Hải Phòng đối mặt nguy cơ suy kiệt nguồn nước

27/07/2015 09:40 GMT+7

Chất lượng nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân TP.Hải Phòng đang bị đe dọa khi các con sông vốn cung cấp 99% nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt đang bị suy thoái.

Chất lượng nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân TP.Hải Phòng đang bị đe dọa khi các con sông vốn cung cấp 99% nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt đang bị suy thoái.

 Các dòng sông ở Hải Phòng đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải chưa qua xử lý trực tiếp đổ ra sông
Các dòng sông ở Hải Phòng đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải chưa qua xử lý trực tiếp đổ ra sông - Ảnh: Lê Tân
Đưa PV Thanh Niên đi dọc sông Lạch Tray, ông Lê Đức Hòa, một người dân chài sống trên dòng sông này nói: “Sông giờ hết cá rồi các chú ạ, dân chài tứ tán hết, tôi may còn trụ lại với cái nghề chở đò”.
Đi từ Cụm công nghiệp Cánh Hầu đến Cụm công nghiệp Vĩnh Niệm, chúng tôi được chứng kiến sông Lạch Tray đang bị “đầu độc”: hàng chục cống thoát nước từ các công ty trên bờ xả ồ ạt nước thải màu đen, vàng, bốc mùi hôi hám xuống sông; trên sông xuất hiện nhiều bãi rác thải nổi lềnh bềnh, bọt vàng bám quá nửa thân những cây sú, lậu mọc ven sông…
Ông Hòa bảo đấy là bã rau câu. Khi lại gần, bãi chất thải này bốc mùi khiến chúng tôi buồn nôn, chóng mặt.
Khảo sát tại sông Cấm, đoạn từ xã An Hồng, H.An Dương đến P.Sở Dầu, Q.Hồng Bàng cũng cho thấy, hàng loạt con mương đỏ ngầu màu hóa chất, sủi bọt trắng xóa đổ ra sông Cấm; váng dầu, rác thải tràn đầy trên mặt sông.
Bà Ngô Thị Tân (907 Hùng Vương, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) có nhà ngay sát mép sông Cấm nói: “Chục năm trước, sông Cấm chưa đến nỗi bẩn thế này, còn có người ra sông tắm. Cua cáy rất nhiều nhưng bây giờ thì tiệt nọc”.
Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND xã An Hồng còn khẳng định: “Ngày xưa đoạn sông Cấm này còn có rươi, bây giờ ô nhiễm quá nên hết rồi”.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Cấp nước Hải Phòng và Trung tâm y tế dự phòng thành phố này, trong nguồn nước thô của các sông: Rế, Giá, Đa Độ đều có hàm lượng amoni, nitơrit, coliform vượt quá chỉ tiêu chất lượng nước thô được áp dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Bà Vũ Thị Lan, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi An Hải cho biết: hàm lượng các chất kể trên trong nước sông cao chứng tỏ nước đang bị ô nhiễm bởi nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất. Việc này cũng khiến cho việc xử lý, làm sạch nước gặp khó khăn, sẽ phải dùng nhiều clo và phèn chua hơn, chất lượng nước kém đi và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.
Trong bản Quy hoạch tài nguyên nước TP.Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Chi cục biển và hải đảo TP này thực hiện năm 2014, nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước mặt được xác định là do tình trạng lấn chiếm công trình, hành lang bảo vệ nguồn nước trên diện rộng và nghiêm trọng; sự suy yếu và ô nhiễm của hệ thông kênh tiêu thoát nước và nguy cơ ô nhiễm từ thượng nguồn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.