Giải bài toán nguồn nhân lực du lịch

22/12/2012 10:58 GMT+7

Du lịch Đà Nẵng đang trên đà phát triển vượt bật, với lượng khách đến mỗi năm mỗi tăng. Trong khi đó, bài toán về nguồn nhân lực cho ngành du lịch của TP vẫn là vấn đề nan giải hiện nay.

Giải bài toán nguồn nhân lực du lịch
Lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng ngày càng đông, cần một nguồn nhân lực du lịch giỏi nghề mới có thể níu chân du khách -  Ảnh: Diệu Hiền

Cần 20 ngàn lao động trong   lĩnh vực du lịch

Theo thống kê từ ngành du lịch TP.Đà Nẵng, Đà Nẵng hiện được coi là miền đất hứa của nhiều dự án du lịch. Rất nhiều dự án đang được đầu tư như Furama Villas, Vinpearl Luxury, Hyatt Regency, Olalani resort, Danang beach resort... Bên cạnh đó, rất nhiều hãng hàng không quốc tế đang cân nhắc mở đường bay đến TP.Đà Nẵng từ Bangkok và Hong Kong, cùng với các đường bay từ Hàn Quốc, Singapore, Thượng Hải, Quảng Châu, Kuala Lumpur... Số lượng khách du lịch đổ về TP hằng năm cũng tăng mạnh. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng lượng khách đã đạt hơn 1,3 triệu lượt, trong đó riêng khách du lịch quốc tế là 352 ngàn lượt khác. Doanh thu từ du lịch đạt 2.916 tỷ đồng, tăng gần 40% so cùng thời điểm với năm 2011.

Với đà phát triển đó, đến năm 2015, Đà Nẵng có khoảng gần 16.000 phòng khách sạn 4 và 5 sao, và cần khoảng 20.000 lao động để phục vụ trong lĩnh vực này. Thế nhưng, với đà phát triển mạnh của ngành du lịch, thì việc phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này lại đi lùi lại. Lực lượng này không chỉ thiếu về số lượng mà còn chưa đáp ứng được về chất lượng, sự chuyên nghiệp. Chưa kể, lực lượng này rất thiếu điều kiện và cơ hội để cọ sát như ở các TP lớn khác, nên thiếu sự tích lũy kinh nghiệm để phục vụ tốt hơn. Hiện theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, chỉ riêng sinh viên, học viên tốt nghiệp ĐH, CĐ, Trung cấp và sơ cấp mỗi năm, chỉ đáp ứng được 1/6 nhu cầu về nguồn nhân lực. Trong khi đó, lực lượng lao động lớn tuổi chưa đào tạo qua chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ đang làm việc trong lĩnh vực du lịch là rất nhiều, nên chất lượng phục vụ vì vậy cũng có sự giảm sút. "Nếu tình trạng thiếu nhân lực kéo dài, không đáp ứng được chất lượng dịch vụ thì lượng khách du lịch sẽ giảm sút, giảm sức hấp dẫn, các dự án đầu tư sẽ không mang lại hiệu quả cao!" ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng chia sẻ.

Đâu là giải pháp?

Đứng trước thực tế trên, rất nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP đã biết cách tự xoay sở bằng việc tự mình đào tạo nhân lực phục vụ cho đơn vị mình. Những lớp đào tạo kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ, giao tiếp... được các doanh nghiệp du lịch thường xuyên mở ra để vừa tạo điều kiện cho nhân viên của mình có nền tảng, bài bản hơn trong việc phục vụ; và đồng thời, cũng để xây dựng thêm lực lượng mới. Không chỉ mở những lớp tập huấn đơn thuần, các doanh nghiệp du lịch còn tổ chức xúc tiến liên kết giữa đơn vị đào tạo chuyên nghiệp trong nước à các chương trình đào tạo du lịch quốc tế giúp nâng cao chất lượng đào tạo du lịch của TP, tạo điều kiện giúp các học viên có cơ hội tiếp xúc với nền giáo dục quốc tế, trở nên chuyên nghiệp hơn trong tất cả các bộ phận phục vụ cho sự phát triển của du lịch.

Một chính sách được xem là dài hơi hơn của ngành Du lịch Đà Nẵng đó tạo điều kiện thu hút lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch có tay nghề cao ở các TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội với những chính sách ưu đãi. Cách làm này, sẽ tạo nên lực lượng lao động dồi dào kinh nghiệm, có kỹ năng, nghiệp vụ cao, nâng cao chất lượng phục vụ.

Có được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong lĩnh vực du lịch, ngành du lịch TP mới có thể phát triển bền vững và lâu dài.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.