem về trao cho ông 1 triệu đồng, khi ông San và hàng xóm hỏi bao giờ đền bù thì nhân viên này trả lời thản nhiên: “Không biết, đấy là trách nhiệm của công ty. Nhiệm vụ của cháu là đưa cho bác 1 triệu đồng, nếu bác không cầm thì cháu mang về”. 

Sau đó, toàn bộ các cuộc điện thoại của ông San và gia đình đến trụ sở Công ty Lạc Việt và các cán bộ liên quan đều không có người nghe máy. Bản thân Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân, ông Trần Ngọc Tiến xác nhận chính ông Tiến gọi đến số máy của cán bộ Công ty Lạc Việt đã từng xuống Nam Định ký hợp đồng thuê đất làm biển quảng cáo nhưng người này cũng không nghe máy. Nếu dùng số máy khác thì có người nghe nhưng đều nói chủ máy đang bận rồi tắt máy.

Chưa hết, toàn bộ thư, hồ sơ yêu cầu đền bù của ông Trần Văn San gửi đến địa chỉ của Công ty Lạc Việt ở 394 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội đều bị bưu điện gửi trả lại vì… không có người nhận.

Quá bức xúc, gia đình ông San cử người tìm đến địa chỉ này thì được biết lãnh đạo công ty đang làm việc ở trụ sở khác nhưng “bận nên không thể gặp được”.

Sự thờ ơ của lãnh đạo Công ty Lạc Việt lên tới đỉnh điểm khi mới đây, ngày 16.4, công ty này gửi thư cho gia đình ông San và các hộ lân cận cung cấp số điện thoại, địa chỉ của Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện và đề nghị họ phải kiện cáo, gây sức ép với công ty bảo hiểm này nếu muốn nhanh được đền bù.

Trong khi đó, trả lời PV Báo Thanh Niên, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện cho biết: Phía bảo hiểm đã cố gắng phối hợp với Công ty Lạc Việt giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Do phía Lạc Việt chưa cung cấp đủ hồ sơ, chứng từ nên công ty chưa thể chi tiền được (?).

Bài, ảnh: Hoàng Long

>> Bảng quảng cáo đè sập nhà dân
>> Giải pháp tiềm năng cho ngành quảng cáo
>> Quảng cáo ngược
>> Loạn quảng cáo internet
>> Quảng cáo lập lờ, khán giả đập phá sân khấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.