Dưới bóng bồ đề ở Bodhgaya

06/03/2015 19:59 GMT+7

Chúng tôi hành hương về Bodhgaya vào những ngày giáp tết Ất Mùi 2015. Trời se lạnh, nắng vàng ươm. Ai nấy bồi hồi xúc động, như đứa con đi xa lâu ngày, nay được trở về nhà…

Chúng tôi hành hương về Bodhgaya vào những ngày giáp tết Ất Mùi 2015. Trời se lạnh, nắng vàng ươm. Ai nấy bồi hồi xúc động, như đứa con đi xa lâu ngày, nay được trở về nhà…
Người hành hương trước bảo tháp MahabodhiNgười hành hương trước bảo tháp Mahabodhi
Niềm tin mãnh liệt
Bodhgaya (Bồ đề đạo tràng) là thánh địa thiêng liêng nhất của Phật giáo. Di sản văn hóa thế giới này có khuôn viên khoảng 3 ha, thuộc thị trấn Gaya, tiểu bang Bihar, Ấn Độ. Tại đây, hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã ngồi thiền dưới tán lá bồ đề và giác ngộ. Nơi Đức Phật ngồi thiền xưa kia bây giờ là đại tháp Mahabodhi cao khoảng 52 m, phía sau tháp là cây bồ đề tán lá sum suê.
Trước khi đến đây, chúng tôi đã kể cho nhau nghe về sự mầu nhiệm của những bảo tháp. Theo kinh sách nhà Phật, trong một kiếp sống xa xưa, người đàn ông xuất gia Shrijata là một con ruồi. Có lần, chú ruồi ấy tìm thức ăn và bay quanh một bảo tháp linh thiêng. Nhờ thiện nghiệp này mà kiếp sau chú ruồi tái sinh thành một nhà sư và tu tập chứng quả A-la-hán. Cho nên việc đi nhiễu quanh bảo tháp Mahabodhi sẽ giúp tịnh hóa nghiệp bất thiện và đem đến kết quả không thể nghĩ bàn. Còn theo thiền sư vĩ đại Osho (Ấn Độ), cây bồ đề ở Bodhgaya vẫn trong sự liên tục với cây nguyên thủy. Cho đến bây giờ, những người biết “chìa khoá” đều có thể trao đổi với Đức Phật qua cây bồ đề ở Bodhgaya. Việc các nhà sư trên toàn thế giới cứ tới Bodhgaya không phải là vô nghĩa... Hai câu chuyện nêu trên đã đem đến cho chúng tôi niềm tin mãnh liệt khi đến Bodhgaya.
Khi chiếc lá rơi
Khách sạn chúng tôi ở cách Bồ đề đạo tràng chừng 10 phút đi bộ. Trên đường đi có nhiều người già, trẻ em rách rưới xin ăn; nhiều gia đình cư ngụ trong lều tạm lụp xụp trên vỉa hè. Dưới lòng đường, từng đoàn người hành hương Tây Tạng, Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam… khoan thai đi đến Bồ đề đạo tràng. Trước cổng khu bảo tháp, người ăn xin đứng ngồi hai bên đường. Thấy khách đi vào, người già, trẻ em bám theo, chỉ tay vào bụng, vào miệng rồi ngửa tay xin tiền. Không thấy ai cho cả, có lẽ vì mọi người biết rằng, nếu cho một người thì đám đông ăn xin sẽ kéo đến…
Sau vụ nổ tại Bồ đề đạo tràng hồi năm ngoái, an ninh tại đây trở nên nghiêm ngặt hơn. Cảnh sát đặc nhiệm súng ống nai nịt được bố trí từ ngoài cổng đến trạm kiểm soát an ninh. Trừ máy ảnh, còn điện thoại di động, các loại thiết bị điện tử và giày dép phải gửi tại khu vực riêng. Túi xách, ba lô, vật dụng mang theo bị lục soát rất kỹ; thiết bị kiểm tra rà từ đầu đến chân. Tuy nhiên, khi bước vào khuôn viên Bồ đề đạo tràng, ai nấy đều cảm thấy bình yên, thư thái.
Theo đoàn người hành hương, chúng tôi vào bảo tháp Mahabodhi cung kính dâng hương và chiêm bái tượng Đức Phật. Tiếp đó, chúng tôi đi nhiễu nhiều vòng quanh bảo tháp, niệm Phật, cầu mong cho bản thân cùng mọi người sức khỏe và làm điều thiện. Khi chúng tôi chuẩn bị ngồi thiền dưới chân tháp, thì một chiếc lá bồ đề rơi. Mấy nam thanh niên chạy đến, tranh nhau chiếc lá. Rồi một chiếc lá bồ đề nữa rơi bên cạnh một phụ nữ đứng tuổi đang nhắm mắt ngồi thiền; người này liền mở mắt và nhanh tay nhặt chiếc lá bỏ vào giỏ. Người ta bảo, có được chiếc lá của cây bồ đề nơi Đức Phật giác ngộ là duyên lành. Ở trên cao, chắc Đức Phật mỉm cười khi thấy phật tử giành nhau chiếc lá…
Phải tự bước đi
Chúng tôi ngồi thiền dưới tán bồ đề phía sau bảo tháp Mahabodhi. Tôi nhắm mắt, thư giãn toàn thân, theo dõi hơi thở và tưởng tượng Đức Phật đang ngồi dưới tán bồ đề, tỏa sáng. Thời gian cứ thế trôi. Bỗng nhiên, tâm trí tôi xuất hiện hình ảnh những người rách rưới xin ăn ngoài cổng Bồ đề đạo tràng. Họ là những người đồng hương của Đức Phật, tá túc quanh bảo tháp Mahabodhi đã nhiều ngày tháng. Chắc họ đã cầu xin Đức Phật nhiều lắm, nhưng sao vẫn trôi lăn trong kiếp sống luân hồi? Tôi muốn hỏi Đức Phật điều này nhưng không dám…
Trở về với hơi thở, tôi im lặng suy tư. Đột nhiên, dường như có giọng nói từ tốn từ phía cây bồ đề vọng lại:
- Người không biết đường đến Sài Gòn có thể đi đến đó được không?
- Thưa, không - tôi thầm trả lời.
- Người biết đường đến Sài Gòn, nhưng không chịu đi thì có đến đó được không?
- Thưa, không.
- Vậy đó, ta chỉ là người chỉ đường…
Cảm giác hụt hẫng, thất vọng bao trùm tâm trí tôi. Tôi và nhiều người đến đây cầu xin Đức Phật để kiếp sau không phải quay trở lại bể khổ đời người. Nhưng Đức Phật không thể nhấc từng người đặt vào Niết bàn. Và cầu nguyện, bố thí, cúng dường là chưa đủ.
Hồi lâu, khi tâm trí tĩnh lặng, tôi ngộ ra rằng: Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã chỉ cho mọi người đường về nhà. Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm… là những bước đi đầu tiên trên con đường ấy. Mỗi người phải tự bước đi, liên tục, kiên nhẫn, bền bỉ, mà chẳng có cách nào khác.
Một chiếc lá bồ đề rơi xuống bên tôi. Không thấy ai chạy tới. Tôi mở mắt, nhặt chiếc lá, ngắm nhìn hồi lâu dưới ánh nắng xuân…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.