Hạn, mặn bủa vây - Bài 1: Thiệt hại nặng vì xâm nhập mặn

26/03/2013 10:50 GMT+7

Nước có độ mặn 4o/oo xâm nhập sâu vào đất liền trên dưới 50 km chẳng những khiến cho hơn 9.600 ha lúa ở tỉnh Bến Tre bị thiệt hại, mà còn đẩy hàng trăm ngàn người dân địa phương lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Nước có độ mặn 4o/oo xâm nhập sâu vào đất liền trên dưới 50 km chẳng những khiến cho hơn 9.600 ha lúa ở tỉnh Bến Tre bị thiệt hại, mà còn đẩy hàng trăm ngàn người dân địa phương lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Thiệt hại nặng vì xâm nhập mặn  
Một cánh đồng lúa bị mất trắng tại xã Phú Thuận (H.Bình Đại) - Ảnh: Khoa Chiến

Thiệt hại gần 60 tỉ đồng

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, năm nay, nước mặn xâm nhập sớm hơn 2 tháng so với năm 2012, gây thiệt hại ước tính hơn 59,5 tỉ đồng trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và vệ sinh môi trường. Số liệu thống kê tính đến ngày 25.3 ghi nhận: Diện tích lúa thiệt hại trong toàn tỉnh hơn 9.600 ha, trong đó trên 760 ha mất trắng, trên 3.500 ha giảm sản lượng từ 30 -70% và trên 5.300 ha giảm sản lượng từ 10 - 30%, ước tổng thiệt hại trên 31 tỉ đồng. Nếu tính theo địa bàn thì diện tích lúa bị thiệt hại nhiều nhất tập trung tại 2 huyện Ba Tri (6.000 ha) và Giồng Trôm (gần 3.000 ha). Tuy nhiên, 2 huyện có diện tích bị mất trắng nhiều nhất là Thạnh Phú (328 ha) và Bình Đại (300 ha)... Ngoài ra, còn có hơn 4.200 ha cây ăn trái ở tỉnh này bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, ước thiệt hại trên 11 tỉ đồng.

Bên cạnh việc gây thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp, tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền đã khiến cho trên 63.000 hộ với hơn 258.000 nhân khẩu trong tỉnh bị thiếu nước ngọt sử dụng. Nhiều nơi - nhất là ở các huyện miền biển như Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, người dân phải chấp nhận mua nước ngọt với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/m3.

 
Ngày 25.3, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre đã ký công văn trình UBND tỉnh đề nghị T.Ư hỗ trợ cho địa phương (theo tinh thần QĐ 49 của Thủ tướng Chính phủ) khắc phục thiệt hại do xâm nhập mặn. Theo đó, mức đề nghị hỗ trợ cho nông nghiệp là gần 8 tỉ đồng, trong đó về lúa trên 5 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo thông báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn vẫn còn diễn biến phức tạp. Ranh mặn 4o/oo tại các sông chính đã vào sâu 48 km trên sông Cửa Đại, 52 km trên sông Cổ Chiên và 55 km trên sông Hàm Luông. Còn độ mặn 1o/oo đã xâm nhập gần như toàn tỉnh. Thiệt hại cho nông nghiệp nói riêng và đời sống nói chung phụ thuộc vào diễn biến của tình hình trên.

Nỗi lo của người trồng lúa

“Vụ lúa đông xuân này coi như bỏ, nhưng còn lo vụ hè thu tới không biết có được gì không”, ông Bảy So (ngụ ấp Phú Hưng, xã Phú Thuận, H.Bình Đại) than thở khi đưa chúng tôi đi thăm 10 công lúa ông đang canh tác tại đây. Theo ông, hầu hết diện tích trên đang lúc vừa lên đòng thì bị mặn xâm nhập, lúa không thể ngậm sữa được nên gần như mất trắng. Giờ chỉ còn biết chờ mặn rút để dồn công rửa mặn ruộng chuẩn bị cho mùa sau, nhưng tình hình này không biết có kịp. Anh Trần Thanh Tuấn, người có 12 công lúa cùng tình trạng như ông Bảy So, chia sẻ: “Có ráng bòn mót thì mỗi công giỏi lắm chỉ kiếm được chừng 100 kg lúa, không đủ bù cho chi phí đã bỏ ra. Đó là chưa kể đem bán cũng không dễ vì bị thương lái chê lúa xấu”.

Ông Nguyễn Thành Sắc, cán bộ khuyến nông xã Phú Thuận, cho biết toàn xã có 180 ha lúa nhưng có đến 150 ha mất trắng, trong đó nặng nhất là 2 ấp Phú Hưng và Phú Long. 30 ha còn lại tuy có thể thu hoạch nhưng so với năm rồi sản lượng giảm đến 50%. “Không chỉ bị thiệt hại nặng về lúa, 2 ấp trên còn là nơi thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhất. Do đường sá vận chuyển khó khăn, để có nước ngọt sử dụng, người dân 2 nơi này đành phải mua loại nước lọc đóng thùng (loại 20 lít) với giá từ 12.000 - 14.000 đồng/ thùng”, ông Sắc nói.

Tình trạng thiệt hại về lúa và khó khăn về nước sinh hoạt có thể bắt gặp ở nhiều nơi tại tỉnh Bến Tre. Tại xã Châu Hưng (H.Bình Đại), có 50/410 ha lúa bị mất trắng và nhiều người dân không đủ nước ngọt xài, phải mua thêm nước từ xe bồn với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/m3. Còn xã Quới Điền (H.Thạnh Phú) thì có đến 120/150 ha lúa bị mất trắng, số còn lại năng suất ước tính chỉ đạt 1,5 tấn/ha và người dân xã này phải mua nước ngọt để xài với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/m3

Khoa Chiến

>> Độ mặn trên sông rạch Nam bộ tăng
>> Lúa thiệt hại nặng vì nước mặn xâm nhập ở Bến Tre
>> Hạn hán kéo dài gây thiệt hại lớn
>> Giúp dân vùng hạn hán
>> Hạn hán giữa mùa mưa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.