Đau đầu vì thiếu bác sĩ

16/09/2014 09:47 GMT+7

ĐBSCL được xem là vùng trũng của cả nước về nguồn nhân lực y tế vì có tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ/vạn dân khá thấp mà nguyên nhân chủ yếu từ việc sinh viên ngành y ra trường không chịu về địa phương công tác.

Đau đầu vì thiếu bác sĩ
Khám bệnh cho người dân tại xã Trường Xuân (H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) - Ảnh: Ngọc Trinh

323 trạm y tế chưa có bác sĩ

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến cuối năm 2013, ĐBSCL chỉ có 4,8 bác sĩ/ vạn dân, 0,41 dược sĩ/vạn dân, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung cả nước. Ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - xã hội (Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ), cho biết: “Toàn vùng còn 323 trạm y tế xã chưa có bác sĩ. Thậm chí, tại H.Tân Phú Đông (Tiền Giang), toàn huyện chỉ có 6 bác sĩ. Căn cứ vào Quyết định 122 của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đến năm 2020, ĐBSCL có 9 bác sĩ/vạn dân và 2,2 dược sĩ/vạn dân nên từ đây đến đó, vùng phải đào tạo thêm 7.000 bác sĩ và hơn 3.000 dược sĩ”.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, địa phương hiện có 5,37 bác sĩ/vạn dân. Với tình trạng thiếu bác sĩ như hiện nay, đến năm 2015, tỉnh sẽ không đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, tỉnh đã xây dựng thêm nhiều bệnh viện chuyên khoa dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2015 như: lao, tâm thần… nên còn thiếu đến 75 bác sĩ. Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Từ Quốc Tuấn chia sẻ: “An Giang sắp có bệnh viện lao, tâm thần… nên cần nhiều bác sĩ chuyên ngành. Do đó, nên có cơ chế cho những thí sinh hộ khẩu tại vùng Tây Nam bộ thi không đậu vào Trường ĐH Y dược TP.HCM được chuyển điểm về để Trường ĐH Y dược Cần Thơ xét tuyển”.

Bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ, cho rằng hiện Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ phục vụ khám chữa bệnh cho trẻ em toàn vùng nên số lượng cán bộ, bác sĩ thiếu hụt rất lớn. Bà Phi đề xuất Trường ĐH Y dược Cần Thơ cần đề nghị với Bộ GD-ĐT tăng thêm chỉ tiêu cho nhóm ngành hiếm như: lao, phong, tâm thần, pháp y… cho Cần Thơ tổng cộng là 50 chỉ tiêu. Theo ông Quách Việt Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, địa phương cũng đang thiếu bác sĩ gây mê vì ngành này không có em nào tự giác đi học.

“Sinh viên tốt nghiệp đi đâu hết”

Trong lúc tại ĐBSCL đang thiếu bác sĩ trầm trọng nhưng lại có nghịch lý là nhiều sinh viên y khoa tốt nghiệp ra trường không chịu về địa phương công tác. Theo ông Võ Trọng Hữu, qua thống kê cho thấy chỉ có 40% bác sĩ đa khoa ra trường về địa phương làm, tỷ lệ này đối với bác sĩ răng hàm mặt là 23,81%, dược sĩ 18,64%, cử nhân điều dưỡng là 50%, cử nhân y tế cộng đồng là hơn 42%. “Không biết cơ chế chính sách thu hút các em về của từng tỉnh như thế nào nhưng với tỷ lệ sinh viên ra trường về tỉnh làm như trên là thấp”, ông Hữu băn khoăn.

Một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cũng lo lắng trước việc sinh viên ra trường rồi “đi đâu hết”. Năm 2014, Sóc Trăng có 39 sinh viên tốt nghiệp tại Cần Thơ nhưng không ai chịu về tỉnh nhận công tác. “Những năm trước, mỗi năm Sóc Trăng có từ 50 - 60 sinh viên tốt nghiệp tại các trường ĐH ở TP.HCM, Cần Thơ nhưng chỉ về tỉnh  2 - 3 em, số còn lại đi hết. Năm 2014, địa phương có 5 dược sĩ và 1 bác sĩ tốt nghiệp được đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhưng có 1 bác sĩ trả về cho Cần Thơ. Chúng tôi đang bố trí cho 5 dược sĩ này về tỉnh nhận công tác”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, kiến nghị: “Cần có giải pháp căn cơ cho việc sinh viên không chịu về địa phương công tác, nếu không 10 năm nữa nguồn nhân lực y tế chưa thể ổn định. Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cần kiến nghị với T.Ư có cơ chế chính sách để sinh viên tỉnh nào ra trường thì về tỉnh đó công tác”.

Khóa đào tạo theo địa chỉ sử dụng đầu tiên tốt nghiệp

Trường ĐH Y dược Cần Thơ cho biết đã phối hợp với các tỉnh ĐBSCL thực hiện đào tạo theo nhu cầu năng lực y tế của địa phương từ năm 2008. Năm 2014, khóa đầu tiên có 172 bác sĩ, dược sĩ đào tạo theo địa chỉ sử dụng hệ chính quy đã tốt nghiệp về phục vụ tại các tỉnh. Trong đó có 82 bác sĩ đa khoa, 31 bác sĩ răng hàm mặt, 59 dược sĩ đại học. Trong năm, các tỉnh trong khu vực cũng thu nhận 436 sinh viên hệ liên thông và hệ vừa học vừa làm tốt nghiệp trở về địa phương công tác.

Thanh Nhàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.