Doanh nghiệp du lịch 'kêu trời' tiền thuê đất

08/06/2015 09:46 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư du lịch tại Bình Thuận đang bức xúc vì tiền thuê đất tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư du lịch tại Bình Thuận đang bức xúc vì tiền thuê đất tăng cao.

 
Doanh nghiệp du lịch 'kêu trời' tiền thuê đất  Rất nhiều resort tại khu vực Mũi Né chịu ảnh hưởng từ cách tính tiền thuê đất tăng cao - Ảnh: Quốc Hanh
UBND tỉnh Bình Thuận vừa đưa ra cách tính chu kỳ thuê đất là 5 năm. Điều đáng nói trong chu kỳ mới (2011-2015), thì 2 năm đầu (2011 và 2012) giá tiền thuê đất du lịch trên địa bàn tăng từ 215 đến 815% (tính luôn cả hệ số K). Riêng khu vực Hàm Tiến (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) tăng thấp nhất cũng đến 500%.
Ông Nguyễn Tiến Sĩ, Trưởng phòng Thuế đất Cục Thuế Bình Thuận cho biết, tất các các DN du lịch đầu tư ở chu kỳ trước đây (trước năm 2015) đều thuộc diện phải chịu cách tính tiền thuê đất này. Điều đó đồng nghĩa có hàng trăm DN du lịch Bình Thuận phải chịu cách tính tiền thuê đất tăng cao này.
Thiếu thuyết phục
Bán resort ra Ninh Thuận đầu tư
Trước cách tính này, một nhà đầu tư ở Mũi Né, cho biết bây giờ resrot của ông gần 3 ha, tiền thuê đất hằng năm trên 2 tỉ đồng là quá cao. Trong khi dự án ông đã phải cho người thương lượng mua lại đất của dân.
“Khách du lịch đến Mũi Né đang giảm dần. Bây giờ Ninh Thuận đang kêu gọi đầu tư vào du lịch. Nếu đầu tư du lịch ven biển thuộc các huyện của Ninh Thuận có thể được miễn tiền thuê đất tới 11 năm. Nếu tìm được hợp đồng chuyển nhượng tôi sẽ bán resort ở Bình Thuận lấy tiền ra Ninh Thuận đầu tư du lịch” - nhà đầu tư này quả quyết.
Ông Trần Ngọc Thêm, chủ đầu tư Hoàng Ngọc resort thắc mắc: “Đất này tôi mua lại của dân để xây dựng resort (hơn 2 ha), chứ có phải đất sạch nhà nước giao đâu. Dự án tôi xây dựng đã nhiều năm và đi vào kinh doanh ổn định. Cái này tỉnh phải khuyến khích tôi chứ. Đằng này tỉnh bảo tôi phải nộp tiền thuê đất theo giá thị trường, tăng tới 800 % (hơn 2 tỉ đồng) là chuyện không thuyết phục tí nào”.
Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Bình, một Việt kiều từ Đan Mạch về Bình Thuận đầu tư Litte Mũi Né resort nói: “Đối với resort, chỉ cho xây dựng 25 đến 30% diện tích, còn lại dù là đất cây xanh nhưng chúng tôi vẫn chịu tiền thuê đất như diện tích xây dựng. Đáng lẽ việc tăng hệ số K (giá thị trường-PV) chỉ nên áp dụng với những dự án thuê đất đầu tư xây dựng ở thời điểm đó. Còn dự án của chúng tôi đã kinh doanh hàng chục năm nay rồi giờ tự nhiên tăng đột ngột cao ngất như thế không chấp nhận được”.
Ông Trần Văn Bình cho biết thêm, dù ông đã nộp tạm tiền thuê đất tăng đến 200%, nhưng đến nay DN của ông vẫn bị cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản.
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Thuận, trên thực tế Chính phủ đã có Quyết định 2093 (ngày 23.11.2011) và Nghị quyết 13 (10.5.2012) giảm 50% tiền thuê đất cho các DN nhưng chỉ áp dụng từ năm 2013 trở về sau. Riêng năm 2011 và 2012 vẫn giữ nguyên cách tính tăng từ 215 - 815%. Tức là giá tiền thuê một mét vuông đất do tỉnh ban hành giá từ 9.000 đồng/m2, sẽ lên đến 73.500 đồng/m2.
“Chúng tôi chia sẻ với các DN du lịch đang gặp khó khăn, nên đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian nộp tiền thuê đất 2 năm này. Nhưng hiện nay vẫn rất nhiều DN không nộp tiền. Đối với những DN cố tình không nộp sẽ bị phong tỏa tài khoản, thu hồi hóa đơn đỏ và có thể bị kê biên tài sản” - Phó cục trưởng Cục thuế Bình Thuận nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.