Định hướng tương lai cho lúa gạo VN

13/12/2014 08:00 GMT+7

Xuất khẩu thuộc tốp đầu thế giới nhưng gạo VN vẫn chưa có thương hiệu mạnh; ĐBSCL chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước nhưng người trồng lúa vẫn ở ngưỡng nghèo... đang là nỗi trăn trở của các nhà khoa học, nhà quản lý.

 

 
Sản xuất hướng đến thị trường là một trong những giải pháp quan trọng giúp nông dân giảm thiểu rủi ro - Ảnh: Công Hân

Nông dân vẫn ở ngưỡng nghèo

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển (OECD) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), đến năm 2022, VN vẫn là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới (sau Thái Lan). Tuy nhiên, vị trí này đang chịu sự cạnh tranh của một số nước đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo, như: Ấn Độ, Pakistan, Hoa Kỳ, Myanmar, Campuchia… Tại hội thảo về “Tương lai ngành lúa gạo” diễn ra ngày 11.12 tại Cần Thơ, một lần nữa vấn đề khó khăn của hạt gạo, của đời sống người trồng lúa lại được đặt ra. Theo ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, tuy chúng ta đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo nhưng giá trị lại thấp vì hạt gạo chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực Miền Nam, cho biết tăng trưởng xuất khẩu gạo của VN tính ở các giai đoạn: từ năm 2005 - 2008, sản lượng gạo xuất khẩu tăng trưởng khá ổn định ở mức 4,5 tiệu tấn/năm; giai đoạn 2009 - 2011 xuất khẩu gạo tăng mạnh đạt đến con số 7 triệu tấn, kim ngạch trên 3,5 tỉ USD. Tuy nhiên, đến năm 2012, xuất khẩu gạo VN gặp nhiều khó khăn, tuy có tăng về lượng nhưng giảm dần về giá trị. Cụ thể năm 2012, VN xuất 7,72 triệu tấn nhưng chỉ thu về trên 3,4 tỉ USD, tương đương tăng 0,7 triệu tấn nhưng lại giảm 70 triệu USD; năm 2013 bán ra nước ngoài 6,7 triệu tấn gạo nhưng chỉ thu về gần 2,9 tỉ USD.

Ông Năng cho rằng nguyên nhân khiến giá gạo VN ngày càng giảm là do không có thương hiệu, chất lượng thấp (70% sản lượng gạo phẩm chất thấp) nên khó “có cửa” vào phân khúc thị trường gạo cao cấp. Trong khi đó, phân khúc gạo cấp trung, cấp thấp lại có nhiều quốc gia cùng cạnh tranh, dẫn đến VN phải giảm giá bán, lợi nhuận vì thế cũng teo tóp.

PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển ĐBSCL, cho biết nếu tính bình quân diện tích trồng lúa trên đầu người tương ứng với thu nhập từ cây lúa như hiện nay thì nông dân trồng lúa ở gần với ngưỡng nghèo. Nếu chỉ tính hệ thống phân phối thì chỉ có khoảng 7% nông dân bán được trực tiếp gạo cho doanh nghiệp, còn lại hạt gạo phải “đội” từ 7 - 8 lớp “cò”. Hơn nữa, nông dân sử dụng “thừa” phân, thuốc làm cho giá thành sản xuất tăng.

Giải pháp cho tương lai

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, nhận định: “Đến năm 2020, dân số nước ta sẽ ở mức 100 triệu người, sản xuất lúa ngày càng khó khăn hơn vì đất nông nghiệp bị thu hẹp, áp lực dịch bệnh tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn. Do đó, việc xây dựng thương hiệu gạo là cần thiết và doanh nghiệp phải có trách nhiệm làm việc này. Còn nhà nước phải có chính sách thích hợp hơn nữa, nếu không đến một lúc nào đó nông dân bỏ ruộng hoặc họ chỉ hướng đến “an ninh lương thực cho gia đình” thì sẽ khó khăn hơn cho an ninh lương thực quốc gia”.

Còn PGS-TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho rằng các địa phương phải tiếp tục đầu tư diện tích cánh đồng mẫu lớn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cụ thể là sử dụng giống xác nhận, phân thuốc là sản phẩm sinh học, sạ hàng... Có như vậy mới giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo, có thị trường tiêu thụ và cuối cùng là lợi nhuận tăng lên. “Có lợi nhuận, nông dân hăng hái tham gia sản xuất, từ đó ngành lúa gạo mới phát triển theo chuỗi giá trị và bền vững…”, PGS-TS Mai Thành Phụng nói.

Theo TS Lê Văn Bảnh, giải pháp phát triển thị trường lúa gạo có thể xem là biện pháp lâu dài để kích thích và ổn định sản xuất, giảm thiểu rủi ro cho nông dân và gia tăng lợi nhuận. Theo đó, việc cần thiết trước nhất là nghiên cứu chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, tìm giải pháp nâng cao chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, xử lý thu hoạch, bảo quản tồn trữ, bảo đảm chất lượng, cơ sở hạ tầng, lưu thông phân phối…. tạo cơ chế cân đối, phát huy tối đa lợi nhuận  của chuỗi giá trị và kế đến là xây dựng thương hiệu lúa gạo. TS Bảnh cho rằng cần có giải pháp giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường nhằm giúp nông dân dự đoán thị trường, có kế hoạch sản xuất phù hợp để giảm thiểu rủi ro do hàng hóa dư thừa, rớt giá.

Tiến Trình

>> Giá lúa gạo giảm 100 - 200 đồng/kg
>> Tái cơ cấu ngành lúa gạo ĐBSCL
>> Người trồng lúa đang ở gần với ngưỡng nghèo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.