Đổi đời với chiếu Bàn Thạch

25/02/2015 10:13 GMT+7

Trải bao thăng trầm, nghề dệt chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) không những được gìn giữ mà nhiều người đổi đời nhờ chiếu.

Trải bao thăng trầm, nghề dệt chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) không những được gìn giữ mà nhiều người đổi đời nhờ chiếu.

Mẹ con bà Đào Thị Đờn bên khung dệt chiếu Mẹ con bà Đào Thị Đờn bên khung dệt chiếu - Ảnh: Hoàng Sơn

“Đệ nhất chiếu Bàn Thạch”

Trong dân gian vẫn truyền khẩu hai câu ca dao nói đến vẻ đẹp hoàn mỹ của chiếc chiếu được “ra lò” tại địa phương này và tôn vinh tay nghề của người thợ dệt nơi đây: “Không chiếu nào đẹp bằng chiếu Bàn Thạch/Không lạch nào sâu bằng lạch Bùng Binh”. Nhiều tài liệu chép rằng, nghề dệt chiếu làng Bàn Thạch được hình thành cách đây hơn 400 năm theo dấu chân Nam tiến của những người xứ Thanh-Nghệ. Những người dân Nga Sơn (Thanh Hóa) vượt đèo Hải Vân vào dựng cơ nghiệp ở phía nam. Khi đi ngang qua phủ Thăng Hoa (thuộc Quảng Nam) thấy đất đai màu mỡ, nhiều sông ngòi phù hợp với nghề trồng cói nên họ dừng lại lập làng. Nghề dệt chiếu Bàn Thạch và chợ chiếu tồn tại đến ngày nay có gốc tích như thế. Một thời, chiếu từ làng theo những chuyến đò đi khắp các miền Nam, miền Bắc…

Trẻ con trong làng sinh ra đã nằm bên khung để mẹ yên tâm dệt chiếu. Lớn thêm vài tuổi đã biết phụ gia đình phơi cói, tước sợi và đến khoảng 10 tuổi thì nhiều em đã thành thạo nghề. Bà Đào Thị Đờn (60 tuổi) cho biết, bà theo nghề chiếu suốt 50 năm qua. Hiện mỗi ngày, bà cùng con gái Nguyễn Thị Cẩm Vân có thể dệt được 4 chiếc chiếu khổ lớn. “Nghề làm chiếu cói cũng lắm đa đoan. Khi tôi còn trẻ, cả làng thi nhau làm chiếu xuất bán khắp nơi. Hễ mang chiếu ra chợ là hết. Nhưng giờ, chiếu công nghiệp tràn lan nên sản phẩm cũng khó bán”, bà Đờn nói.

Theo bà Đờn, để có chiếu đem bán phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nặng nhọc nhất là bứt cói mang về nhà, cho nên, trong một gia đình thường thì khâu này đàn ông gánh vác. Còn trẻ em và phụ nữ thường ngồi tước cói thành sợi nhỏ sau đó đem phơi trong 5 ngày liên tục dưới cái nắng gay gắt. Tuy nhiên, người phơi cũng phải canh chừng để sợi cói không được quá khô gây giòn, gãy. Có được sợi, đến nhuộm màu với các tông: xanh, đỏ, tím, vàng và màu trắng ngà (màu gốc) rồi đem phơi khô lần nữa. Khi dệt chiếu cần phải có hai người, một người đưa thoi, luồn cói, người còn lại kéo thân cửi.

“Sợi cói được trồng ở đất Bàn Thạch sau khi được nhúng màu thường rất tươi cộng với kỹ thuật dệt điêu luyện có truyền thống hàng trăm năm nên chiếc chiếu được người tiêu dùng ưa thích. Không những vậy, nhiều người thợ giỏi còn tạo ra nhiều mẫu chiếu hoa, chiếu bông, chiếu lồng chữ cực kỳ bắt mắt, bền đẹp nên thương hiệu chiếu Bàn Thạch được tìm mua nhiều lắm...”, bà Đờn tiếp lời.

Đổi đời với chiếu…

Người thợ chiếu Bàn Thạch theo nghề cứ thưa dần theo thời gian do công dệt chiếu ngày càng thấp xuống. “Trừ tất cả chi phí, mỗi ngày mẹ con tôi kiếm được khoảng 70.000 đồng tiền lãi. Do vậy, trong làng giờ ít người dệt chiếu thủ công như mẹ con tôi lắm. Nhiều hộ chuyển sang làm nghề khác hoặc có hộ đã chuyển sang dệt chiếu bằng máy”, bà Đờn cho biết thêm, dù tiền công không nhiều nhưng đây là nghề truyền thống của gia đình để lại nên bà vẫn cố gìn giữ để truyền lại cho con cháu. Đặc biệt, theo bà Đờn, đây là nghề hợp với phụ nữ và người già nên “bỏ nghề sẽ rất uổng”.

Theo lời giới thiệu của bà Đờn, chúng tôi tìm gặp ông Đỗ Văn Bổn (54 tuổi), người đầu tiên đưa máy dệt chiếu về địa phương. Ông Bổn rất phấn khích khi nói về chuyện dệt chiếu theo hướng công nghiệp. “Tôi cùng với anh trai nhập 12 máy dệt chiếu (trị giá khoảng 30 triệu đồng/máy) về làm được 4 năm nay. Mức giá bán ra trên dưới 100.000 đồng/chiếc, cao gấp đôi và cũng bền so với chiếu thủ công”, ông Bổn nói. Trước đây, ông Bổn là người buôn chiếu nhưng do thu nhập bấp bênh nên ông vào miền Nam học nghề dệt chiếu máy. Về quê, ông mua liền 2 máy để thử nghiệm.

Ông Bổn cho biết thêm, 1 máy dệt chiếu cho ra 8 chiếc mỗi ngày, lãi 100.000 đồng/máy. 12 máy lãi 1,2 triệu đồng/ngày, làm ra bao nhiều có người thu mua hết bấy nhiêu. “Thế thì tại sao không mua máy về để dệt chiếu, năng suất vừa cao, giá trị lớn hơn và thu lãi cũng cao hơn. Tôi nghĩ dùng máy dệt ngay tại vùng quê này, dùng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng lao động địa phương cũng là một cách làm hay trong thời đại công nghiệp hóa. Có như vậy mới mong giữ được nghề và phát triển rộng ra...”, ông Bổn giải bày.

Khi cầu Cửa Đại nối liền đôi bờ Thu Bồn, khách du lịch sẽ theo đường ven biển để đến với Bàn Thạch. Giữ khung cửi để biểu diễn, phục vụ khách du lịch nhưng dùng máy để dệt là cách làm ăn hợp xu hướng mới đáng để người dân trong vùng nhân rộng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.